Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Nhân ái Hồ Chí Minh - Nhân ái Việt Nam

 

         Lịch sử Việt Nam là những trang sử hào hùng hàng ngàn năm dựng nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử đó của dân tộc đã tạo nên nhân cách con người Việt Nam với các giá trị đạo đức vô cùng phong phú. Theo dòng thời gian, các giá trị đạo đức này được lưu truyền qua các thế hệ trở thành truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh và động lực của dân tộc.

       Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng nhân ái, hiếu nghĩa và chính Người là biểu tượng, là tinh hoa của khoan dung, nhân ái Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; cho sự nghiệp đấu tranh xây dựng một thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển. Tấm lòng nhân ái, bao dung, yêu thương con người đã làm nên giá trị tinh thần lớn lao và sâu sắc của vị Cha già kính yêu của dân tộc. Quan điểm “vì con người” của Bác đã trở thành một triết lý nhân sinh cao cả, kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại.

Lòng nhân ái, yêu thương con người của Hồ Chí Minh thể hiện trước hết là tình yêu thương với đại đa số nhân dân, những người lao động, người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột trong xã hội. Tình yêu thương con người của Bác không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim của Người. Tấm lòng nhân ái, hết lòng vì con người đó không chỉ dừng lại đối với nhân dân Việt Nam, mà còn mở rộng ra với nhân dân lao động toàn thế giới. Bác Hồ đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, cho áo ấm, cơm no của dân tộc. Trước lúc vĩnh viễn đi xa, trong bản Di chúc  ngày 10 tháng 5 năm 1969, Người còn căn dặn: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bè bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân rực sáng của tấm lòng nhân ái, khoan dung Việt Nam. Trong Điếu văn tại Lễ tang của Người, đồng chí Lê Duẩn viết: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng, đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân tha thiết”.

Tư tưởng nhân ái, nhân văn Hồ Chí Minh là cội nguồn sức mạnh của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam; góp phần quan trọng trong việc giáo dục lòng nhân ái, tính hướng thiện làm lan tỏa các giá trị nhân đạo trong các tầng lớp nhân dân. Học tập Bác, chúng ta cần sống vì mọi người, luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, “mình vì mọi người” bằng nhữnh hành động, việc làm cụ thể. Lòng nhân ái, nghĩa đồng bào đã trở thành giá trị tinh thần trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, thấm sâu trong các quan hệ từ gia đình đến xóm làng và cộng đồng xã hội Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nó đã tạo nên một nét độc đáo trong chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam.

Trong những năm qua, nền kinh tế thị trường, tinh thần nhân ái vẫn tiếp tục được nhân dân ta kế thừa, phát huy trong xây dựng lối sống mới, con người Việt Nam thời đại mới. Một điều đáng quý nữa là, lòng nhân ái của dân tộc ta ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà nó đã vượt ra ngoài biên giới, đến với các nước trong khu vực và quốc tế. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid- 19 hiện nay, truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc càng được thể hiện một cách sâu đậm và mạnh mẽ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Lá lành đùm lá rách”; “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”... Thành công bước đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 minh chứng rõ nét cho tinh thần yêu nước, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng quý báu của dân tộc ta luôn được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, nguy hiểm, thử thách.

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta"(1). Tổ chức Văn hóa- khoa học- giáo dục Liên hợp quốc UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”(2). Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất trong những người Việt Nam đẹp nhất. Người đã đi xa song tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người còn sống mãi trong lòng dân tộc. Tấm lòng nhân ái Hồ Chí Minh đặc trưng cho tinh thần nhân ái, nhân văn Việt Nam giúp thức tỉnh lương tri, khơi dậy truyền thống và tiếp thêm nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao để dân tộc mạnh mẽ, vững vàng vượt qua mọi chông gai, thử thách trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

(1) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9-9-1969.

(2) Nghị quyết 24c/18.65 của Ðại hội đồng UNESCO khóa 24-1987

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét