- “Tri thức Việt kiều ở nước ngoài không cần trải thảm đỏ, cũng không quá nặng nề về nguồn thu nhập. Cái quan trọng là những tri thức này nói làm được cái gì và có quyền quyết định. Phải tạo cơ hội, môi trường để họ làm và đóng góp”.
Đây là chia sẻ của Giáo sư Trương Nguyện Thành trên đài truyền hình quốc gia về quyết định tạm gác lại ước mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam sau khi không được công nhận vị trí Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen.
Trao đổi thẳng thắn, giáo sư Thành cho biết, ông “không có ý kiến, không buồn, không trách và không có một suy nghĩ tiêu cực gì” khi không đủ điều kiện trở thành hiệu trưởng của trường ĐH Hoa Sen, bởi đây là quyết định theo đúng Luật Giáo dục Đại học Việt Nam.
Theo quan điểm của ông, “nếu coi giáo dục đại học như một doanh nghiệp thì vấn đề quản trị rất quan trọng. Quản trị ở đây là xây dựng một môi trường làm việc tích cực, năng động, hiệu quả và chỉ có những người ở vị trí hiệu trưởng trường ĐH mới đưa ra được quyết định làm được công việc đó”.
Lý do khiến Giáo sư Trương Nguyện Thành không thể ngồi vào vị trí hiệu trưởng là bởi chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam như luật định hiện nay. Trên cơ sở luật pháp, Bộ/Sở Giáo dục và Đào tạo không đủ cơ sở để đề xuất UBND TP HCM công nhận vị trí hiệu trưởng dù rằng đã có đề cử của Hội đồng quản trị nhà trường với số phiếu 16/18 (2 phiếu trắng).
Điều đáng nói là mặc dù ông Thành có tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa ĐH Utah từ năm 1993 đến nay, song theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì “hiện chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp phòng/khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với Việt Nam”.
Sự ra đi của Giáo sư Trương Nguyện Thành khiến nhiều người tiếc nuối. Và bản thân người viết cho rằng, không phải bỗng nhiên mà việc ông quay lại Mỹ lại gây chú ý dư luận như vậy nếu như ông không phải là người có thực lực, có trình độ quản lý và giảng dạy, nhất là khi ông rất có tâm huyết đóng góp cho giáo dục nước nhà.
Tất nhiên, yêu cầu của luật về kinh nghiệm 5 năm quản lý không phải không có lý. Trên thực tế, một người chuyên môn giỏi chưa hẳn là người quản lý giỏi và một người quản lý giỏi không nhất thiết phải xuất sắc về chuyên môn giảng dạy. Trên góc độ quản trị, cần nhiều hơn tầm nhìn, đầu óc chiến lược, cách dụng nhân, mối quan hệ xã hội và sự tâm huyết với tổ chức.
Và con số 5 năm cũng chỉ là khoảng thời gian tương đối (tương ứng với 1 nhiệm kỳ quản lý) chứ cũng không thể khẳng định đủ để một người tích luỹ và chín muồi về kinh nghiệm quản trị hay không.
Cho nên, sự tín nhiệm ở đây quan trọng hơn. Nghĩa là những đóng góp của một người quản lý dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nhưng có thể thay đổi được diện mạo bộ máy, gây ấn tượng mạnh mẽ với tổ chức, đó mới là thước đo có ý nghĩa nhất.
Ở đây, tôi không cảm thấy tiếc cho Giáo sư Trương Nguyện Thành, bởi người giỏi thì có thể thành công ở bất cứ đâu, nhưng tôi tiếc cho sinh viên ĐH Hoa Sen và tiếc cho cả những giấc mơ dang dở của ông.
Luật pháp là tối thượng và quy định luật thường được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Cho nên, hy vọng rằng từ trường hợp của Giáo sư Trương Nguyện Thành, ban soạn thảo Luật giáo dục sửa đổi tới đây cũng sẽ có những cân nhắc nhất định trong việc Nhà nước có nên can thiệp quá sâu vào công tác quản trị của các trường tư thục hay không?
Thay vì sự can thiệp sâu vào công việc của tư nhân như thế, nên chăng hãy dành thời gian và nhân lực để quản lý chặt chẽ và sâu sát hơn bộ phận công lập, để ngành giáo dục không còn xảy ra những vụ việc ồn ào như suốt thời gian qua, và nhất là để ngành này không còn lãng phí người tài, đánh mất cơ hội cống hiến do để “lọt sàng” những người yếu kém cả về nhân cách và trình độ.
Bích Diệp
bài này hay lắm
Trả lờiXóa