Một hành động hung đồ không chỉ hạ nhục thầy cô giáo, xúc phạm ngành giáo dục nước nhà mà còn chạm lòng tự trọng của hàng chục triệu phụ huynh học sinh vừa xảy ra tại Long An. Trong lúc giảng dạy, do có một số học sinh vi phạm nội quy cô N., giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh đã bắt phạt bằng hình thức bắt quỳ gối. Ngày 28-2, bốn phụ huynh có con bị phạt đã đến trường lớn tiếng trách móc cách hành xử của cô giáo.
Cô N. đã thành khẩn nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục sai sót. Tuy vậy, một phụ huynh đã không đồng ý, bắt cô giáo N. phải quì xin lỗi 40p. Trước áp lực của phụ huynh này, để bảo vệ an toàn tính mạng của mình, cô giáo đã buộc phải chấp nhận “hình phạt”.
Khi có một số người “xin giảm hình phạt” với thời gian ít hơn 40p, người ép cô giáo N phải quì là ông Võ Hòa Thuận đã không đồng ý. Được biết ông Thuận là luật sư và là đảng viên sinh hoạt chi bộ ấp.
Nhìn lại sự việc này cho thấy về phía cô giáo, cô N. có lỗi trong phương pháp giảng dạy. Nếu ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, đây là lỗi không nhỏ. Song, với văn hóa và phương pháp giáo dục truyền thống Việt Nam, việc thày giáo có những hình phạt nghiêm khắc với học sinh có thể thể tất. Hiện, nhiều quốc gia trong khu vực vẫn áp dụng hình phạt roi đòn với học sinh.
Tất nhiên ở Việt Nam, cô giáo N vẫn phải chịu hình thức kỉ luật nghiêm khắc vì đã vi phạm nguyên tắc và phương pháp giáo dục hiện hành.
Về phía phụ huynh, ba trong số bốn vị nói trên cũng cần rút kinh nghiệm để cùng với nhà trường có biện pháp giáo dục con em mình tốt hơn.
Riêng với phụ huynh Võ Hòa Thuận thì sự việc không dừng ở đó. Lý do, ông Thuận đã phạm tội làm nhục người khác theo BLHS 2015.
Cụ thể, tại Điều 155 qui định:
+ Thể hiện bằng lời nói: Như sỉ nhục, xóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… nhằm vào nhân cách danh dự với tính chất hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy nhục nhã trước người khác.
+ Thể hiện bằng việc làm: Như có những hành vi bỉ ổi (có hoặc không kèm lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu rếu.
Về hình phạt, Điều 155 nêu: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Trả lời báo chí, Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP HCM phân tích: “Vụ việc có dấu hiệu làm nhục người khác. Vụ này cần xác minh làm rõ là ông Thuận có bắt cô giáo quỳ 40 phút hay không hay cô giáo tự nguyện quỳ. Nếu ông Thuận buộc phải quỳ trước mặt nhiều người khác và về nhà rêu rao như lời ông Vốn nói thì đã có dấu hiệu làm nhục người khác cần xử lý…”.
Từ những gì đã diễn ra và với các qui định của pháp luật cũng như phân tích của Luật sư Đức, theo người viết bài này, hành vi của ông Thuận đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là chưa kể cô N là cô giáo trẻ, vừa mới sinh con nhỏ trong khi ông Thuận là một đảng viên.
Có lẽ cũng cần nói thêm, việc cô giáo bắt học sinh quì về động cơ là muốn các em tốt hơn. Còn với việc bắt cô giáo quì với động cơ làm nhục. Tuy có cùng hình thức nhưng động cơ, mục đích khác nhau.
Cách đây 300 năm, Nhà bác học Lê Quý Đôn đã chỉ ra 5 nguy cơ mất nước. Đó là: 1 – Trẻ không kính già – 2. Trò không trọng thầy. – 3. Binh kiêu tướng thoái – 4. Tham nhũng tràn lan. 5. Sĩ phu ngoảnh mặt.
Việc phụ huynh bắt cô giáo quì trước mặt mình là con đường ngắn nhất dẫn học sinh tới nguy cơ “Trẻ không kính già. Trò không trọng thầy” nên không thể bỏ qua, phải không các bạn?
(Theo Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét