Dối trá là một thói xấu nhưng vẫn có ở nhiều người, trong cả cán bộ, đảng
viên, gây ra những hậu quả khó lường. Người dối trá cố tình cung cấp thông tin
sai sự thật, dẫn đến nhìn nhận, đánh giá không đúng sự việc, vấn đề, con người
và nghiêm trọng hơn là sự dối trá gây bức xúc, mất đoàn kết nội bộ, niềm tin,
kìm hãm sự phát triển của cá nhân, tập thể và đất nước... Đấu tranh, ngăn chặn
thói dối trá là việc rất cần thiết để phòng, chống “tự diễn biến, tự chuyển
hóa” trong nội bộ hiện nay.
Dối
trá được hiểu là những cử chỉ, hành vi, lời nói, việc làm trái ngược với sự
trung thực của cá nhân, tập thể. Đó là hành vi đưa ra nhiều thông tin thiếu
chính xác, sai sự thật, khiến cá nhân, tập thể nhận thông tin đưa ra các quyết
định có lợi cho một người hoặc một nhóm người cung cấp thông tin. Dối trá trong
xã hội là nguyên nhân căn cốt khiến các chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức công
vụ và cao hơn nữa là đạo đức chính trị và văn hóa chính trị bị ảnh hưởng, tổn
thương ở các mức độ khác nhau.
Trong
giai đoạn hiện nay, dối trá chính là một trong những nguyên nhân gây ra hiện
tượng mất niềm tin ở nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Dối trá xuất hiện ở
nhiều cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua những lĩnh vực
hoạt động khác nhau. Nhiều cán bộ mua bằng, mua học vị để được đề bạt, bổ
nhiệm, lên lương thay vì trau dồi đạo đức, năng lực công tác vốn rất tốn công,
nhọc sức và mất thời gian. Dối trá thể hiện trong xin cấp ngân sách lớn hơn nhu
cầu thực tế để sau đó làm hợp đồng khống, hợp thức bằng hóa đơn, chứng từ để
giải ngân. Hoặc có hiện tượng thanh toán vượt giá thị trường, chi sai mục
đích...
Hiện
tượng dối trá trong các cơ quan, đơn vị, địa phương đã gây ra nhiều hệ lụy, là
trở ngại lớn cho xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước; làm nhân dân hiểu sai lệch
bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ; làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá
trị truyền thống; gây khó khăn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tác động
xấu đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của nhân dân và là cái cớ để các thế lực thù
địch xuyên tạc sự thật, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng.
Dối
trá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “thấy đúng không bảo
vệ, thấy sai không đấu tranh”, là “bà đỡ” cho nịnh hót, bợ đỡ trong cơ quan,
đơn vị, địa phương, có nguy cơ nhấn chìm động cơ phấn đấu của những người trung
thực; phá vỡ tổ chức đảng từ bên trong...
Để
diệt trừ thói dối trá, nhất là trong hệ thống chính trị và cơ quan công quyền
hiện nay cần phải tổ chức, duy trì nghiêm nền nếp sinh hoạt Đảng của các cơ
quan, đơn vị, địa phương theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và tự phê bình,
phê bình mạnh mẽ, triệt để. Cấp ủy, chi bộ cần xây dựng quy định tự phê bình và
phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người
thẳng thắn, dám đấu tranh.
Tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra, coi trọng kiểm tra đột xuất thay vì kiểm
tra báo trước và kiểm tra trên giấy, trên báo cáo và "nhúng" qua thực
tiễn. Thực tế cho thấy, hiện tượng dối trá trong nội bộ đã làm cho Đảng bị
"bịt mắt”. Tổ chức đảng cấp trên không thấy được thực tế đòi hỏi của nhân
dân, không thấy được những “chướng tai gai mắt” trong nội bộ cấp dưới nên dễ
dẫn đến thỏa hiệp và vô tình bảo vệ “con sâu, con mọt” thay vì bảo vệ cán bộ có
tâm, có tầm và có trí, thủ tiêu động lực phấn đấu của các cán bộ, đảng viên chân
chính.
Tiếp
tục quán triệt và thực hiện tốt các biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo,
sức chiến đấu của tổ chức đảng, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò nêu
gương “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong thực thi công vụ của cán
bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, người chủ trì, quản lý cơ quan,
đơn vị, địa phương. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và tham mưu cho Đảng,
Nhà nước, Chính phủ có biện pháp quyết liệt trong tổ chức phân phối ngân sách,
nhiệm vụ và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách hằng năm hoặc
ngân sách đầu tư công, ngăn ngừa tham nhũng và thúc đẩy cách lãnh đạo, điều
hành và quản lý chuyên nghiệp, văn minh, phù hợp với thực tiễn nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét