Thời gian qua, nhiều trào lưu (trend) thể hiện lòng yêu nước của giới trẻ được lan tỏa rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Tiêu biểu như trào lưu "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta" xuất hiện vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2024. Trong các clip, các bạn trẻ đã hóa thân thành nhiều hình tượng khác nhau như: Bộ đội, công an, người mẹ Việt Nam Anh hùng, giáo viên, đoàn viên thanh niên... qua đó thể hiện niềm tự hào, lòng yêu nước và khát khao cống hiến. Các bạn trẻ cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Các video clip sử dụng lời nhạc vui tươi và giàu cảm xúc của bài hát Khát vọng tuổi trẻ (nhạc sĩ Vũ Hoàng). Với trend "Tôi yêu Tổ quốc tôi" cùng hát Quốc ca Việt Nam, hay trend "Quốc kỳ rực sáng trong ánh mắt" xuất hiện vào dịp Quốc khánh 2/9, đặc tả những đôi mắt sáng rực mầu cờ đỏ sao vàng... khiến bất cứ ai lướt qua cũng cảm thấy xúc động, tự hào. Với những cách thể hiện sáng tạo, trong sáng, đúng mực, đây đều là những trào lưu có ý nghĩa sâu sắc, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tình yêu nước và lòng biết ơn của tuổi trẻ đối với thế hệ cha ông đã cống hiến, hy sinh hết mình vì đất nước, vì dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những trào lưu tích cực này, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số bạn trẻ khi thể hiện thái độ, tình cảm của mình còn thiếu sự chín chắn, đúng mực, thậm chí có phần cực đoan, gây phản ứng trái chiều, tiêu cực trong cộng đồng, bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng phục vụ cho những mục tiêu thiếu trong sáng.
Tìm hiểu qua các sự việc cụ thể có thể thấy nguyên nhân chính của những hành vi này là sự bột phát, nặng về cảm tính dẫn tới thiếu chín chắn trong suy nghĩ, nhận thức. Đặc biệt khi tiếp cận nhiều luồng thông tin trái chiều trên các nền tảng mạng xã hội khiến một số thanh, thiếu niên mất định hướng, không kiểm soát được nhận thức, cảm xúc cá nhân nên dễ bị thao túng, dẫn dắt bởi "hội chứng đám đông", dẫn đến có những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Như việc trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng một số cư dân mạng chuyên đi lùng các hình ảnh lá cờ của chế độ Việt Nam cộng hòa (cờ vàng ba sọc đỏ) để đả phá, công kích bất kỳ ai xuất hiện cùng lá cờ này dù là vô tình. Tháng 2/2023, Hanni Phạm, ca sĩ người Australia gốc Việt và là thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc NewJeans, đã bị kêu gọi tẩy chay sau khi có người phát hiện trang mạng xã hội của thành viên gia đình cô treo "cờ vàng". Những người tẩy chay ca sĩ Hanni cho rằng việc hâm mộ một ca sĩ có gia đình "theo Việt Nam cộng hòa" là phản bội đất nước Việt Nam, khiến sự việc gây nên những tranh cãi căng thẳng quá mức trên mạng xã hội. Các hành động thể hiện lòng yêu nước cực đoan tương tự cũng thường xuất hiện nhân các ngày lễ lớn của đất nước, hay vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo.
Có chuyên gia lo ngại rằng một số trào lưu của giới trẻ trên mạng xã hội hiện nay có dấu hiệu trở nên phô trương, thiếu đi chiều sâu, từ đó tạo nên nguy cơ lợi dụng lòng yêu nước để phục vụ lợi ích cá nhân và có thể dẫn đến tư tưởng cực đoan nếu không được định hướng đúng đắn. Cần xác định rõ rằng lòng yêu nước chân chính không bao giờ song hành cùng chủ nghĩa cực đoan, không đồng nghĩa với những hành động quá khích. Lòng yêu nước nếu được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt mới thật sự là nguồn lực quan trọng để củng cố, tăng cường thêm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mới đây, lợi dụng hành động thiếu chín chắn của một số bạn trẻ trong khi chụp ảnh với lá cờ của chế độ Việt Nam cộng hòa tại Bảo tàng Quân sự, các thế lực thù địch, phản động đã lập tức xuyên tạc, vu khống, tung ra những luận điệu có tính chất kích động, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nổi lên trong số đó là tổ chức khủng bố Việt Tân đã rêu rao những luận điệu vô căn cứ rằng: "một lá cờ vàng trưng bày trong viện bảo tàng cũng bị tuyên giáo tận dụng để xúc phạm một chính thể lịch sử của nước nhà" hay "các page dư luận viên đang kích động những người trẻ xúc phạm cờ vàng ba sọc đỏ tại Bảo tàng Quân sự. Bất an đến mức nào họ mới phải tấn công một lá cờ!?". Trong khi đó, Đài Á Châu Tự do đăng ý kiến của một luật sư không rõ tên, nêu nhận định rằng: "Hình ảnh này vô cùng xấu xí thể hiện ở Việt Nam không có hòa giải, hòa hợp. Chính phủ Việt Nam không quan tâm xoa dịu nỗi đau chiến tranh thực chất". Cần khẳng định, việc trưng bày một hiện vật có liên quan đến một giai đoạn lịch sử trong bảo tàng là khách quan, phù hợp chức năng, mục đích hoạt động thông thường của một bảo tàng. Việc những kẻ cơ hội, cực đoan tìm mọi cách hướng đến kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hòa hợp dân tộc là hành vi phá hoại, không thể chấp nhận được.
Thực tế, trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước, hòa hợp, hòa giải dân tộc là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc trong truyền thống văn hóa hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam; được nhân dân Việt Nam đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế công nhận.
Kể từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ngay từ năm 1993, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) ngày 17/11/1993 "Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất" đã khẳng định: Chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau...
Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng khẳng định: lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Chính các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam và những thành tựu không thể phủ nhận của đất nước là minh chứng rõ nhất: đời sống kinh tế-xã hội đất nước ngày càng phát triển; tình trạng bất bình đẳng, phân hóa xã hội ngày càng giảm; đồng thuận xã hội được nâng lên; những mặc cảm, định kiến, hận thù do lịch sử để lại cũng dần được thu hẹp. Việc "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" trở nên thiết thực và rộng mở không chỉ với các nước từng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà cả với hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng như trên 220 thị trường nước ngoài có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở đó, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã được đổi mới và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận cả ở trong và ngoài nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam với vai trò, vị thế và uy tín trong đất nước sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường. Ở chiều ngược lại, tình cảm của kiều bào hướng về quê hương đất nước cũng ngày càng đậm nét và sâu sắc hơn.
Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, lên án và bác bỏ những luận điệu cố tình xuyên tạc, bóp méo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề hòa hợp dân tộc, về đại đoàn kết toàn dân tộc, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó cũng cần kịp thời phê phán, chấn chỉnh những hành vi còn chưa đúng chuẩn mực, nhất là của giới trẻ trong việc thể hiện lòng yêu nước, góp phần định hướng lòng yêu nước chân chính và đúng đắn, từ đó, loại bỏ những hành động xuyên tạc, gây chia rẽ cộng đồng. Để làm được điều này, vai trò của giáo dục trong việc định hướng giới trẻ là rất quan trọng. Việc thể hiện lòng yêu nước ở ngoài đời cũng như trên mạng xã hội phải xuất phát từ niềm tự hào đích thực, đồng thời cũng cần được hướng dẫn để không vô tình dẫn đến những cách hiểu sai, làm nảy sinh tâm lý hận thù cực đoan. Bên cạnh đó cần tăng cường giáo dục giới trẻ về lịch sử, văn hóa và ý nghĩa của các biểu tượng quốc gia, hình thành cách thức thể hiện lòng yêu nước đúng đắn, phù hợp; tổ chức các cuộc thi, sự kiện để giới trẻ thể hiện lòng yêu nước theo cách sáng tạo nhưng vẫn đúng mực. Cơ quan chức năng phát huy tốt hơn nữa vai trò định hướng; tạo các diễn đàn để giới trẻ thảo luận và chia sẻ về lòng yêu nước, từ đó, hình thành nhận thức và hành động đúng đắn. Mỗi bạn trẻ không chỉ thể hiện lòng yêu nước thông qua các clip, các trend tích cực trên mạng xã hội mà hơn thế, phải gắn với những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích cho cộng đồng, khi đó lòng yêu nước mới thực sự phát huy vai trò trong thực tiễn.
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét