Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

 

“RẰNG, TRONG CƠN HOẠN NẠN, CÀNG THẤU HIỂU LÒNG NHAU”


Trong những ngày vừa qua, cơn bão số 3, mang tên Yagi đã tràn vào miền Bắc nước ta với cường độ rất mạnh và sự tàn phá rất lớn, gây ra thảm họa khôn lường. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, triển khai đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống cơn bão Yagi. Tuy nhiên, cơn bão số 3 mang tên Yagi với sức gió siêu mạnh, đã gây ra sự tàn phá ghê gớm đối với 25 tỉnh miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Trong muôn vàn khó khăn, thử thách, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã cùng với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương của 25 tỉnh, thành trên miền Bắc, đã chung sức, đồng lòng, cùng toàn dân nhanh chóng, khẩn trương vào cuộc. Quân đội đã huy động tất cả các lực lượng: Từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, đến dân quân tự vệ, dự bị động viên với hơn 450.000 người và hơn 10.000 phương tiện sẵn sàng ứng phó với siêu bão số 3. Đó là tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống, lòng yêu thương vô bờ bến của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đến với dân, lo cho cuộc sống, sự bình yên của người dân.

Mỗi ngày, hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ “ra trận” cùng với các lực lượng khác đã đến các địa bàn, nơi cơn bão tàn phá, giúp đồng bào di cư, sơ tán, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; giữ vững ổn định tình hình trong điều kiện mưa bão, ngập lụt, lở đất nghiêm trọng. Trong số đó, đồng chí Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 đã dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chính sự hy sinh cao cả ấy đã thúc giục cán bộ, chiến sĩ toàn quân vượt lên mọi khó khăn, thách thức, cùng nhân dân các địa phương vượt qua hoạn nạn, bất chấp nguy hiểm, hạn chế tối đa thiệt hại. Nhiều đồng chí đã lao mình vào mưa giông, bão giật, dầm mình trong mưa bão nhiều ngày đêm, vượt qua sóng gió, lũ quét để cứu giúp dân.

Mưa bão dần ngớt, nắng hửng lên nhưng để lại hậu quả rất nặng nề, ngoài sự tàn phá khủng khiếp về tài sản, cản trở sản xuất, kinh doanh; cơn bão Yagi còn gây ra thảm họa, làm hơn ba trăm người dân thiệt mạng và mất tích. Trong hoạn nạn, gian nan, cán bộ, chiến sĩ toàn quân và đồng bào cả nước đã hướng về vùng bão lụt với tất cả sự lo lắng, mong cho cơn bão qua đi, cầu mong cho mọi người bình yên. Đảng, Nhà nước, Quân đội và các ban, bộ, ngành, địa phương đã, đang và tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, cả sức người, sức của, các nguồn lực để giúp đồng bào vùng lũ lụt, chặn đà gây hại của cơn bão và khắc phục cơ sở hạ tầng đã hư hại. Đồng thời, hỗ trợ người dân các điều kiện cần thiết để tái sản xuất; bảo đảm đời sống cho người dân, sớm ổn định tình hình, giúp các cháu học sinh, sinh viên sớm trở lại trường học, thực hiện tốt phương châm “không để ai tụt lại phía sau”.

Chưa bao giờ tình người, lòng yêu thương, sự đoàn kết quân - dân; sự tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” của quân và dân ta lại nồng ấm, tỏa sáng với sự sẻ chia và phát huy mạnh mẽ như vậy. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã hưởng ứng Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã dành sự sẻ chia, quyên góp, giúp đỡ về tinh thần, vật chất với nghĩa cử cao đẹp, cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng bão lụt khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, nhanh chóng khôi phục sản xuất và đưa cuộc sống trở về bình thường mới. Hàng chục tỷ đồng thiện nguyện được quyên góp từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ đã được các cơ quan chức năng, trực tiếp là Ban Vận động cứu trợ Trung ương đang tổ chức phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương để kịp thời gửi cứu trợ giúp đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Dưới trời mưa giông tầm tã, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn tiếp tục hành quân đến những nơi khó khăn, sử dụng mọi phương tiện có thể, kể cả việc sử dụng trực thăng khi điều kiện cho phép, tiến sâu vào vùng ngập lụt, sạt lở để hỗ trợ đồng bào, mang nhu yếu phẩm, thuốc men giúp đồng bào vùng bị cô lập với tinh thần “ở đâu có khó khăn, ở đó có bộ đội giúp đỡ”, “bộ đội tìm đến dân chứ không chờ dân kêu gọi”. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội và Công an đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ lăn xả hết mình vì dân, mặc đói rét, mệt lả và đầy hiểm nguy, đã dầm mình liên tiếp trong nhiều ngày đêm, đến từng ngõ ngách, vượt dòng nước lũ ngập sâu để hỗ trợ, đưa các cháu nhỏ và người già thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Khi nước rút, bão tan; nhưng các đơn vị Quân đội vẫn ở lại với dân, công việc nối tiếp công việc, bộ đội lại sắn tay giúp dân dọn dẹp nhà cửa, di chuyển đồ đạc, tài sản giúp các gia đình sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hộ cố đê điều, sửa chữa đường xá, nhà cửa, tìm người dân mất tích, làm các thủ tục tang lễ cho người xấu số.

Những việc làm xuyên ngày, xuyên đêm và chưa biết ngày nào sẽ được ngơi nghỉ nhưng niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến của cán bộ, chiến sĩ là tìm lại sự bình yên cho nhân dân; nụ cười vẫn rạng rỡ trên khuôn mặt người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Rõ ràng là, qua hoạn nạn, gian gian, tình quân - dân, nghĩa đồng bào thật cao quý, thật là thiêng liêng; hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” càng thêm tỏa sáng. Nó chứng minh đầy sức thuyết phục rằng, Quân đội ta là Quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; trọn vẹn cuộc đời “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đây là khúc ca tiếp nối truyền thống vẻ vang 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đây cũng là điều giải thích rõ ràng và vô cùng cô đọng, sâu sắc: Vì sao nhân dân lại khen tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta là “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội của dân”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét