Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Thảm sát Gạc Ma: Lịch sử không ai có thể xóa

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã nổ súng cưỡng chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 người lính đã kiên cường chống chọi lại sự hung hăng, khát máu, tàn ác của quân thù, thâm độc hơn chúng còn không cho phép các tàu của lực lượng chữ thập đỏ ra cứu các nạn nhân, cho dù đây luôn là thông lệ quốc tế trong chiến tranh. Chính vì yếu thế, sức mỏng, lực cạn các anh đã ngã xuống mang dòng máu anh hùng hòa vào với biển Đông. Ngày hôm nay của 30 năm sau, máu thịt các anh vẫn nằm rải rác đâu đó để khẳng định về một lịch sử không ai có thể xóa nhòa.
Có một thực tế quặn lòng, rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, hình ảnh những người con nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc đều đi vào bất tử trong lịch sử dân tộc. Thế nhưng về cuộc thảm sát này, mãi đến năm 2010, 2011 thì những thước phim thực tả về trận chiến Gạc Ma, Trường Sa mới được lan truyền trên mạng Internet. Nhiều người dân Việt Nam mới có thể “chứng kiến”, cảm nhận được một phần nào sự thật về cuộc chiến khốc liệt, không cân sức này.
Bộ đội Việt Nam đang dầm mình trong nước biển đến thắt lưng, tay nắm tay nhau giữ đảo và lính Trung Quốc thì đứng trên tàu chiến, dùng súng phòng không bắn thẳng vào nhóm người tay không đứng trong nước ấy. Tiếng đạn pháo đì đùng, chát chúa xé toạc mặt biển, lướt dọc, ngang như rải thảm từng hồi, nước vọt cao thành cột hàng chục mét… Không người con dân Việt nào có thể cầm được nước mắt mỗi lần xem. Uất nghẹn, xót xa, đớn đau… tràn ngập.
Mọi sự hy sinh, mất mát đau thương đều không thể “đo lường” được nỗi lòng của những người thân ở lại, nhưng trận hải chiến Gạc Ma, Trường Sa với 64 người anh dũng ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc lại chưa chính thức có một ngày tưởng niệm, tôn vinh các anh theo nghi thức nhà nước, dù chỉ là cấp địa phương. Bởi vậy, tháng 3 luôn khắc khoải đối với những người trong cuộc.
Những người lính kiên trung – 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988 sẽ luôn được lịch sử nhắc tên với nỗi day dứt khôn nguôi như một vết thương của Tổ quốc chưa bao giờ lành. Và sự thật về cuộc chiến này cần phải được nhìn nhận một cách khách quan và công tâm nhất. Nó không chỉ giúp chúng ta nhìn nhận đúng đắn về một sự kiện lịch sử mà còn giúp cho nỗi đau của những người thân 64 anh hùng đã ngã xuống nguôi ngoai đi phần nào. Mặc dù họ vẫn đau lắm khi máu thịt các anh vẫn lạnh lẽo nằm nơi đáy biển sâu kia.
Và việc trả lại đúng tính chất của cuộc chiến này không phải là để khơi gợi lại nỗi đau, xé toạc những vết thương đang kéo da non, tạo một tâm thế định kiến trong ứng xử cho các thế hệ tiếp theo, bởi hành động và diễn biến của nó xảy ra dưới sự lãnh đạo của thế hệ 30 năm về trước.
Lịch sử không cho phép chúng ta chọn địa lý và “hàng xóm”. Nhưng lịch sử cũng cho thấy kẻ xâm lược chưa bao giờ nguôi dã tâm xâm lấn đất nước cả trên bộ, trên biển, trên không và kể cả trong lòng người Việt. Cho tới ngày hôm nay, vấn đề biển đảo vẫn còn nhức nhối. Dù muốn dù không vẫn phải nằm lòng câu nói rất quen “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Sau bao đau thương chiến tranh và trong một thế giới văn minh, ta phải chấp nhận xu hướng của thời đại: đối thoại thay cho đối đầu. Chiến lược ngoại giao phải phụ thuộc vào thế và lực của ta.
Với những người nghiên cứu, họ có cái nhìn sâu, bao quát, tất phải hiểu bài toán quan hệ với Trung Quốc là rất phức tạp. Còn một số kẻ xưng danh là “học giả”, “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh” suốt ngày la lối, lợi dụng, cào bới nỗi đau lịch sử để thực hiện toan tính cá nhân. Lợi dụng tâm lý ghét Trung để kích động người dân biểu tình, thậm chí chúng còn ra ca múa ngoài tượng đài cho hả hê rồi rêu rao tưởng nhớ.
Nghĩ về sự kiện Gạc Ma, về bài học lịch sử khắc cốt ghi tâm tức là chúng ta nghĩ về cách thức để làm cho quốc gia phồn thịnh, dân tộc hùng cường. Đó cũng là cách để tri ân những người đã ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn. Lịch sử sẽ không bao giờ xóa bỏ được tính chất của cuộc chiến này, nhưng liệu qua lớp bụi thời gian bao nhiêu người nhớ mãi lời của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, người giữ lá cờ đỏ sao vàng giữa đảo, khi ngã xuống vẫn còn dặn dò, “Tất cả chúng mình quyết giữ lấy hòn đảo này, dù có phải hy sinh, máu chúng mình sẽ tô thắm lá cờ Việt Nam”.
Bảo Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét