Bước phát triển lý luận của Đảng về công tác phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực
Nội dung những tư
tưởng, quan điểm chỉ đạo trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng
trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được rút ra từ thực tiễn
phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết
liệt, toàn diện. Cuốn sách góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng về công
tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong bài viết Đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo
ngược!, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Phòng, chống tiêu cực, mà
trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham
nhũng".
Trước đây, Đảng chủ yếu quan tâm đến tác hại
trước mắt, về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm
ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực là làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm
tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cuối cùng là mất chế độ. Vị trí, vai
trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được Đảng
coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Đảng đã từng bước mở rộng hoạt động phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước để công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, phòng, chống
tham nhũng, lãng phí được gắn với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng,
chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng
viên.
Thực tiễn cho thấy, cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực càng đi vào chiều sâu, quan điểm chỉ đạo của Đảng
ngày càng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ với tham nhũng, tiêu cực.
Các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự thể hiện
sự kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý
nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng bộ giữa xử lý kỷ
luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử
lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành
chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật.
Trong những năm qua, cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện rõ quan điểm: Mọi cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công
khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, thực hiện đúng quan điểm "không có
vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất
kỳ cá nhân nào".
Cùng với xử lý nghiêm minh, phải đặt trong
hoàn cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại
thời điểm xảy ra sai phạm để xem xét kỹ động cơ, mục đích, hậu quả và nguyên
nhân để đánh giá khách quan, toàn diện, từ đó xác định đúng bản chất của vụ
việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích. Xử lý nghiêm hành vi sai phạm;
đồng thời khuyến khích sự tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nguyện khắc
phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, từ chức của người có sai phạm; bảo vệ,
khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp
chung.
Sự phát triển về nhận thức, tư duy của Đảng
còn thể hiện ở việc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với bước đi, lộ trình phù hợp
cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ tuyên truyền, giáo dục; hoàn
thiện thể chế; công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch, trách
nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; cải cách hành chính đến phát
hiện, xử lý, xây dựng cơ quan, đơn vị và cán bộ chuyên trách phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét