Tinh thần đoàn kết, tự hào
dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc là sự đồng lòng, cố kết, đùm bọc, yêu thương và
niềm tự tôn về truyền thống dân tộc… tạo thành chất keo kết dính, gắn bó toàn
thể Nhân dân trong dân tộc Việt Nam, để vượt lên mọi gian khó, thử thách, lập
nên những chiến tích vẻ vang trong quá trình dựng nước và giữ nước, đấu tranh
giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bảo vệ Tổ quốc chính là bảo vệ toàn diện cả về mặt lịch
sử - tự nhiên và chính trị - xã hội của đất nước, chống lại âm mưu và hành động
của thế lực thù địch. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà
nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân
tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh
con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển
đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”1.
Tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc
là sự đồng lòng, cố kết, đùm bọc, yêu thương và niềm tự tôn về truyền thống dân
tộc. Khẳng định điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân ta có một lòng nồng
nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ
quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô
cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất
cả lũ bán nước và lũ cướp nước”2.
Suốt chiều dài lịch sử, từ khi nhà nước Văn Lang - Âu Lạc
ra đời ở thế kỷ thứ III trước công nguyên đến năm 1975, đất nước ta đã mất đến
12 thế kỷ để chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Nhưng dân tộc ta không những không
bị đồng hóa, mà với lòng tự hào về truyền thống dân tộc, đã không ngừng hun đúc
tinh thần yêu nước, đoàn kết để chiến đấu và chiến thắng trước quân thù.
Biểu hiện của tinh thần tự hào dân tộc thể hiện ở tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Sức mạnh đại
đoàn kết đến từ áng "thiên cổ hùng văn" - “Nam quốc sơn hà”, bản
"tuyên ngôn độc lập đầu tiên" của Lý Thường Kiệt giúp nâng cao lòng
tự hào, đoàn kết của Nhân dân để chiến thắng quân Tống năm 1077, hay bản “Hịch
tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn làm cho "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận,
cả nước góp sức" để chiến thắng quân Nguyên Mông năm 1284…
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng từ khi ra đời vào ngày
3/2/1930, Đảng ta luôn xác định đoàn kết dân tộc chính là đường lối chiến lược
của cách mạng Việt Nam. Do vậy, Đảng ta có nhiều cách thức, biện pháp nhằm khơi
dậy lòng tự hào truyền thống dân tộc, đoàn kết các giai tầng. Nhờ đó, chỉ với
5000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân thành một khối thống nhất, đứng
lên giành chính quyền, đòi lại độc lập cho đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến
chống Pháp, Mỹ là tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”3, và
các phương châm chủ đạo “tự lực cánh sinh”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”…
Đã khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc, tạo thành động lực to lớn, giúp đất nước
giành được thắng lợi vang dội, thống nhất non song, bắt tay cùng xây dựng chủ
nghĩa xã hội.
Trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tinh thần đoàn
kết, tự hào dân tộc đã phát huy nhiều tác dụng. Về chính trị, tạo ra sự đồng
thuận, phát huy dân chủ, tăng cường niềm tin, cùng góp phần xây dựng và hoàn
thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Về kinh tế, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế vì lợi ích
cộng đồng, quốc gia; tích cực tham gia nhiều phong trào thúc đẩy nền sản xuất
trong nước phát triển. Về văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa của chủ nghĩa
Mác - Lênin được lan tỏa và đóng vai trò chủ đạo trong xã hội, kết hợp với bảo
tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu một cách chủ động và lành mạnh
các giá trị văn hóa của nhân loại.
Về đối ngoại, góp phần đoàn kết cộng đồng các dân tộc
Việt Nam, phát huy đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên
trường quốc tế. Về an ninh, quốc phòng, lãnh thổ được bình yên; Đảng, Nhà nước,
Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa được “bức tường thành” Nhân dân bảo vệ vững
chắc.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phát huy tinh thần
đoàn kết, tự hào dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc vì những bài học của lịch sử và
yêu cầu hiện tại. Đối với bài học lịch sử, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một
thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước
ngoài xâm lấn”4. Điều này đã khẳng định tính tất yếu cần phải phát
huy tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn
hiện nay, đất nước đang có được nhiều cơ hội để phát triển, song cũng phải đối
diện với nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt là sự chống phá của các thế lực
thù địch. Do vậy, cần phát huy tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong bảo vệ
Tổ quốc.
Đảng ta đã chỉ ra những thách thức vẫn còn tồn tại5.
Để phát huy tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc, cần thực
hiện tốt các giải pháp:
Thứ nhất, quán triệt, tuyên truyền,
giáo dục cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
trong tình hình mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chủ động cụ thể hóa
chương trình, kế hoạch chỉ đạo giải quyết những vấn đề về quốc phòng, an ninh,
trật tự, không để bị động, bất ngờ. Xác định việc tham gia củng cố quốc phòng,
an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là “nhiệm vụ trọng
yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”6.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý
của nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Triển khai đồng bộ các chiến lược
như Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, quân sự, bảo vệ an ninh quốc gia,
biên giới quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, an ninh mạng quốc
gia... Tiếp tục thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”7 thành những chính sách, quy
chế, quy định cụ thể để Nhân dân phát huy quyền làm chủ và thực hiện tốt trách
nhiệm và nghĩa vụ đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát
triển kinh tế - xã hội, trong đó quan tâm ưu tiên phát triển vùng dân tộc, miền
núi và vùng đồng bào có đạo, trong đó cần: “Quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và
lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để
nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”8. Có cơ chế phát huy
sức sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi
ích cho mình và cho đất nước để “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự
cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất
nước phồn vinh, hạnh phúc”9.
Thứ tư, xây dựng và thực hiện tốt các phong
trào, cuộc vận động thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân như "Ngày
hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới,
đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Uống nước nhớ
nguồn”, “Nghĩa tình hải đảo”… Qua đó, tăng cường niềm tự hào, đoàn kết dân tộc
và đồng thuận của Nhân dân; đồng thời tích cực đấu tranh chống những biểu hiện
kỳ thị, chia rẽ dân tộc và những hành vi tà đạo, mê tín, dị đoan, lợi dụng dân
tộc, tôn giáo làm phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ năm, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”
trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Thực hiện “kết hợp chặt
chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh
và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”10.
Tăng cường phát huy đồng thuận trong xã hội theo phương châm lấy cái chung để
hạn chế cái riêng, lấy lợi ích chung là lợi ích tối đa của dân tộc, thực hiện
theo đúng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa
bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng
ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”11.
Chú
thích:
1.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội. 2021, tập I, tr. 156.
2.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 7, tr. 38.
3.
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 30.
4.
Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 3,
tr. 217.
5.
Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII (20 - 25/1/1994)
xác định 4 nguy cơ thách thức lớn là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy
cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và
hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
6.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 156.
7.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr. 336, 173.
8.
Bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày
truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
9.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 34.
10.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 157.
11.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9,
tr. 244.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét