Từ hàng ngàn đời nay, cây tre đã gắn bó thân thuộc, hiển hiện trong cuộc sống con người Việt Nam với sự mộc mạc, bình dị, kiên cường, dẻo dai, ngay thẳng. Có lẽ vì thế, cây tre là biểu tượng cho sức sống của dân tộc Việt Nam - dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng vẫn kiêu hãnh, ngoan cường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn hình ảnh cây tre để nói về nét đặc sắc và độc đáo của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, sự linh hoạt, tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” đó là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”(1).
Đặc trưng của trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”
Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là thuật ngữ thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt và bản lĩnh của đường lối đối ngoại Việt Nam, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi khó khăn, thử thách vì độc lập dân tộc, vì tự do, vì hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”(2). Qua đó, chúng ta thấy được nội hàm sâu sắc và nét đặc sắc, tinh tế khi dùng hình tượng cây tre làm đặc trưng cho trường phái ngoại giao Việt Nam. Bởi vì, cây tre trở nên gần gũi, thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam, đã đi vào văn hóa dân tộc với những đặc tính tự nhiên nổi trội: gốc vững chãi, thân chắc chắn, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Đặc điểm nổi trội của cây tre là dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường. Tre vững chãi vì sống kết thành bụi, thành lũy, thành rừng, rễ bám sâu vào lòng đất, gió bão cũng phải chịu thua...
Những đặc điểm trên nói lên nền ngoại giao thấm đượm cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Khái quát biểu tượng cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” chính là triết lý, phương pháp luận và phương châm chỉ đạo của ngoại giao Việt Nam. Nền tảng văn hóa, truyền thống hữu nghị, hòa hiếu, khoan dung trong đường lối của Đảng là cội nguồn, là cái gốc để ngoại giao vững chắc, vươn cao.
Nhận diện những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch đối với trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”
Ngay sau bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 14/11/2021, các thế lực phản động, các phần tử cơ hội chính trị đã sử dụng những chiêu bài mang danh “phân tích”, “phản biện”, “bình phẩm” với cường độ cao, tần suất lớn trên nhiều trang tiếng Việt ở hải ngoại nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối đối ngoại - ngoại giao “cây tre Việt Nam”.
Thứ nhất, chúng “lập luận” rằng ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “ngoại giao đu dây”, “không dám thể hiện lập trường”, không có mục đích phục vụ lợi ích đất nước và dân tộc mà chỉ nhằm phục vụ cho Đảng. Cụ thể, trước quan điểm của Việt Nam về cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine là kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu, các phần tử phản động rêu rao rằng hành động của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ ràng”, “không đi theo số đông”, thậm chí có luận điệu cho rằng Việt Nam đang ngấm ngầm ủng hộ cho chiến tranh, quay lưng với hòa bình, “không kiên định”, “Không dứt khoát”, “lạc lõng giữa thời cuộc”(!).
Thứ hai, chúng xuyên tạc rằng ngoại giao “cây tre Việt Nam” là lạc hậu, đường lối bị động, do thiếu bản sắc nên bị hòa tan, cóp nhặt từ “ngoại giao cây sậy” của Thái Lan. Chúng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mỗi nước phải biết và chọn cho mình một nước lớn để dựa vào mới có thể bảo vệ đất nước khi cần thiết. Thế nên, chúng xuyên tạc rằng ngoại giao “cây tre Việt Nam” và chính sách quốc phòng “4 không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) là không thức thời, là lạc hậu, hẹp hòi.
Thứ ba, chúng xuyên tạc rằng ngoại giao “cây tre Việt Nam” là chính sách “tầm gửi”, “ăn bám”, chỉ nhằm củng cố quyền lực cho Đảng cầm quyền. Vì thế, trước mỗi chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đến các nước lớn, những giọng điệu “ngụy dân chủ” lại lớn tiếng rằng lãnh đạo Việt Nam đang “lợi dụng” những nước lớn “làm bình phong”, chỉ vì lợi ích của lãnh đạo chứ không phải vì lợi ích của nhân dân, không đại diện cho nhân dân (!).
Thứ tư, chúng chỉ ra cái gọi là “mâu thuẫn” trong trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” hòng kích động nhân dân đòi đổi mới đường lối đối ngoại của Đảng. Trước mỗi sự kiện ngoại giao quan trọng như các hội nghị đối ngoại, các chuyến thăm cấp cao... các phần tử phản động lại mượn danh “kiến nghị”, “thư ngỏ” để: một mặt, chúng “vờ” chỉ ra những mâu thuẫn như “Việt Nam không liên minh quân sự thì làm sao có thể hợp tác đa phương”, “đã độc lập tự chủ thì sao còn đòi hợp tác và phát triển”...; mặt khác, chúng hạ thấp vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, đòi hỏi phải đổi mới đường lối đối ngoại, đòi Việt Nam phải “có lập trường rõ ràng, phải chọn bên hợp lý”, đòi “dân chủ hóa Việt Nam”... Sau những thành công của các sự kiện đối ngoại - ngoại giao thì chúng lại xuyên tạc rằng “Việt Nam làm màu, hình thức, tất cả chỉ là giả tạo”.
Những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động liên quan đến công tác đối ngoại - ngoại giao, trong đó có trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” không ngoài nhắm tới âm mưu cuối cùng của chúng là tạo ra sự hoang mang, “lèo lái” dư luận, gây chia rẽ, kích động từ bên trong đối với các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiến tới thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. “Hiệu ứng tức thời” mà chúng mong muốn là “nói đi nói lại, sai cũng thành đúng” nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hữu nghị, hợp tác của Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới, hạ thấp uy tín và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế
Do vậy, để nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, trước hết, chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về nét đặc trưng, cơ sở lý luận và thực tiễn của ngoại giao “cây tre Việt Nam, thể hiện trên những nội dung cụ thể sau:
Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” - cơ sở lý luận
Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” dựa trên mối quan hệ biện chứng giữa đối nội và đối ngoại, xuất phát từ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống, bản sắc ngoại giao, văn hóa dân tộc. Như chúng ta đã biết, đối nội và đối ngoại là hai vấn đề vô cùng quan trọng của bất kỳ một quốc gia nào, có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau. Đối nội được hiểu là những quy định của Nhà nước ban hành nhằm mục đích duy trì sự trật tự về kinh tế, xã hội, an ninh trong nước. Đối ngoại thể hiện vai trò của Nhà nước trong quan hệ với các nhà nước và dân tộc khác. Việc xác định và thực hiện các chức năng đối ngoại luôn phải xuất phát từ tình hình thực hiện các chức năng đối nội. Đồng thời, kết quả của việc thực hiện các chức năng đối ngoại sẽ tác động mạnh mẽ tới việc tiến hành các chức năng đối nội.
Bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định trong Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức...”. Chức năng quan trọng nhất của Nhà nước ta là bảo vệ chế độ CNXH; bảo vệ quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; tổ chức và quản lý kinh tế... Xuất phát từ chức năng của Nhà nước, chính sách đối ngoại nhất quán của nước ta là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; được cụ thể hóa trong các kỳ đại hội của Đảng.
Độc lập là tự định đoạt vận mệnh dân tộc mình mà không bị lệ thuộc vào sự can thiệp của nước ngoài nào; không có quân đội nước ngoài đóng trên lãnh thổ; một nhà nước có chủ quyền, có nhân dân và có lãnh thổ riêng. Chủ quyền là nhà nước có quyền tự quyết riêng về đối nội, đối ngoại, chiến tranh - hòa bình của quốc gia mình, đảm bảo sự thống nhất, toàn vẹn về lãnh thổ.
Đường lối đối ngoại của Việt Nam được Đại hội XIII của Đảng thống nhất về nhận thức và quyết tâm là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(3). Theo đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định ngoại giao là một “mặt trận”, giữ vai trò “tiên phong”, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước Việt Nam; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” ...
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng vững chắc của quan điểm và chính sách đối ngoại của Đảng ta, trong đó có trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Để giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, việc đứng vững trên lập trường của Chủ nghĩa Mác - Lênin là một yêu cầu có tính nguyên tắc. Bởi, đấu tranh cho quyền bình đẳng, quyền tự do của các dân tộc là một nội dung quan trọng trong học thuyết Mác - Lê nin về quan hệ quốc tế: “Một Đảng Cộng sản chân chính khi giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế phải luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết hòa bình, lên án các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc, tích cực đấu tranh bênh vực và bảo vệ quyền lợi chân chính của các dân tộc”(4).
Hồ Chí Minh là người kế thừa, vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quan hệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Với tư tưởng nhất quán, Người khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và CNXH. Tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, mang dấu ấn riêng của Việt Nam. Theo đó, mục đích của hoạt động đối ngoại phải đem lại lợi ích cho nhân dân, giữ vững độc lập của dân tộc.
Cùng với nhận thức sâu sắc cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; ngoại giao là một trong những mặt trận quan trọng để giành và giữ hòa bình, nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại - ngoại giao là: Độc lập tự chủ, tự cường gắn với đoàn kết quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế. Theo đó, trí tuệ và đường lối sáng suốt của Đảng, nền tảng sức mạnh đoàn kết của toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại là cội nguồn tạo nên những thành tựu vẻ vang trên mặt trận đối ngoại.
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Hồ Chí Minh nhấn mạnh chính là khẳng định quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc; là hòa bình cho Việt Nam và hòa bình cho thế giới; chống chiến tranh xâm lược, chống can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, chống các chính sách cường quyền và áp đặt trong quan hệ quốc tế... Theo đó, mặt trận ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt, nghệ thuật, tầm văn hóa cao nhưng rất quyết đoán, kiên trì chân lý, bảo vệ nguyên tắc, bảo vệ lợi ích quốc gia - “dĩ bất biến, ứng vạn biến” - tạo được sự cảm hóa và thuyết phục với đối tác nước ngoài.
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại giao “cây tre Việt Nam” tiếp tục thực hiện sứ mệnh mới, góp phần tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế và gia tăng tiềm lực cho đất nước, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng CNXH.
Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” - cơ sở thực tiễn
Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong lịch sử cũng như giai đoạn hiện nay.
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, các hoạt động đối ngoại - ngoại giao luôn được coi trọng và gắn kết chặt chẽ với hoạt động quân sự. Trong đó nổi bật là phương châm “đem đại nghĩa thắng hung tàn”, “công tâm” - “đánh vào lòng người, không đánh mà thắng”...
Trong mọi giai đoạn lịch sử, hoạt động ngoại giao của Việt Nam, nhất là đối với các quốc gia láng giềng luôn được coi trọng nhằm giữ yên bờ cõi, tạo sự hòa hiếu. Truyền thống tốt đẹp của ngoại giao Việt Nam là hòa bình, hữu nghị, độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia, bản sắc văn hóa, danh dự dân tộc. Đó là nền ngoại giao linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa tính nguyên tắc và sách lược mềm dẻo, kết hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao, mặt trận chính trị và mặt trận quân sự. Những tinh hoa của ngoại giao Việt Nam bắt nguồn từ chiều sâu bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời, là sản phẩm của một quốc gia có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự đặc biệt quan trọng của khu vực.
Với tư tưởng ngoại giao chủ động, linh hoạt, mềm dẻo, kết hợp “cương với nhu” trên cơ sở giữ vững tính nguyên tắc đã giúp dân tộc ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; giữ đúng “lễ” với “binh”, “biết mình, biết người” cả trước và sau chiến tranh, nhằm đạt mục tiêu cao nhất trong công tác - hoạt động ngoại giao Việt Nam là: giành và giữ độc lập dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước.
Hơn 93 năm kể từ khi Đảng ta ra đời, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh cùng tiến trình cách mạng, đóng góp xứng đáng vào những thành quả của quốc gia - dân tộc. Trải qua các thời kỳ - giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta càng luôn đề cao, khơi dậy ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh, Việt Nam vẫn luôn giữ vững “các quyền dân tộc cơ bản”: độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Với chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, “vừa đánh, vừa đàm”: từ đàm phán, bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ khi mới thành lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đàm phán ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 - góp phần thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973, tạo tiền đề giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. |
Thực hiện chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, ngoại giao Việt Nam đã góp phần làm nên nhiều kết quả, thành tựu rất tốt đẹp. Từ thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với nhiều nước, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của nước ta, trong đó có giải pháp cho vấn đề Campuchia và bình thường hoá quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, liên minh châu Âu, đổi mới quan hệ với các nước bạn bè truyền thống: “nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO…”(5). Bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã được phát huy và thể hiện rõ trong từng hoạt động đối ngoại, nhất là hoạt động đối ngoại cấp cao cũng như trong ứng xử có lý, có tình với từng đối tác và tại từng cơ chế, diễn đàn đa phương. Qua đó khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm, đồng thời giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, bất định.
Với phương châm mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở giữ vững bản lĩnh và những vấn đề có tính nguyên tắc, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã phát huy được vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp có trách nhiệm vào giữ vững hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ trên thế giới. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Chủ tịch luân phiên ASEAN; Chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC; cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Năm 2022, Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025; Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026...
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá
Một là, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” phù hợp với cách mạng Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự khoa học, ý chí, niềm tin và mong muốn của nhân dân Việt Nam. Người Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh với những mất mát và đau thương to lớn. Vì thế, càng hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do; hiểu và trân trọng tinh thần tự lực, tự cường “đem sức ta mà giải phóng cho ta” từ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Việt Nam luôn phấn đấu vì một nền hòa bình cho toàn nhân loại, không có chủ trương xâm phạm chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào; luôn lựa chọn đứng về hòa bình, lẽ phải, công lý, luật pháp Quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thế nên, những luận điệu xuyên tạc rằng ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “ngoại giao đu dây”, “không mang lại lợi ích cho nhân dân”... là phản khoa học, phiến diện, thấy cây mà không thấy rừng.
Hai là, ngoại giao “cây tre Việt Nam” thể hiện sự tiến bộ, phù hợp với dòng chảy của thời đại. Trên thực tế, trong xu thế toàn cầu hóa, hợp tác và cạnh tranh diễn ra đan xen, mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới cũng có nhiều biến đổi khó lường. Trong bối cảnh đó, ngoại giao “cây tre Việt Nam” xác định độc lập dân tộc, lợi ích Tổ quốc là “gốc”, là nguyên tắc “bất biến”; linh hoạt, uyển chuyển để cân bằng, giữ vững mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, để không bị rơi vào “vòng xoáy” của bất cứ một quốc gia nào, để khẳng định vị thế quốc gia - dân tộc và khẳng định những giá trị của hòa bình, công lý... là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Vì vậy, những giọng điệu xuyên tạc, phê phán trường phải ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “lạc hậu”, “không thức thời”.... là hết sức phi lý và phản động.
Ba là, ngoại giao “cây tre Việt Nam” luôn khẳng định sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, là “gốc vững” cho “thân” và “cành” lớn mạnh. Trong bất kỳ khó khăn, thử thách nào cũng luôn bản lĩnh, kiên định, can trường vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Củng cố các quan hệ đa phương một cách uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Vì thế, chắc chắn không phải là những hoạt động “tầm gửi”, “ăn bám” - lợi dụng, phụ thuộc vào nước khác như các đối tượng phản động rêu rao.
Bốn là, ngoại giao “cây tre Việt Nam” mang bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam; được kế thừa, đúc rút và phát huy từ những giá trị truyền thống ngoại giao của dân tộc qua ngàn năm lịch sử, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, được lãnh đạo, sáng tập bởi lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại và được phát triển, hoàn thiện trong suốt quá trình cách mạng của đất nước. Điều đó thể hiện nét riêng có của dân tộc Việt Nam xuất phát từ mục tiêu “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân”. Hơn nữa, xét về nội hàm, đặc trưng, ngoại giao “cây tre Việt Nam” so với các trường phái ngoại giao của nhiều nước trên thế giới, trong đó có ngoại giao “cây sậy” của Thái Lan khác nhau hoàn toàn. Do đó, những gán ghép, ngụy biện rằng “ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “cóp nhặt” từ các nước khác” là hoàn toàn ấu trĩ, suy diễn thiếu căn cứ nhằm mục đích xấu.
Năm là, ngoại giao “cây tre Việt Nam” hoàn toàn nhất quán với quan điểm, đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhá nước, trong đó có chính sách quốc phòng “4 không”, hoàn toàn không có “mâu thuẫn” như giọng điệu xuyên tạc của các thành phần, thế lực phản động. Trên tinh thần tích cực triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, đảm bảo quyền lợi giữa các bên, ngoại giao “cây tre Việt Nam” luôn đảm bảo phương châm chủ động, tỉnh táo, không mơ hồ, mất cảnh giác, không bị áp đặt; hội nhập kinh tế, văn hóa gắn liền với bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền đất nước, giữ vững an ninh - quốc phòng. Đó là sự thống nhất giữa “độc lập, tự chủ” với “đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ”. Đó cũng chính là vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Chính sách quốc phòng “4 không” cũng thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là nhằm mục đích bảo vệ hòa bình, giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa... chứ hoàn toàn không phải là “theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi”.
*
Trong thời gian tới, chắc chắn các thế lực phản động và thành phần thù địch, bất mãn sẽ không ngừng tung ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá tinh vi, nham hiểm hơn về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Do vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần khôn ngừng nâng cao nhận thức, tiếp tục phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu về hoạt động đối ngoại là minh chứng rõ nhất củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước cũng như đập tan mọi luận điệu xuyên tạc. Chắc chắn, ngoại giao “cây tre Việt Nam” sẽ tiếp tục phát huy vai trò và đem lại những thành tựu quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét