Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là niềm
tự hào về truyền thống anh hùng của mỗi người dân Việt Nam, mà Quân đội ấy còn
là nỗi khiếp sợ của thế lực xâm lược. Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng là
đội quân anh hùng của dân tộc anh hùng.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân
Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi
với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân
đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng
toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024).
Phóng viên (PV): Đồng chí có thể chia sẻ cảm
nghĩ của mình về ý nghĩa lịch sử, tầm vóc của sự kiện thành lập Quân đội
nhân dân Việt Nam, cũng như đường lối quốc phòng của Việt Nam?
Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh: Với tầm nhìn chiến
lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách
mạng Việt Nam, cần phải tổ chức lực lượng vũ trang. Việc Đội Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân
đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 22/12/1944 với 34
chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách là một tất yếu lịch sử trong sự
nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, bước ngoặt trên con đường đấu tranh
cách mạng và đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng lúc đó.
Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của
Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng
lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống
"Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày
15/5/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu
quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực
của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, làm nên thành công
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi
nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành các sư đoàn chủ lực mạnh,
lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch
sử ngày 7/5/1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân
Pháp; thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải
phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất
nước, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích, nòng cốt đi đầu
trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết
hậu quả chiến tranh; đồng thời, thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế và đối
ngoại quốc phòng, tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc,
góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn
dân, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa của sự kiện này?
Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh: Từ ngày 19/12 đến ngày
22/12, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế
Việt Nam năm 2024. Quy mô triển lãm lần này có nhiều cái hơn so với lần thứ 1,
như: Quy mô lớn hơn, các hoạt động nhiều hơn, các đoàn khách quốc tế đông hơn,
số lượng vũ khí, trang bị của các nước và Việt Nam tham gia trưng bày tại triển
lãm nhiều hơn so với lần thứ nhất, thể hiện thương hiệu, uy tín và sức hút ngày
một gia tăng của sự kiện do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức. Đồng thời, triển
lãm là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo
dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, góp phần khẳng định sự
trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam và thể hiện sức mạnh, trí
tuệ, bản lĩnh Việt Nam.
Nhân dịp này, Thượng tướng Khamliang Outhakaysone, Ủy
viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào cùng
đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Lào sang thăm chính thức Việt Nam và tham dự Triển
lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông trên cương
vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, thể hiện sự coi trọng phát triển mối quan hệ
hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam. Đặc biệt,
chiều ngày 19/12, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang,
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã
tiếp lãnh đạo Bộ Quốc phòng, quân đội các nước nhân dịp tới Việt Nam tham dự
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Thượng tướng Khamlieng Outhakaysone
cho rằng Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã mang tới những giá trị
cùng cơ hội để ngành công nghiệp quốc phòng khu vực và toàn cầu khám phá những
công nghệ quốc phòng, công nghệ quân sự; phát triển và thúc đẩy nghiên cứu khoa
học, sản xuất trong ngành công nghiêp quốc phòng, trao đổi thông tin, hợp tác
trong lĩnh vực này, vì hòa bình và an ninh khu vực và thế giới.
PV: Hơn 60 năm qua, quan hệ Việt
Nam-Lào ngày càng phát triển, trong đó hợp tác quốc phòng được xem là trụ cột,
là điểm sáng của quan hệ hai nước. Theo Đại sứ, quan hệ song phương trong lĩnh
vực quốc phòng đã góp phần quan trọng thế nào cho quan hệ đặc biệt hai nước
Việt Nam-Lào?
Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh: Trong hai cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hợp tác, liên minh chiến đấu Việt Nam
- Lào là biểu tượng sáng ngời về tinh thần đoàn kết, trong sáng, đấu tranh đánh
đuổi kẻ thù chung. Nhân dân hai nước đã đồng cam cộng khổ, dành cho nhau sự sẻ
chia sâu sắc và to lớn về vật chất, tinh thần, là một trong những nhân tố quan
trọng, quyết định thành công của cách mạng hai nước.
Nhân dân Lào không bao giờ quên việc hàng vạn con em
nhiều thế hệ của đất nước Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào trong cuộc chiến đấu
giành độc lập và tự do cho đất nước Lào, trong đó, nhiều đồng chí đã dâng hiến
cả cuộc đời để phục vụ cách mạng Lào. Trên khắp mọi nẻo đường của đất nước Lào,
máu của các chiến sĩ Việt Nam đã hòa quyện với máu của cán bộ, đảng viên, chiến
sĩ và nhân dân Lào vì sự sống còn của đất nước Lào.
Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975,
cùng với sự phát triển bền vững của quan hệ hai nước, quan hệ hợp tác quốc
phòng Việt Nam - Lào cũng không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành một
trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, góp phần tích cực vào sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn
định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
PV: Theo đồng chí, trong thời gian tới
hai nước cần làm gì để giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đoàn kết Việt Nam -
Lào phát triển lên tầm cao mới?.
Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh: Tình hữu nghị vĩ đại,
đoàn kết đặc biệt là di sản vô giá của hai Đảng, hai dân tộc Lào-Việt Nam vì nó
được xây dựng, vun đắp, giữ gìn bằng trí tuệ và biết bao mồ hôi xương máu của
các thế hệ người Lào và người Việt Nam không có gì có thể đo đếm được, không có
kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi. Đó là mối quan hệ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mô
tả bằng lời thơ bất hủ:
"Việt -Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long"
Chủ tịch Kasone Phomvihane kính yêu đã nói "Núi có
thể mòn, sông có thể cạn, nhưng tình nghĩa Lào-Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn
núi, hơn sông". Để gìn giữ, phát huy mối quan hệ trong sáng, hiếm có đó,
lãnh đạo hai Đảng đã luôn nhắc nhở chúng ta phải tích cực góp phần của mình vào
việc bảo vệ, phát huy mối quan hệ đó, nhất là phải giáo dục cho thế hệ trẻ của
hai nước biết trân trọng, giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ đó mãi mãi xanh
tươi, đời đời bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn
Đại sứ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét