Việt Nam chúng ta có phải đối diện với nguy cơ của “cách mạng màu” hay không?
Cách mạng màu với nhiều tên gọi khác nhau như: cách mạng
nhung, đường phố, cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ… diễn ra ở một số nước Đông
Âu và Trung Đông, Bắc Phi trong thời gian qua và những diễn biến chính trị tại
Thái Lan, Campuchia, Mianma, Inđônêxia, Vênêxuêla đã cho thấy bản chất nguy hiểm
từ sự can dự của các thế lực vào tình hình nội bộ các nước có chủ quyền, gây ra
bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền
hiện tại, xây dựng chính quyền thân Mỹ và phương Tây. Bản chất của âm mưu, thủ
đoạn “cách mạng màu”.
Cách mạng màu (tiếng Anh là colour revolution) là thuật ngữ
chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia
có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, đồng
thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu
thuẫn. Đó là chiến lược toàn cầu của Mỹ sử dụng những phương thức, thủ đoạn điển
hình là sự phản đối quy mô lớn bằng biện pháp phi bạo lực nhằm mục đích thay đổi
chế độ đang tồn tại để thiết lập một chính phủ thân Mỹ và phương Tây kể từ thời
kỳ hậu chiến tranh lạnh đến nay.
Các đối tượng của cách mạng màu là đảng phái, lực lượng
chính trị đối lập trong nước hình thành từ các trào lưu “dân chủ hóa xã hội” hoặc
nảy sinh, phát triển từ sự mâu thuẫn, phân hóa, phân lập của nội bộ đảng, chính
phủ cầm quyền. Lãnh tụ phe đối lập thường là những người bất mãn, cơ hội chính
trị, bất đồng với đảng, chính phủ cầm quyền được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn,
thậm chí nuôi dưỡng để thực hiện chính biến khi có thời cơ thuận lợi. Các thế lực
bên ngoài là kẻ khởi xướng, định hướng, kích động, thúc đẩy, vạch kế hoạch, huấn
luyện, tài trợ vật chất, ủng hộ tinh thần và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng
trong nước tổ chức và tiến hành hoạt động cách mạng màu. Thế lực bên ngoài đóng
vai trò “đạo diễn”, lực lượng trong nước giữ vai trò” thực thi”. Đây là một hiện
tượng chính trị diễn ra thông qua nghị trường, đấu tranh chính trị (mít tinh,
biểu tình, tuần hành), dựa trên cơ sở những tiền đề trong một quốc gia, dân tộc
có quan điểm, chủ trương trái với lợi ích của Mỹ và phương Tây; được hậu thuẫn
bởi lực lượng bên ngoài nước can thiệp một cách thô bạo, trắng trợn vào công việc
nội bộ của nước đó nhằm lật đổ chính quyền hay sự cầm quyền của các đảng phái
chính trị để thay thế bằng đảng phái đối lập phù hợp với lợi ích Mỹ và phương
Tây.
Bản chất cách mạng màu là phản cách mạng, là phương thức, thủ
đoạn theo chủ nghĩa sô vanh nước lớn sử dụng để loại bỏ chính quyền các nước
không đi theo quỹ đạo của mình bằng nhóm cầm quyền khác, mà chưa làm thay đổi bản
chất bên trong của các nước. Lợi dụng những mâu thuẫn, khó khăn của chính quyền
đương nhiệm để tạo ra nguy cơ chính trị, thông qua việc bầu cử tự do và “cách mạng
đường phố” để lật đổ chính quyền hợp pháp, dựng lên chính quyền thân Mỹ và
phương Tây.
Các hoạt động nhằm thực hiện “cách mạng màu” ở Việt Nam
Sau khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ ngày 25/12/1991, đặc biệt
từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động chống phá của các thế lực
thù địch gia tăng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng thâm độc, quy mô lớn,
tác động tiêu cực đến đời sống an ninh xã hội. Hoạt động tuyên truyền phá hoại
tư tưởng nhằm tạo tiền đề về tư tưởng, chính trị, xã hội cho cuộc cách mạng màu
ở Việt Nam. Đó là những hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa
Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò cầm quyền của Đảng.
Những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, những kẻ thâm thù cộng
sản, đối lập và phản bội cách mạng, những người a dua, kiêu ngạo, thậm chí có
cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sử dụng những thủ đoạn và
cách thức đa dạng, phong phú, mà chủ yếu là các bài viết theo lối “bổn cũ soạn
lại”, các video, clip cắt ghép, các bloger trên một số báo chí nước ngoài, các
trang mạng xã hội có tư tưởng chống phá Việt Nam như: Chantroimoi media, BBC
NEWS, VOA tiếng Việt, Dân Báo, RFA,... ra sức đưa ra những luận điệu sai trái,
thù địch, bóp méo và phủ nhận hoàn toàn nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Đồng thời, tuyên truyền kêu gọi cải cách chính trị để tiến tới
một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng, thiết lập quyền tự do phát ngôn, ra báo tư
nhân, lập đảng, lập hội, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang... Các hoạt động
tuyên truyền kích động các hoạt động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự xã hội,
gây bạo loạn thông qua các sự kiện chính trị lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề
xã hội phức tạp, nhạy cảm như: tranh chấp, khiếu kiện, đình công, vấn đề tôn
giáo, dân tộc, tranh chấp biển đảo.
Có thể khẳng định một điều, không có liều thuốc nào hữu hiệu
bằng việc tự đề kháng và ngăn ngừa dịch bệnh từ xa. Loại bỏ tham nhũng tiêu cực,
xử lý các cá nhân cán bộ biến chất, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa là
điều chúng ta bắt buộc phải làm. Làm tốt việc này, không những đất nước phát
triển giàu mạnh mà niềm tin của nhân dân dành cho Đảng, chính quyền sẽ tăng
lên. Khi nhân dân có niềm tin, họ sẽ không dễ bị lôi kéo, kích động. Bài học ở
nhiều quốc gia trên thế giới cho chúng ta thấy rõ ràng rằng phải cảnh giác với
chúng và cũng cần phải chấn chỉnh lại chính mình./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét