Quân và dân miền Nam đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của đế quốc Mỹ (1965-1967)
Trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ vào miền Nam Việt Nam, liên tiếp mở hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 nhằm “tìm diệt” Quân giải phóng cùng cơ quan đầu não lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam và “bình định” miền Nam. Với việc đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của Mỹ, quân và dân ta đã tạo nên thế và lực mới cho cách mạng miền Nam - mở ra điều kiện và thời cơ để tiến lên giành những thắng lợi quan trọng có tính chất bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong mùa khô 1965-1966, Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam ráo riết gia tăng lực lượng quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ, với tổng quân số lúc cao nhất lên tới 206.772 quân (tháng 12-1965), cùng nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực Quân Giải phóng, phá các căn cứ du kích, kho tàng của lực lượng cách mạng, giành lại thế chủ động chiến lược, ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền, quân đội Sài Gòn.
Cùng với các cuộc hành quân càn quét, bình định trên khắp chiến trường miền Nam, cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 được tiến hành trên 5 hướng thuộc 2 chiến trường trọng điểm. Ở miền Đông Nam Bộ, hướng thứ nhất, đánh vào tây bắc Sài Gòn, gồm Củ Chi, Bến Cát, Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu; hướng thứ 2, đánh vào đông Sài Gòn, từ sông Đồng Nai đến Bà Rịa. Ở địa bàn Khu 5, hướng thứ 3, đánh vào nam Phú Yên; hướng thứ 4, đánh vào bắc Bình Định và hướng thứ 5, đánh vào nam Quảng Ngãi.
Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng và phát triển trong những năm chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm, các phương thức tác chiến chiến lược, kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công quân sự, chính trị, binh vận, quân và dân ta liên tục phản công và tiến công bẻ gãy nhiều cuộc hành quân “tìm và diệt” của quân Mỹ và quân đồng minh; phối hợp với các cuộc tiến công của bộ đội chủ lực trên hướng chính, các đơn vị đặc công, biệt động, đơn vị pháo cối chuyên trách, lực lượng du kích “vành đai diệt Mỹ”... đã đánh vào các căn cứ xuất phát hành quân, cơ quan đầu não chỉ huy trong thành phố, thị xã; đánh vào hệ thống kho tàng, sân bay, bến cảng, các tuyến giao thông huyết mạch của địch.
Ở những khu vực địch tập trung đánh phá ác liệt như vùng ven Sài Gòn, Củ Chi, Bến Cát, lực lượng vũ trang ta vẫn trụ bám kiên cường, tổ chức các cuộc tiến công vào quân địch hành quân hoặc trú đóng. Bằng cách đánh táo bạo, bất ngờ và “thiên biến vạn hóa”, nhân dân và lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã đánh thiệt hại Sư đoàn 1, Sư đoàn 25 và Lữ đoàn dù 173 của Mỹ và quân đội Sài Gòn ở Củ Chi, Bến Cát, Nhà Đỏ - Bông Trang, Võ Xu, Bình Tuy, dốc Bà Nghĩa, tỉnh lộ 16, Núi Lá... Chủ lực Quân khu 5 tiến công địch ở tây Sơn Tịnh (bắc Quảng Ngãi), đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Đông Giáp... Từ tháng 10-1965 đến tháng 6-1966, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 51.000 tên địch, phá hủy hàng chục nghìn vũ khí, trang bị các loại.
Trước những đòn tiến công quyết liệt của quân và dân ta trên khắp các chiến trường, quân Mỹ và quân đồng minh không “tìm diệt” được các đơn vị chủ lực Quân giải phóng, không đạt chỉ tiêu “bình định” các vùng nông thôn trọng điểm miền Nam mà trái lại còn chịu những tổn thất nặng nề và buộc phải kết thúc vào tháng 4-1966, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Tiếp tục nỗ lực xoay chuyển cục diện chiến trường, Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam quyết định tiến hành cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967 nhằm giành thắng lợi cả hai gọng kìm “bình định” và “tìm diệt” tạo bước ngoặt giành thắng lợi quyết định trong chiến tranh. Để hoàn thành mục tiêu, Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam nâng tổng số quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ở miền Nam lên đến 395.000 quân, tập trung lực lượng đánh vào một hướng chính là miền Đông Nam Bộ bằng hàng trăm cuộc hành quân, trong đó có 3 cuộc hành quân lớn là Hành quân Attleboro, Hành quân Cedar Falls và Hành quân Junction City.
Dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, Bộ Chỉ huy Miền kịp thời chỉ đạo các chiến trường lập kế hoạch chủ động mở các chiến dịch tiến công đánh bại các cuộc hành quân của Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Ở Nam Bộ, từ ngày 10-10 đến 25-11-1966, Quân giải phóng mở chiến dịch Tây Ninh. Sư đoàn 9 chủ lực Miền phối hợp lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân liên tục tiến công và phản công, đánh bại cuộc Hành quân Attleboro (từ ngày 14-9 đến 25-11-1966) của quân Mỹ, bảo vệ được căn cứ Dương Minh Châu. Ở Chiến khu C, Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 vượt sông Sài Gòn phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương Sài Gòn - Gia Định tiến công vào sau đội hình địch trong cuộc Hành quân Cedar Falls (từ ngày 8 đến 26-1-1967) ở vòng ngoài, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn địch ở Gò Chư xã Thanh Am, bắc Củ Chi; trong khi đó, quân và dân Củ Chi tổ chức nhiều trận nhỏ lẻ tiến công địch rộng khắp, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn lính Mỹ và quân đội Sài Gòn, phá hủy nhiều vũ khí, trang bị.
Ở khu vực căn cứ Dương Minh Châu, Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền chỉ đạo các lực lượng vũ trang, cơ quan và nhân dân trong vùng chuẩn bị đối phó và phản công đánh bại cuộc Hành quân Junction City (từ ngày 22-2 đến 15-4-1967). Với thế trận đã chuẩn bị sẵn, ngay sau khi Mỹ và quân đội Sài Gòn tổ chức tiến công, các lực lượng tại chỗ của Quân giải phóng đã bám đánh, gây cho địch nhiều thiệt hại. Lực lượng chủ lực Miền liên tiếp tập kích quân Mỹ ở Trảng A Lấn, suối Ông Hùng; pháo kích Sở Chỉ huy địch ở Dầu Tiếng và khu vực tập trung hậu cần ở suối Đá, Sở Chỉ huy Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Bộ binh 25 ở Tà Xia, tập kích địch ở Bàu Bàng, Đồng Rùm, Trảng Ba Vũng…, tiêu diệt hàng nghìn lính Mỹ và quân đội Sài Gòn, phá hủy hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp, bắn cháy hàng chục máy bay địch, buộc phải kết thúc sớm cuộc hành quân.
Trong lúc đó ở chiến trường Quân khu 5 và Tây Nguyên, sau Chiến dịch Sa Thầy I, Quân giải phóng mở Chiến dịch Sa Thầy II đánh bại cuộc hành quân Hutxtơn ở Pleiku. Lực lượng chủ lực đã phối hợp với quân và dân địa phương tiến công quân Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân Nam Triều Tiên ở Quảng Ngãi và Quảng Nam, tập kích sân bay Nha Trang, Đà Nẵng gây cho địch nhiều thiệt hại. Lực lượng vũ trang Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị và Quân khu Trị - Thiên liên tục tiến công tiêu diệt địch ở An Lỗ, An Cựu, Gio Linh, La Vang, bắn phá căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu, giam chân một lực lượng lớn quân cơ động của Mỹ trên chiến trường này. Ngoài ra, quân và dân ta còn liên tục tiến công các căn cứ địch ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, tập kích tổng kho Long Bình, các sân bay Tân Sơn Nhất, Pleiku, Đà Nẵng gây cho địch nhiều thiệt hại.
Bằng sự nỗ lực toàn diện, lực lượng vũ trang ba thứ quân và nhân dân toàn miền Nam đã đánh thắng cả hai biện pháp chiến lược chủ yếu là “tìm diệt” và “bình định” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong Cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967; làm cho cả lực lượng và hoạt động của chúng trên chiến trường lâm vào tình trạng mâu thuẫn, giằng co gay gắt giữa một bên là phân tán để thực hiện mục tiêu “bình định” và bên kia là tập trung tìm diệt chủ lực, cơ quan đầu não kháng chiến của ta, nên hiệu lực chiến đấu giảm sút, trong khi lực lượng cơ động không thay đổi và đẩy Mỹ, quân đội Sài Gòn ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng không sao gỡ nổi.
Thắng lợi to lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 cùng với sự nỗ lực đóng góp sức người, sức của và trực tiếp đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ của quân và dân hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa là những thắng lợi hết sức quan trọng để nhân dân ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét