Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Phát triển lý luận về xây dựng tiềm lực quốc phòng trong kỷ nguyên mới

 Nhận thức sâu sắc vai trò của lý luận, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo phát triển lý luận quân sự, quốc phòng (QS, QP), nền quốc phòng toàn dân. Thực tiễn đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, hình thành hệ thống lý luận về đường lối, chiến lược, pháp luật về QS, QP, tiềm lực quốc phòng. Lý luận tiềm lực quốc phòng đóng vai trò dẫn đường cho hoạt động thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Nhiều tư duy mới về xây dựng tiềm lực quốc phòng

Gần 40 năm đổi mới, lý luận tiềm lực quốc phòng đã có những đột phá quan trọng trong tư duy và tổ chức thực hiện, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện, có chiều sâu phát triển lý luận và thực tiễn về xây dựng tiềm lực quốc phòng cả chính trị-tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội; khoa học-công nghệ, quân sự và đối ngoại.

Về chính trị-tinh thần: Đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu lý luận phát huy tiềm lực chính trị-tinh thần cho sự nghiệp BVTQ. Tiêu biểu là phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”, là trung tâm, là chủ thể; khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Chúng ta đã phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực hiện phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, đáp ứng yêu cầu phòng thủ gắn với phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trên từng địa bàn và cả nước. 

Về kinh tế, văn hóa, xã hội: Lý luận về xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân có sự phát triển, đó là kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh (QP, AN) và QP, AN với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Qua đó dẫn dắt sự phát triển các thành phần kinh tế đi đúng hướng và đạt hiệu quả. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, tạo nền tảng để tăng cường tiềm lực QS, QP. Thấm nhuần quan điểm “mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường QP, AN”, đã đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP, AN của 6 vùng trên cả nước, đề án tăng cường tiềm lực QP, AN gắn với phát triển KT-XH ở địa bàn hướng chiến lược; phát triển 31 khu kinh tế quốc phòng; văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện với những chủ trương, chiến lược, bước đi vững chắc.

Tiềm lực khoa học-công nghệ được chú trọng đầu tư, phát triển toàn diện lý luận về nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự, kỹ thuật, công nghệ quân sự, hậu cần, tài chính... Nhiều công trình khoa học nghiên cứu phát triển lý luận mới xây dựng Quân đội trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức, cán bộ, đặc biệt là lý luận về phát triển nền công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; đầu tư nghiên cứu, sản xuất một số loại vũ khí, trang bị có ý nghĩa chiến lược đáp ứng yêu cầu BVTQ thời kỳ mới.

Về quân sự, những năm qua: Có nhiều công trình nghiên cứu lý luận về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; Quân đội hiện đại; nghệ thuật quân sự; phát triển phương tiện, vũ khí đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, công nghệ cao; xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. LLVT được đầu tư phát triển toàn diện, bộ đội chủ lực điều chỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh; dân quân tự vệ phát triển cả về số lượng và chất lượng, chú trọng dân quân, tự vệ biên giới, biển, đảo; lực lượng dự bị động viên ngày càng hùng hậu; chất lượng huấn luyện, diễn tập ngày càng cao, từng bước làm chủ công nghệ mới; nâng cao khả năng tác chiến...

Về đối ngoại: Đã có sự phát triển lý luận về tiềm lực đối ngoại, chỉ rõ mục tiêu, vai trò của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại quốc phòng trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai đồng bộ với nhiều cách làm sáng tạo đạt kết quả khá toàn diện, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội trên trường quốc tế...

Một số vấn đề đặt ra trong kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, cả dân tộc phải vươn lên mãnh liệt, phấn đấu thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược, tạo sự phát triển vượt bậc ở một tầm cao mới, trình độ mới, chất lượng mới, xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tạo nền tảng cho bước phát triển đột phá kế tiếp. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đạt được những thành tựu quan trọng, song đất nước vẫn đứng trước những nguy cơ, thách thức. Nghị quyết của Đảng về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới chỉ rõ “Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường tiềm lực QP, AN” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong kỷ nguyên mới. Để lý luận về tiềm lực quốc phòng thực sự đảm đương vai trò định hướng sự nghiệp quốc phòng, BVTQ trong kỷ nguyên mới cần giải quyết những vấn đề đặt ra như sau:

Tiếp tục nghiên cứu phát triển các quan điểm, phương châm xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, quân sự và đối ngoại. Trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP, AN tại 6 vùng trên cả nước, tập trung đầu tư nghiên cứu tiềm lực phòng thủ quân khu và tiềm lực quốc phòng vùng trong cấu trúc tiềm lực quốc phòng quốc gia. Những chiến lược, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực QS, QP là nguồn lực, sức mạnh BVTQ. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì hệ thống chiến lược vẫn chưa đầy đủ, có mặt hạn chế, cần tiếp tục bổ sung, phát triển làm rõ như lý luận về cơ chế lãnh đạo, quản lý chiến lược, tham mưu hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, xây dựng các chiến lược ngành, chuyên ngành trong Quân đội...

Về tiềm lực chính trị-tinh thần, kinh tế: Hướng vào phát huy chủ nghĩa yêu nước; lòng tự hào, tự tôn dân tộc, củng cố, tăng cường niềm tin giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là sự đồng thuận của xã hội, nâng cao trách nhiệm công dân về nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng. Lý luận về tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội cần đi sâu làm rõ các quan điểm về phát triển nền kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững; chủ trương kết hợp kinh tế với QP, AN; giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; kết hợp chặt chẽ kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kinh tế số gắn với BVTQ trên không gian mạng; kinh tế vùng gắn với phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các cấp; kinh tế đối ngoại gắn với BVTQ từ sớm, từ xa; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường... Tiếp tục phát triển, làm rõ lý luận nền văn hóa số, công dân số trong lĩnh vực QS, QP, xây dựng thể chất, tâm lý, nét đẹp văn hóa của người quân nhân khi làm việc, giao tiếp trên môi trường mạng và quốc tế.

Về tiềm lực khoa học-công nghệ: Làm rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển nền khoa học quân sự, công nghiệp quốc phòng thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các luận cứ khoa học đề ra phương châm, phương thức ngăn ngừa, ngăn chặn, triệt tiêu các nguy cơ, thách thức, xung đột, chiến tranh nhất là chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh; lý luận về xây dựng tuyến phòng thủ, vành đai an ninh BVTQ từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ; xây dựng Đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp QS, QP theo định hướng “Đảng vững, nước giàu, dân yên, quân mạnh, thêm bạn, bớt thù”. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quốc phòng; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong kỷ nguyên mới.

Nghiên cứu các giải pháp tích hợp, đồng bộ công nghệ mới vào vũ khí, trang bị; xu hướng phát triển vũ khí, trang bị của thế giới, đề ra các giải pháp chế áp, vô hiệu hóa, hạn chế uy lực, giảm tính năng đối với một số chủng loại vũ khí công nghệ cao; phát triển các sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin; xây dựng phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QS, QP; phát triển lý luận bảo đảm hậu cần-kỹ thuật cho các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến mới.

Về tiềm lực quân sự: Tập trung làm rõ quan điểm, phương châm phát triển con người và vũ khí hiện đại; quan tâm phát triển lý luận nghệ thuật quân sự. Kỷ nguyên mới song hành với kỷ nguyên số, do đó, tập trung nghiên cứu tham mưu đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động QS, QP. Nghiên cứu, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các hình thái chiến tranh tương lai; xây dựng LLVT; định hướng vận dụng tác chiến liên hợp ở Việt Nam; bổ sung lý luận xây dựng, hoạt động phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp; nghệ thuật tác chiến, nhất là tác chiến không gian mạng, tác chiến không người lái...

Nghiên cứu xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, làm rõ và thực hiện tốt tinh thần “7 dám” của cán bộ Quân đội. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá, bảo đảm “tinh binh, tinh cán”. Quân đội hiện đại trong kỷ nguyên mới phải điêu luyện trong sử dụng vũ khí, phương tiện tác chiến hiện đại, trên các môi trường tác chiến; các thách thức an ninh phi truyền thống, phòng thủ dân sự; sắc sảo, thiện chiến trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng.

Tiềm lực đối ngoại: Tăng cường nghiên cứu dự báo tình hình quốc tế, khu vực, cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định chiến lược, chính sách đối ngoại, đối ngoại quốc phòng phù hợp thực tiễn. Làm rõ nội hàm tiềm lực đối ngoại, các giải pháp huy động nhân lực, vật lực, tài lực của mặt trận đối ngoại cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân, BVTQ từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ...

Nghiên cứu phát triển lý luận về tiềm lực quốc phòng là yêu cầu tất yếu nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, làm tốt công tác định hướng, lựa chọn nội dung, phát huy vai trò các tổ chức, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển lý luận về tiềm lực quốc phòng bảo đảm cho vai trò định hướng, dẫn dắt mọi hoạt động QS, QP thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong kỷ nguyên mới./.

St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét