Bộ đội Hóa học là lực lượng nòng cốt ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ, sinh học bảo vệ môi trường trong điều kiện nguy hiểm, độc hại. Đây là nhiệm vụ đặc thù, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ không chỉ có kiến thức, kỹ năng, mà phải có bản lĩnh chính trị cao mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bài viết trao đổi mấy vấn đề về nội dung quan trọng này!
Ứng phó sự cố hóa chất độc, sinh học, bức xạ, hạt nhân và môi trường (gọi chung là ứng phó sự cố) là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp; nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của Bộ đội Hóa học. Nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng khi nước ta nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng từ những vấn đề an ninh toàn cầu; các thế lực thù định, cực đoan đẩy mạnh hoạt động phá hoại; các loại bom mìn chứa chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh chưa được xử lý triệt để; hoạt động kinh tế - xã hội với mức độ ngày càng cao là những yếu tố tiểm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố hóa chất độc, phóng xạ, sinh học,… tác động tiêu cực đến mọi hoạt động, sinh hoạt, đời sống của nhân dân, v.v. Không những thế, với tính chất phức tạp và rất nguy hiểm, khi thực hiện nhiệm vụ này sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng, sức khỏe, tính mạng của bộ đội, cũng như đòi hỏi lực lượng trực tiếp thực hiện phải có đủ trình độ chuyên môn, luôn làm chủ công nghệ, phương tiện kỹ thuật hiện đại; phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đức hy sinh, lòng dũng cảm mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhận rõ điều đó, những năm qua cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị bộ đội hóa học luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có năng lực toàn diện, bản lĩnh chính trị cao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng hóa nói chung, ứng phó sự cố nói riêng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân. Mặc dù vậy, một số cán bộ, chiến sĩ vẫn có biểu hiện ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, độc hại, chưa tích cực, thậm chí né tránh trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói chung; tác động của mặt trái kinh tế thị trường; sự chống phá của các thế lực thù địch,… ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội hóa học trong ứng phó với các sự cố là vấn đề quan trọng, cấp bách, đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi cao hơn. Bài viết đề cập một số giải pháp trong thực hiện nội dung này để trao đổi cùng bạn đọc.
Một là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, trực tiếp góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, nâng cao ý chí quyết tâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng quân nhân và đơn vị. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng theo Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 09/11/2023 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới” sát chức năng, nhiệm vụ được giao. Trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao giác ngộ chính trị, lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, luôn có tinh thần quyết tâm cao, không dao động trước khó khăn, thử thách, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống nguy hiểm, độc hại. Chú trọng giáo dục mục tiêu, lý tưởng, bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội; chức năng, nhiệm vụ, truyền thống “Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi” của Binh chủng Hóa học. Tập trung làm cho cán bộ, chiến sĩ phòng hóa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tính chất của cuộc chiến tranh khi địch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt; công tác bảo đảm hóa học trong tác chiến và ứng phó với các sự cố hóa chất độc, phóng xạ, sinh học trong thời bình. Quá trình thực hiện, gắn giáo dục chính trị với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Tiến hành hiệu quả giải pháp này không chỉ xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; nhận thức sâu sắc nhiệm vụ xây dựng, tổ chức lực lượng hóa học chuyên trách tinh, gọn, mạnh, mà còn động viên mọi quân nhân chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập làm chủ vũ khí, khí tài trang bị có trong biên chế; luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm phát huy tính chủ động, mưu trí, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị thông qua hoạt động thực tiễn. Bản lĩnh chính trị của bộ đội không chỉ dừng lại ở nhận thức, tư tưởng mà phải thể hiện ở khả năng và trình độ chuyên môn, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả. Xây dựng bản lĩnh chính trị cho Bộ đội Hóa học phải gắn liền với các hoạt động thực tiễn, như: huấn luyện, diễn tập và tham gia thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với các sự cố khi có tình huống xảy ra. Qua đó, không ngừng bồi dưỡng kiến thức, trình độ kỹ thuật, chiến thuật chuyên môn chuyên ngành phòng hóa; phương pháp ứng phó với các sự cố hóa chất độc, phóng xạ, sinh học hiện đại, khoa học; nâng cao nhận thức và rèn luyện bản lĩnh chiến đấu của bộ đội. Kết hợp chặt chẽ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; đồng thời, tiến hành tốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ, làm cho bộ đội hiểu rõ hơn về những khó khăn, gian khổ, những tình huống bất ngờ, nguy hiểm, áp lực tâm lý đè nặng khi thực hiện nhiệm vụ trong môi trường độc hại,... để rèn luyện, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ phòng hóa có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngại gian khổ, hiểm nguy, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần tăng cường rèn luyện cán bộ, chiến sĩ trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ ứng phó với các sự cố hóa chất độc, phóng xạ, sinh học với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”; đặt ra các tình huống khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, độc hại,... sát thực tế để thử thách, rèn luyện trí lực, nghị lực, thể lực, tâm lực. Qua đó, bồi dưỡng tác phong, phong cách tư duy độc lập, sáng tạo và phương pháp làm việc khoa học để cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng, tự tin trong ứng phó với các sự cố hóa chất độc, phóng xạ, sinh học, bảo vệ môi trường trong tình hình mới.
Ba là, xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đây là giải pháp then chốt, quyết định trong xây dựng Bộ đội Hóa học vững mạnh về chính trị - cơ sở quan trọng hàng đầu để xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội. Do vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Quân ủy Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 111-KL/QUTW, ngày 12/02/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội giai đoạn mới. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là ở cấp ủy, chi bộ; coi trọng chất lượng sinh hoạt lãnh đạo, năng lực xây dựng, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết; đề cao tự phê bình và phê bình, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, thực sự là điểm tựa vững chắc về lý tưởng cách mạng, niềm tin và ý chí chiến đấu của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Quá trình thực hiện, cần phát huy vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ chủ trì các cấp, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong rèn luyện phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, bản lĩnh chính trị, bình tĩnh, tỉnh táo, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén, quyết đoán, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, độc hại và luôn là tấm gương sáng để cán bộ cấp dưới và chiến sĩ noi theo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; chú trọng kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ và tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật. Qua đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bốn là, kết hợp công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách và các mặt công tác khác. Đây là nguyên tắc, kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn để xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ phòng hóa, nhất là khi Binh chủng đang điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh” tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của bộ đội. Do vậy, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác tư tưởng; xử lý kịp thời, hiệu quả mọi vướng mắc nảy sinh ngay từ cơ sở. Trong quá trình thực hiện, quán triệt, thực hiện hiệu quả Kết luận số 89-KL/TW, ngày 25/7/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đồng thời, gắn chặt với kiện toàn tổ chức, biên chế của các đơn vị; xây dựng các tổ chức vững mạnh; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, kết hợp với thực hiện tốt các chế độ chính sách để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ, nhất là số cán bộ, chiến sĩ làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, trực tiếp tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Bản lĩnh chính trị không tự nhiên hình thành, mà là sản phẩm của quá trình học tập, tôi luyện, rèn luyện nghiêm túc, bền bỉ của mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, Bộ đội Hóa học nói riêng trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu,… mà nên. Vì thế các giải pháp trên có vị trí rất quan trọng và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, đây mới là nghiên cứu bước đầu, có tính mở, xin nêu ra để trao đổi cùng bạn đọc./.Môi trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét