Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng
nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã được viết bằng
máu và mồ hôi của nhiều thế hệ ông cha đã làm nên biết bao kỳ tích anh hùng, những
trang sử vẻ vang đầy khí thế.
Chính những điều đó đã tạo nên
truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà trong đó nổi bật nhất là lòng yêu
nước - một truyền thống cao quý vừa được hun đúc và phát huy suốt trong quá
trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Mỗi người Việt Nam đều có
quyền tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã hy sinh để
bảo vệ mảnh đất quê hương. Những người đã viết nên thiên sử của dân tộc và sẽ
luôn là hành trang của các thế hệ người Việt Nam.
V.I.Lênin từng nói “Lòng
yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất được củng cố hàng trăm năm,
hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập”. Lòng yêu nước của dân tộc
Việt Nam được hình thành từ đó và đã trở thành điểm cốt lõi của bản sắc văn hóa
Việt Nam, là sợ dây bền chặt gắn bó, cố kết con người Việt Nam tạo thành sức
mạnh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bảo vệ non sông bờ cõi, đó chính là nét đặc
trưng của truyền thống dân tộc Việt Nam. Chính nhờ sức mạnh diệu kỳ ấy mà dưới
ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, dân tộc ta đã không bị
khuất phục, không bị đồng hóa mà liên tiếp dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm
lược. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra thời kỳ độc lập thật sự cho dân
tộc, với tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường ông cha ta đã nhiều lần đánh
thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần như: nhà Tiền Lê, nhà Lý
chống quân xâm lược Tống, nhà Trần ba lần chống quân Mông – Nguyên,… thông qua
các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, lòng yêu nước đã trở thành sợ dây
kết nối toàn dân tộc, gắn bó cộng đồng để cùng nhau bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nền
độc lập của dân tộc, không chịu khuất phục trước quân thù. Trong lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn “Chúng ta thà hy sinh tất
cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Lịch sử thành văn của dân
tộc Việt Nam rất hiếm hoi, nhưng không vì thế mà các vua Hùng, Hai Bà Trưng, Bà
Triệu, các triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… bị lãng quên trong mỗi
người dân Việt Nam. Trái lại, càng ít sử liệu thì những quá khứ hào hùng ấy
càng bám sâu vào tâm trí của các thế hệ người Việt Nam và được truyền từ đời
này sang đời khác. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, lòng yêu nước luôn có những biểu
hiện riêng, do điều kiện lịch sử cụ thể và hệ tư tưởng quy định nhưng mục đích
duy nhất là bảo vệ và gìn giữ bờ cõi non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập dân
tộc.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, để
giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, chúng ta không chỉ ghi lại những trang
sử hào hùng của dân tộc để biết những chuyện đời xưa một cách máy móc, mà thông
qua những sự kiện, hiện tượng lịch sử để làm nổi bậc thêm phẩm chất, đạo đức,
tình cảm của dân tộc Việt Nam. Giáo dục lòng yêu nước như một vũ khí sắc bén
trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong giai đoạn hiện nay. Giáo dục cho
thế hệ trẻ lòng yêu nước cũng chính là giáo dục thái độ đúng đắn đối với các
bậc ông cha đã đi trước. Giáo dục lòng yêu nước là một hoạt động mang tính
nguyên lý, đạo đức của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, các thời đại.
Lòng yêu nước cũng là những nguyên lý đạo đức tìm ẩn trong tâm trí sâu xa của
mọi người dân Việt Nam, khiến cho họ tự nhiên phản ứng đúng với lẽ phải, đúng
với quyền lợi và danh dự của dân tộc, khi đụng chạm đến sự cố nào đó. Lòng yêu
nước không có sẵn khi dân tộc xuất hiện, đó là tất cả những giá trị tinh thần
được hình thành và phát triển cùng với lịch sử của dân tộc. Ngày nay giáo dục
lòng yêu nước là phải giáo dục niềm tự hào chính đáng về dân tộc và truyền
thống dân tộc, giáo dục lòng trung thành và đức hy sinh vì Đảng, vì Tổ quốc,
dân tộc và Nhân dân.
V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “quên
quá khứ là phản bội”, nhân thức sâu sắc đều đó, chúng ta luôn coi trọng việc
đưa tuổi trẻ quay về với lịch sử dân tộc, với những gì cao đẹp và hào hùng của
ông cha ta, đó là quá khứ của một dân tộc anh hùng với những chiến công hiển
hách, những trang sử chói ngời ấy sẽ không bao giờ phai theo thời gian. Nó sẽ
được sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Phải làm cho quá khứ ấy được khơi
dậy trong lòng mỗi người – Chúng ta khơi dậy lịch sử, quay lại quá khứ không
phải để tự mãn về những gì ông cha ta đã làm được, không phải để khoét sâu thêm
mâu thuẫn và thù hằn dân tộc, mà chính qua đó để giáo dục cho thế hệ trẻ biết
được thế nào là lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc. Nếu chúng ta không hiểu đúng
về quá khứ, cội nguồn của dân tộc thì khó có thể có lòng yêu nước, một tình
yêu Tổ quốc đúng nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng
định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của
ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi,
nó kết thành một làn sống vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy
hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Biểu hiện cao
nhất của lòng yêu nước là có ý thức rõ ràng, sâu sắc về nền độc lập dân tộc,
coi độc lập dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Yêu nước là phải giữ gìn
nền độc lập, tự do của dân tộc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét