Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có
một niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ và sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt
Nam. Người đã xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc chiến thắng mọi kẻ thù
xâm lược, giành tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Là người nắm vận mệnh của đất nước, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ
Chí Minh thấy rõ vai trò quan trọng của đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu
tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
XHCN. Người cho rằng, để giải phóng một dân tộc cũng như để xây dựng một chế độ
mới đều cần huy động sức mạnh toàn dân. Đoàn kết toàn dân vì độc lập dân tộc,
dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng
và là mục tiêu đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh to lớn của nhân dân, Chủ
tịch Hồ Chí Minh khẳng định lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết,
không ai chiến thắng được. Mỗi khi đất nước đứng trước những hiểm họa xâm lăng,
Người kêu gọi toàn dân hãy đoàn kết lại thành một khối thống nhất để đấu tranh
giải phóng dân tộc vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được
độc lập, tự do.
Để xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững mạnh, Người khuyên
đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi, hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến để cùng
phấn đấu cho một tương lai tươi sáng. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người
viết: "Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đầu hợp
lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng
thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta
phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái
quốc... có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn
sẽ vẻ vang”.
Nhận thấy nhân dân là lực lượng quyết định thắng lợi của
cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các hình thức tốt nhất để tổ chức lực
lượng của nhân dân như thành lập các mặt trận: Việt Minh, Liên Việt, Dân tộc
thống nhất, Tổ quốc Việt Nam... nhằm tập hợp các lực lượng cách mạng thành khối
đoàn kết toàn dân tộc. Người chủ trương đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân
thuộc các đảng phái, các đoàn thể trong mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giúp đỡ
nhau phấn đấu hoàn thành sự nghiệp XHCN.
Người nêu ra 4 mục đích của mặt trận đoàn kết dân tộc là:
hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Cương lĩnh của mặt trận đoàn kết phải
là ngọn cờ tập hợp các lực lược cách mạng, trong đó Đảng là người lãnh đạo mặt
trận và là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân… Khối đoàn kết toàn dân được xây
dựng từ mối quan hệ khăng khít giữa các dân tộc, các tôn giáo, mối liên hệ quân
- dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nước ta là quốc gia đa dân
tộc, mỗi dân tộc mang bản sắc riêng. Vì vậy Người kêu gọi đồng bào các dân tộc
không phân biệt Kinh hay Thổ, Mường hay Mán… phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau,
phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để cùng xây dựng Tổ quốc chung, xây
dựng XHCN, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc.
Đối với các thành phần tôn giáo, Chủ tịch Hồ chí Minh rất
tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào vì đó điều thiêng liêng trong sâu thẳm
tâm linh mỗi con người, là quyền lợi chính đáng cần được bảo vệ. Tuy nhiên,
Người nhắc nhở phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân
tộc. Phải đoàn kết giữa đời và đạo, giữa yêu nước và phụng đạo. Dù là lương hay
giáo, đồng bào cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau xây dựng đời sống
hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc.
Trong thư gửi đồng bào công giáo ngày 14/10/1945, Chủ tịch
Hồ chí Minh viết: "Nước nhà ta đang đứng trước một tình thế rất nghiêm
trọng. Dân tộc ta suy hay thịnh, mất hay còn chính là ở trong lúc này. Không
đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn
kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.
Thấu hiểu nguyện vọng của đồng bào Thiên chúa giáo là phần
xác ấm no, phần hồn thong dong cho nên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng
sẽ giải phóng trọn vẹn cho người dân công giáo cả về phương diện chính trị và
tôn giáo. Người tin tưởng rằng, khi lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả
nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực
hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống
nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…
Từ khi ra đời đến nay chính sách này đã không ngừng được bổ
sung và hoàn thiện cho phù hợp với sự vận động và phát triển của cách mạng Việt
Nam nhằm phát huy tối đa sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Nhờ đó mà chúng
ta đã vượt qua bao khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù của dân tộc, vững vàng tiến
bước ngay cả trong những thời điểm thế giới có những diễn biến phức tạp.
Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt những năm qua Đảng
ta đã không ngừng xây dựng củng cố tình đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân. Từ
khi bước sang giai đoạn đổi mới đất nước Đảng ta đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc
hơn giá trị tư tưởng đại đoàn kết toàn dân. Điều đó được thể hiện nhất quán
trong các chủ trương, chính sách đổi mới trên cơ sở thống nhất về chính trị tư
tưởng trong các tầng lớp nhân dân, giải quyết hợp lý lợi ích kinh tế giữa các
thành phần KT-XH, huy động được sức lực trí tuệ toàn dân để xây dựng đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét