Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc
Việt Nam đã trải qua những chặng đường đầy gian lao thử thách, nhưng vẫn trường
tồn và phát triển bởi đã rèn đúc nên bản lĩnh rất vững vàng, mang đậm tính cách
và khí phách của dân tộc, gắn liền với một triết lý nhân sinh mang tính nhân
văn sâu sắc. Trong đó, lòng yêu nước là bậc thang cao nhất, là yếu tố cốt lõi
và chi phối đời sống tinh thần của dân tộc.
Theo dòng lịch sử, lòng yêu nước của dân tộc ta được định
hướng và quy tụ dưới những ngọn cờ tư tưởng tiến bộ, gắn với sự dẫn dắt, chèo
lái của những người lãnh đạo đất nước anh minh là những nhà tư tưởng lớn, đồng
thời là nhà chính trị - quân sự kiệt xuất. Từ đó, lòng yêu nước truyền thống đã
phát triển thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, có sức sống mãnh liệt và luôn tỏa
sáng; là động lực tinh thần chủ yếu tạo nên tâm hồn, bản lĩnh và trí tuệ của
các thế hệ người Việt Nam, sức mạnh to lớn của dân tộc.
Trên thế giới, hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt
Nam liên tục trải qua những cuộc chiến tranh điển hình về tính chất ác liệt và
sự gian khổ hy sinh; phải đương đầu với các thế lực xâm lược hung bạo và hiếu
chiến, có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần. Song, với lòng yêu
nước nồng nàn, dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh giữ nước, bảo vệ bản
sắc văn hóa dân tộc, không để bị đồng hóa. Đây là một điều kỳ diệu trong lịch
sử nhân loại. Khi chủ nghĩa yêu nước rực cháy trong tâm hồn người
Việt Nam, tài thao lược “đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế, thời” và nghệ thuật
quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” của dân tộc đã được phát huy cao
độ, đầy sức sáng tạo, quân xâm lược không thể lường hết. Với sức mạnh “lấy đại
nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”, kết hợp chặt chẽ đấu tranh
quân sự với chính trị và ngoại giao, hội tụ được các yếu tố “thiên thời, địa
lợi, nhân hòa”, trong đó quan trọng nhất là “nhân hòa”, dân tộc ta đã tạo nên
sự chuyển hóa cả về thế, thời và lực để đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mang đậm tư tưởng dân chủ và
tính nhân văn sâu sắc, yêu nước gắn liền với yêu dân và ý thức cộng đồng, phản
ánh tư tưởng chủ đạo “Nước lấy dân làm gốc” trong văn hóa chính trị Việt Nam.
Năm 1010, với quyết tâm xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường và bằng tầm
nhìn chiến lược, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và
đổi tên là Thăng Long “để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa làm kế cho con cháu
muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”. Trong thế kỷ XIII, với tư
tưởng tiến bộ của Trần Hưng Đạo “khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc, đó
là thượng sách để giữ nước”, nhà Trần đã thực hiện “cử quốc nghênh địch”, định
hướng và phát huy cao độ lòng yêu nước của toàn dân để ba lần đánh thắng quân
xâm lược Nguyên - Mông. Những năm đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi cùng các nhà vua
giầu tâm huyết và trí tuệ thời Lê Sơ đã chăm lo xây dựng thống nhất, đồng bộ
các yếu tố “dân giầu, nước mạnh, binh cường”, thực thi nhiều việc làm nhân
nghĩa “cốt để dân yên” và “duy trì thế nước yên”. Vào thế kỷ XVIII, công cuộc giữ
nước đòi hỏi tư duy chiến lược mới là phải chủ động “giữ cho trong ấm, ngoài
êm”, kết hợp trấn áp thù trong với đánh giặc ngoài. Dưới sự lãnh đạo của thiên
tài quân sự Nguyễn Huệ, lòng yêu nước của nhân dân ta được phát huy cao độ
trong đấu tranh xóa bỏ cục diện Trịnh - Nguyễn phân tranh, thống nhất Tổ quốc,
đánh thắng quân xâm lược ở hai đầu đất nước.
Do mang đậm tư tưởng dân chủ và tính nhân văn sâu
sắc, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã vượt qua những hạn chế của tính vị
kỷ và tâm lý kỳ thị dân tộc hẹp hòi, tránh được những sai lầm của chủ nghĩa dân
tộc cực đoan. Khi tập kích chiến lược triệt phá căn cứ xuất phát tiến công
xâm lược Đại Việt của nhà Tống ở các châu Ung-Khâm-Liêm (10-1075 - 3-1076), Lý
Thường Kiệt đã ra bản tuyên cáo “Phạt Tống lộ bố văn”, nêu rõ mục đích
chính nghĩa là “muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ,
không phân biệt chúng dân”. Lời tuyên cáo có lý, có tình cùng những hành động
đầy nhân nghĩa của quân nhà Lý đã được nhân dân ở cả Đại Việt và nước Tống đồng
tình, ủng hộ. Trong cuộc chiến tranh giải phóng do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh
đạo, khi quân xâm lược nhà Minh lâm vào thế cùng, lực kiệt, chấp nhận đầu hàng
thì quân và dân ta cởi bỏ oán thù, mở lòng khoan dung, với “đức lớn hiếu sinh.
Nghĩ kế nước nhà trường cửu. Tha cho mười vạn hàng binh. Gây lại hòa hảo cho
hai nước. Dập tắt chiến tranh cho muôn đời”. Ngay trước chiến dịch đại phá quân
Thanh, giải phóng Thăng Long, Nguyễn Huệ đã lo tính kế sách dập tắt lửa binh;
bởi lẽ, “Nếu cứ để lửa binh liên miên, thật không phải phúc của nhân dân, lòng
ta sao nỡ. Vì vậy, sau khi thắng trận phải khéo dùng từ lệnh thì mới dập tắt
được lửa binh”. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Quang Trung đã ra sức thực thi các
chính sách an dân và chính sách ngoại giao hòa bình, lập lại bang giao hòa hiếu
với phương Bắc để ổn định và phát triển đất nước. Trong lịch sử, ông cha ta
cũng xử lý khôn khéo các quan hệ với các nước láng giềng như Lào và
Cam-pu-chia, kết hợp ân uy, thông hiếu, mềm dẻo để phối hợp giúp đỡ lẫn nhau vì
đại nghĩa. Đây là điều hiếm có trong lịch sử nhân loại
Khi nhà Triệu tiến hành chiến tranh xâm lược (năm 179
Tr.CN), Âu Lạc đang là một quốc gia mạnh, nhưng cuộc sống đế vương đã làm cho
Thục Phán xa dân, nội bộ bất hòa, mắc mưu “giảng hòa” và kế “ly gián” hiểm độc
của kẻ thù, ỷ vào thành Cổ Loa kiên cố và vũ khí lợi hại, không phát động được
toàn dân đánh giặc nên bị thất bại, làm cho dân ta mất nước, phải đấu tranh
kiên cường hơn một ngàn năm mới giành lại được độc lập, chủ quyền dân tộc.
Trong kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh (1406-1407), nhà Hồ ra sức xây
dựng thành lũy kiên cố, tổ chức quân đội thường trực đông hàng trăm vạn và
trang bị vũ khí mạnh. Song, do vua quan nhà Hồ có nhiều chính sách xa dân, sách
nhiễu dân và mất lòng dân, không động viên được lòng yêu nước và sức mạnh của
nhân dân, nên cuộc kháng chiến bị thất bại, đất nước rơi vào sự đô hộ của nhà
Minh. Sang thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ suy tàn, trở
thành lực cản sự tiến bộ xã hội. Triều đình nhà Nguyễn đại biểu cho đặc quyền của
tầng lớp phong kiến phản động, đối lập với lợi ích của nhân dân, đầu hàng thực
dân Pháp, các phong trào yêu nước thiếu ngọn cờ lãnh đạo thống nhất nên không
quy tụ được sức mạnh giữ nước.
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân tộc ta đứng trước
những thách thức mới của thời đại; chủ nghĩa yêu nước Việt Nam gặp cơn khủng
hoảng, bộc lộ rõ những hạn chế, nhất là về nền tảng tư tưởng và định hướng
chính trị - xã hội. Lòng yêu nước của nông dân và các sĩ phu dựa trên hệ tư
tưởng phong kiến, với lý tưởng về quốc gia phong kiến tập quyền, độc lập và
thống nhất, vua tôi đồng lòng, xã tắc thái bình đã lỗi thời, không còn định
hướng và quy tụ được sức mạnh của dân tộc. Tinh thần yêu nước của các nhà cách
mạng dựa trên ý thức hệ tư sản, với lý tưởng tư sản dân quyền cũng không đáp
ứng được yêu cầu bức thiết của dân tộc.
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước gắn kết khát vọng tự giải phóng và vươn lên
làm chủ của dân tộc với xu thế phát triển của thời đại, chủ nghĩa yêu nước Việt
Nam có sự phát triển mới về chất, từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống trở
thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là
chủ nghĩa yêu nước mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời có
tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, được định hướng và thể hiện tập trung ở
lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ
nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ những trang lịch sử dân tộc, chúng ta có thể rút ra
bài học sâu sắc là lòng yêu nước chỉ thực sự phát huy sức mạnh to lớn
khi có nền tảng tư tưởng vững chắc, có định hướng chính trị - tư tưởng đúng
đắn, được lãnh đạo bởi lực lượng tiền phong tiêu biểu cho bản lĩnh và trí tuệ
của dân tộc, quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để dựng nước và giữ
nước.
Hiện nay, trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm
chống phá độc lập dân tộc và CNXH, các thế lực thù địch ra sức sử dụng chủ
nghĩa dân tộc như một vũ khí tư tưởng lợi hại để hướng, lái lòng yêu nước của
nhân dân theo ý thức hệ tư sản. Chúng ra sức truyền bá, kích động những khuynh
hướng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, phủ nhận nền tảng tư tưởng và định
hướng chính trị - tư tưởng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí
Minh.
Thực tế chỉ ra rằng, một quốc gia dân tộc sẽ mất ổn định
và lâm vào khủng hoảng nếu bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan.
Giáo sư Michio Kaku đã có lý khi cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ
và tan rã của Liên Xô là do “không có người cầm lái, không có một cương lĩnh
hay một hệ tư tưởng chỉ đạo ngoài chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa bè phái,
sự say đắm CNTB đến ngây thơ và không thực tế…”1.
Không thể phủ nhận vai trò nền tảng tư tưởng của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Kế thừa và phát triển những giá trị tư tưởng - lý luận trong lịch sử nhân loại,
chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh có những thuộc tính bản chất
vượt trội so với các học thuyết xã hội đương thời. Đó là sự thống nhất biện
chứng lý luận với thực tiễn, tính cách mạng triệt để với tính khoa học và tính
nhân văn sâu sắc, không ngừng được bổ sung, phát triển từ thực tiễn sinh động.
Bản thân tấm gương về bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của các nhà tư tưởng đã có
sức cảm hóa và thuyết phục rất to lớn. Không phải ngẫu nhiên mà sau bao năm bôn
ba tìm đường cứu nước, về cuối đời, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã đúc kết trong
tác phẩm “Xã hội chủ nghĩa”: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, phải kén chọn
chủ nghĩa cho vững vàng, chủ nghĩa đích thực là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ngoài
ra chớ có nhận nhầm.
Sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phải trả
ngay giá rất đắt nếu tách rời độc lập dân tộc với CNXH trong chủ nghĩa yêu nước
Việt Nam. Trọn cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ra sức tranh đấu để
chứng minh và khẳng định một chân lý khách quan của thời đại: chỉ có con đường
CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân trên
thế giới. Thực tiễn hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
nhân dân ta đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết một lòng vượt qua
những cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt nhất trong lịch sử, đánh thắng
những thế lực xâm lược lớn, giải phóng dân tộc, giành được độc lập tự do, thống
nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên CNXH. Dân tộc ta tiếp tục vượt qua “cơn lốc
lớn” đã từng làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, thu được
những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới theo định
hướng XHCN, tạo được thế và lực mới cho sự phát triển của đất nước. Chính trong
điều kiện lịch sử đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh được bồi
đắp, tôi luyện và kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt, được tỏa sáng và phát triển lên
tầm cao mới, thể hiện sâu sắc bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Gần đây, trước những vấn đề nhạy cảm và phức tạp liên
quan đến lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, lòng yêu nước và ý thức dân tộc trỗi
dậy mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Một số nhân sĩ, trí thức đã kiến nghị
với Đảng, Nhà nước nhiều ý kiến tâm huyết và rất đáng trân trọng về bảo vệ và
phát triển đất nước. Song các thế lực thù địch và những phần tử chống đối ra
sức lợi dụng lôi kéo quần chúng “tham gia biểu tình để biểu thị lòng yêu nước”,
vu cáo Đảng và Nhà nước ta “thỏa hiệp”, truyền bá về sự đối lập “lòng yêu nước
của quần chúng” với “lòng yêu nước của lãnh đạo”, mà thực chất là nhằm làm rạn
vỡ sự gắn bó của Đảng và Nhà nước với nhân dân, kích động hằn thù dân tộc, chia
rẽ quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước láng giềng, v.v.
Lòng yêu nước và bản lĩnh Việt Nam xa lạ với tính tự phát,
sự cuồng nhiệt cực đoan và xu hướng sùng ngoại hoặc bài ngoại một cách phiến
diện.
Trước yêu cầu của đất nước thời kỳ đổi mới, mỗi người dân
Việt Nam đều nhận thức được rằng: chúng ta không thể để tình cảm và tâm lý dân
tộc bị lợi dụng kích động, dẫn tới những hành động cảm tính, quá khích, tạo
điều kiện cho các thế lực hiếu chiến lợi dụng tạo cớ gây xung đột vũ trang,
chiến tranh cục bộ hoặc chiến tranh xâm lược kiểu mới đối với nước ta. Cần tăng
cường giáo dục, bồi dưỡng làm cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí
Minh chuyển hóa sâu sắc thành bản lĩnh và trí tuệ của con người và xã hội Việt
Nam đương đại, góp phần bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong
mọi tình huống, ổn định và phát triển bền vững.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét