Hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng
Ảnh bìa: Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 11/10/2024, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường là khát vọng muôn đời của dân tộc. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã cụ thể hóa khát vọng đó bằng những cột mốc phát triển, làm căn cứ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực thực hiện với tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì sự phồn vinh của đất nước. Đến nay, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả có tính bước ngoặt, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển của nhiệm kỳ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại nhiều cuộc họp luôn nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, cho thấy nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên hiện nay để tạo đà cho đất nước “vươn mình” bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Hiện thực hóa khát vọng
Tại Đại hội lần thứ XIII, lần đầu Đảng ta đặt ra vấn đề khơi dậy, thúc đẩy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh. Đại hội cũng đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước, sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể. Thế nhưng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đất nước đã phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn đe dọa tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Đó là: đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ… Hầu hết các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề mới phát sinh, vừa xử lý các yếu kém tồn đọng từ nhiều năm.
Với ý chí, quyết tâm cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, đưa đất nước vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nhất là, chúng ta đã nhanh chóng phục hồi và từng bước phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong khi tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá; trong đó tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải ghi nhận thực tế là có những khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý kịp thời để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội có lúc, có nơi còn chậm. Tại không ít cơ quan nhà nước, từ cấp Trung ương tới địa phương, còn có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây ra những khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Sâu sát và trăn trở với thực tiễn ấy, trong phiên họp lãnh đạo chủ chốt vào ngày 6/8/2024 - phiên họp đầu tiên chủ trì trên cương vị mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo một số nhiệm vụ mà toàn Đảng và hệ thống chính trị cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, đã nhấn mạnh: Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển, hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả. Trong những cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn chỉ đạo phải tập trung rà soát những công việc còn lại từ nay đến hết năm 2024 và đề ra các giải pháp, biện pháp để hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Nhằm bảo đảm bứt phá, tăng tốc, sớm “về đích” thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, từ nay đến cuối năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng sẽ tập trung ưu tiên xem xét nhóm các đề án tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế-xã hội.
Có thể thấy tinh thần tập trung hơn, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dành sự quan tâm và vào cuối tháng 8 vừa qua đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - một tổ chức đại diện cho cộng đồng rất lớn các doanh nghiệp đang chung tay xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ với những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phải hứng chịu hậu quả của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu đến nay vẫn còn rất nặng nề; đồng thời khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển.
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và mỗi người dân đều kỳ vọng Đảng và Nhà nước sớm có những quyết sách thúc đẩy nhanh việc hiện thực hóa khát vọng phát triển luôn thường trực trong tâm thế mỗi người dân Việt Nam.
Tập trung đột phá về thể chế phát triển
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 nêu rõ: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Thúc đẩy hiện thực hóa chủ trương và các mục tiêu phát triển đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có những bài viết quan trọng, có ý nghĩa chỉ đạo về tư tưởng đối với cả hệ thống chính trị và định hướng tư duy, hành động của các cấp, các ngành, địa phương, cũng như mỗi cá nhân.
Trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để thực hiện thành công, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện. Cùng với đó, phải hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới; bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển…
Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại.
- Trích bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, sáng 25/9/2024, tại thành phố New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Chủ tịch Ngân hàng thế giới (World Bank) Ajay Banga. Ảnh: TTXVN
Quá trình chỉ đạo xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng thường xuyên đặt vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển và hệ thống pháp luật, tháo dỡ những rào cản, tạo động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.
Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII vừa diễn ra, qua thảo luận các nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện Văn kiện, Trung ương thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về nhiệm vụ trước mắt, Trung ương thống nhất chủ trương phấn đấu đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025 do Đại hội XIII đề ra. Qua xem xét, đánh giá, Trung ương nhận định, thực tế đến nay vẫn còn khó khăn, thách thức nhất là việc thực hiện chỉ tiêu GDP - chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng và việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu chiến lược. Do vậy, cả hệ thống chính trị, trước hết là Chính phủ, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương phải thật sự quyết tâm, quyết làm, có giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 đã được Trung ương thông qua; đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP và tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Với những quan điểm chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về nhiệm vụ trước mắt và tầm nhìn trong những năm tới, tin tưởng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sẽ nỗ lực với tinh thần mới, đạt được kết quả như mong muốn, góp phần đưa đất nước tiến nhanh vượt bậc trong giai đoạn mới, xứng đáng với dấu mốc là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đại hội XIV của Đảng đánh dấu khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Trước dấu mốc quan trọng, có tính bước ngoặt đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân rất trông đợi, kỳ vọng lớn vào những quyết sách mới, mạnh mẽ và sáng suốt của Đảng để mang lại những đột phá phát triển cho đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét