Ở Việt Nam, bảo đảm an sinh xã hội vừa là mục tiêu phấn đấu của công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người của người dân. Những thành tựu về bảo đảm an sinh xã hội theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” là minh chứng sinh động bác bỏ mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Hằng năm, như đã thành thông lệ, cứ đến dịp Ngày Nhân quyền thế giới (10/12), trên không gian mạng lại xuất hiện những bài viết của các thế lực thù địch xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Một trong những chủ đề mà họ ưa thích là vấn đề an sinh xã hội - vấn đề nhạy cảm, liên quan mật thiết đến bảo đảm quyền con người.
Thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường dùng là xuyên tạc các chính sách an sinh xã hội; hạ thấp, hoặc phủ nhận thành tựu bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã nỗ lực đạt được trong sự nghiệp đổi mới. Họ cố tình lợi dụng các vấn đề xã hội dễ gây bức xúc, như: tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên bị phanh phui; đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh,... để xuyên tạc chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta; quy chụp rằng: “chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến thực hiện an sinh xã hội” (!). Gần đây, họ còn rêu rao: “Những thành tựu về an sinh xã hội ở Việt Nam là do Việt Nam “tự vẽ lên”, “tự mình khen mình” chứ thực chất không có thật” (!). Thậm chí, họ còn cố tình xuyên tạc, kích động rằng: “An sinh xã hội chỉ là con bài ru ngủ nhân dân, để các quan chức của Đảng rảnh tay, dễ dàng vơ vét” (!). Vừa qua, trước hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) để lại cho một số địa phương ở phía Bắc, họ đã lờ đi những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong khắc phục hậu quả cơn bão, bảo đảm an sinh xã hội, cố tình lu loa: “Chỉ có dân lo cho dân, còn Nhà nước rũ bỏ trách nhiệm lo an sinh cho dân”, và “Nhà nước bỏ mặc dân nghèo tự lo” (!). Mục tiêu sâu xa của các hoạt động chống phá nói trên là nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, tổ chức, điều hành của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội; kích động người dân phủ nhận con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thủ đoạn nói trên thật tinh vi, thâm độc, nhưng không che lấp được bức tranh sáng màu về bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam.
Trước hết, trên phương diện quan điểm chỉ đạo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”1 bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; luôn xác định chính sách an sinh xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người; bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm làm cho mọi người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;… con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”2; đồng thời, nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”3. Chính vì thế, việc “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” là một đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên tinh thần đó, Đảng ta coi bảo đảm an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực, động lực của công cuộc đổi mới đất nước; thực hiện tốt an sinh xã hội sẽ tạo ra tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội; góp phần củng cố những thành quả trong đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo lòng tin của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng ta luôn kiên trì quan điểm “không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”; chủ trương mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội, mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, người có hoàn cảnh khó khăn. Những quan điểm cơ bản đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng thời, là sự phủ định các luận điệu xuyên tạc bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trên phương diện khung khổ pháp lý, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội được thể hiện đồng bộ trong các nghị quyết của Đảng, hiến định trong Hiến pháp và được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Trong văn kiện của tất cả các kỳ đại hội, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng ta chú trọng, quan tâm. Đặc biệt, Đảng đã ban hành 02 nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện vấn đề này, đó là: Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” và Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Trong các nghị quyết đó, Đảng ta luôn coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặt ra yêu cầu xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội theo hướng đa dạng, đa tầng, hiện đại, bao trùm, bền vững, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34) và “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội” (Điều 59). Những quy định đó của Hiến pháp năm 2013 đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, v.v. Nội dung các luật trong lĩnh vực này đều hướng vào bảo đảm tốt hơn các quyền trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về an sinh xã hội của công dân; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách an sinh xã hội theo nguyên tắc công bằng và tiến bộ xã hội. Qua đó, đã góp phần hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách an sinh xã hội theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” được thực hiện hiệu quả.
Trên phương diện thực tiễn kết quả bảo đảm an sinh xã hội, hằng năm, Nhà nước đã dành khoảng 20% tổng chi ngân sách cho bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội tăng dần từ 2,85% GDP (năm 2005) lên 6,7% GDP (năm 2021)4. Những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội5 ngày càng hoàn thiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Số người tham gia các dịch vụ bảo hiểm giữ được đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước đạt tương ứng khoảng 39,25% và 31,58% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến hết tháng 6/2024, số người tham gia hai loại bảo hiểm này tăng tương ứng 1,164 triệu người và 955 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế phát triển bền vững hằng năm và tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, từ 60,9% (năm 2010) lên 93,35% dân số (năm 2023). Người nghèo, trẻ em dưới 06 tuổi và người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đánh giá về những nỗ lực này của Việt Nam, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ghi nhận: “Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao chất lượng y tế trong những thập kỷ gần đây. Tuổi thọ trung bình đã tăng 15 năm, với sự suy giảm đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Các bạn đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, đưa đất nước tiến xa hơn trên mục tiêu hướng tới lộ trình chăm sóc sức khỏe toàn dân”.
Hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công cũng không ngừng được hoàn thiện, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện rộng hơn về quy mô, đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng; đã bao phủ các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh. Trong năm 2023, đã có 100% số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, 100% số người dân bị thiệt hại do thiên tai được trợ giúp kịp thời, 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, hơn 90% số người khuyết tật khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng và hơn 90% số người cao tuổi khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc. Hằng năm, Chính phủ đã hỗ trợ cho người dân thiếu lương thực hàng chục nghìn tấn gạo. Riêng năm 2023, Nhà nước đã hỗ trợ 16,9 nghìn tấn gạo cho 1,1 triệu nhân khẩu trong dịp Tết Quý Mão. Trong 03 năm phòng, chống dịch Covid-19, Nhà nước hỗ trợ hơn 120.000 tỉ đồng và hơn 200.000 tấn gạo cho trên 68 triệu lượt người dân gặp khó khăn; trích hơn 38.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Gần đây nhất, trước hậu quả nặng nề của cơn bão Yagi gây ra, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo với tinh thần “bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân”6. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương 430 tỉ đồng và xuất cấp từ dự trữ quốc gia 432.585 tấn gạo để các địa phương, cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói. Nhiều đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại với tổng kinh phí gần 433 tỉ đồng. Riêng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã vận động và tiếp nhận 2,114 nghìn tỉ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão7.
Thành tựu nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm an sinh xã hội được thế giới thừa nhận, đánh giá cao, là công tác xóa đói, giảm nghèo về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 60% (năm 1986) xuống còn 1,93% (năm 2024), trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. GDP bình quân đầu người tăng từ 86 USD (năm 1986) lên 4.284 USD (năm 2023). Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân cũng ngày càng tốt hơn. Về giáo dục, trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020. Về nhà ở, đến năm 2020, đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, đang thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Về tiếp cận thông tin, từ năm 2016, có 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% các xã đã có đài truyền thanh; năm 2023, trên 98% số xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng, 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân, v.v.
Những kết quả từ công tác bảo đảm an sinh xã hội đã góp phần cải thiện Chỉ số phát triển con người (HDI) và Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam. Theo Báo cáo Phát triển con người 2023/2024 (công bố ngày 14/3/2024) của Chương trình phát triển Liên hợp quốc, từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam tăng 50%, từ 0,492 lên 0,726, nằm trong nhóm nước có Chỉ số phát triển con người cao. Đối với Chỉ số hạnh phúc, đã tăng 23 bậc, từ vị trí 77 (năm 2022), lên vị trí 54/143 quốc gia khảo sát (năm 2024).
Những thành tựu đạt được trong bảo đảm an sinh xã hội là kết quả chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Thực tế đó là minh chứng thuyết phục bác bỏ mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét