Những năm gần đây, nhất là năm 2024, hợp tác kinh tế trở thành nội dung được quan tâm hàng đầu trong tất cả hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là đối ngoại cấp cao. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế là lời đáp trả mạnh mẽ trước luận điệu của một số phần tử chống đối, thù địch cho rằng các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam “đi nhiều nơi, đón nhiều người” nhưng chẳng đem lại lợi ích gì, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Năm khởi sắc của ngoại giao kinh tế
Có thể khẳng định rằng, năm 2024 là một năm khởi sắc của ngoại
giao Việt Nam.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Ngoại giao, chỉ riêng năm qua
đã có gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước Việt Nam,
trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương, đón
25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam; cùng với đó là các cuộc điện đàm, hội
đàm trực tuyến, các hội nghị đa phương trực tuyến hoặc diễn ra tại Hà Nội.
Thông qua các hoạt động đối ngoại cấp cao, hơn 170 thỏa thuận
hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác đã được ký kết.
Dễ nhận thấy nội dung hợp tác kinh tế là trọng tâm của đối
ngoại cấp cao Việt Nam trong những năm gần đây, cụ thể là đẩy mạnh hợp tác về
thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu
tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung
Đông...; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới
sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn...
với các đối tác chủ chốt và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; đẩy mạnh
đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, tạo đột phá ở các thị trường mới
và tiềm năng, trong đó có các thị trường còn nhiều dư địa như khu vực Mỹ Latin,
Trung Đông - châu Phi, Trung-Đông Âu.
Năm 2024, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ký kết các hiệp định
thương mại tự do (FTA) mới, nâng tổng số FTA ký kết và tham gia lên con số 17.
Hoạt động ngoại giao kinh tế còn được thể hiện qua việc chỉ
trong vòng một năm, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã
triển khai hơn 700 hoạt động ngoại giao kinh tế xúc tiến thương mại, đầu tư, du
lịch; hỗ trợ địa phương quảng bá giới thiệu, kết nối, thiết lập quan hệ với các
đối tác nước ngoài, với hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa
phương trong và ngoài nước, trong đó hỗ trợ các tỉnh, thành phố ký kết 130 thỏa
thuận với các đối tác quốc tế.
Nhìn vào hàng loạt hoạt động ngoại giao kinh tế thông qua đối
ngoại cấp cao của Việt Nam trong năm qua cũng có thể thấy rằng, ngoại giao kinh
tế ngày càng được triển khai bài bản và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị,
sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.
Cơ hội để đất nước phát triển bứt phá
Những thành tựu của ngoại giao kinh tế được gói gọn trong
đánh giá mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại một hội nghị diễn ra ở Hà Nội
hồi tháng 12-2024: Ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn, với
“3 rõ”: Kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế-xã hội đất
nước.
Hiệu quả của ngoại giao kinh tế năm 2024 trước hết được thể
hiện qua những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về
khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh.
Điển hình là thông qua các hoạt động đối ngoại cấp cao, Việt
Nam và Hàn Quốc đã ký kết 9 văn kiện cấp chính phủ về lĩnh vực năng lượng tái tạo,
chất bán dẫn, điện tử công nghệ cao; Việt Nam và Ấn Độ thống nhất đề ra phương
hướng hợp tác “5 hơn”, trong đó nhấn mạnh hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới
sáng tạo rộng mở hơn, và Thủ tướng Ấn Độ cam kết tăng đầu tư tại Việt Nam với tổng
số vốn 10 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam và một số quốc gia ở khu vực Trung
Đông cũng nhất trí coi đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là trọng
tâm hợp tác song phương trong thời gian tới, trong đó UAE sẵn sàng hợp tác với
Việt Nam xây dựng trung tâm siêu dữ liệu.
Giới đầu tư trong nước, khu vực và quốc tế hẳn cũng chưa
quên hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng ông Jensen Huang, Nhà sáng lập
kiêm Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với
giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD - dạo quanh phố cổ, gặp gỡ người dân và thưởng
thực các món ẩm thực đường phố Hà Nội hồi đầu tháng 12-2024.
Song điều khiến người ta chú ý hơn cả là trong chuyến thăm
làm việc ấy của ông Jensen Huang, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã ký
Thỏa thuận về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ
nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Ngoài ra, Tập đoàn NVIDIA đã ký thỏa thuận trị giá 4-4,5 tỷ
USD với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang
Việt Nam trong vòng 4 năm tới. Nên nhớ rằng, kết quả này có được chỉ sau hơn một
năm kể từ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm trụ sở Tập đoàn NVIDIA nhân
chuyến công tác tại Hoa Kỳ và đề nghị NVIDIA hợp tác với Việt Nam trong phát
triển công nghệ.
Những thành quả nói trên chứng tỏ Việt Nam vẫn là điểm đến
an toàn, hấp dẫn của đầu tư, kinh doanh quốc tế, và hoàn toàn trái ngược với luận
điệu cho rằng, trong khi một số quốc gia liên tục thu về những hợp đồng giá trị
thì lãnh đạo cấp cao Việt Nam chỉ công du, “tay bắt mặt mừng” khắp nơi để theo
đuổi những mục tiêu, lợi ích viển vông.
Dĩ nhiên, các văn bản, thỏa thuận hợp tác “tỷ đô” không thể
tạo ra thay đổi “mắt thấy tai nghe” chỉ trong vòng một đêm. Vẫn cần thời gian
và nỗ lực nhằm cụ thể hóa, khai thác hiệu quả các thỏa thuận, khuôn khổ hợp tác
đã ký kết, từ đó phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo thêm việc
làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho mỗi người dân.
Những thành quả đạt được thông qua ngoại giao kinh tế rõ
ràng đang mở ra cơ hội bứt phá cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học-công
nghệ. Đó cũng là điều mà ngay cả những đối tượng thường xuyên chống phá, xuyên
tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam cũng phải thừa nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét