Quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ
thể và phát triển là một công cụ sắc bén để phân tích các vấn đề xã hội và tìm
ra những giải pháp thích hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó
cũng là công cụ nhận thức quan trọng để Đảng ta kiên định, vận dụng sáng tạo và
phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn lịch
sử.
Quan điểm khách quan yêu cầu trong nhận thức
và hoạt động thực tiễn phải phản ánh trung thực sự vật, hiện tượng với tất cả
bản chất, những mối quan hệ vốn có của nó; nắm vững và tôn trọng những quy luật
khách quan của hiện thực; đồng thời, không rơi vào chủ quan duy ý chí; không
được lấy ý chí chủ quan, ý muốn chủ quan, nguyện vọng, tình cảm cá nhân để áp
đặt cho thực tế.
Quan điểm toàn diện đòi hỏi phải xem xét toàn
diện các mối liên hệ của sự vật, hiện tượng và mối liên hệ giữa các yếu tố, bộ
phận cấu thành và những mắt khâu trung gian, gián tiếp của chúng; cả hiện tại,
quá khứ và xu hướng phát triển trong tương lai; phải đồng bộ, không cục bộ,
phiến diện. Song trong mối liên hệ cụ thể, từng giai đoạn phải nắm đúng trọng
tâm, then chốt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh dàn trải, không viển vông,
ảo tưởng. Trong quá trình xem xét toàn bộ mối liên hệ, bản chất, quy luật của
các sự vật, hiện tượng, phải dự báo được khả năng vận động, phát triển; chống
mọi biểu hiện trì trệ, bảo thủ.
Quan điểm lịch sử, cụ thể chỉ rõ trong nhận
thức và hoạt động thực tiễn phải xem xét đúng các quá trình, các giai đoạn phát
triển của các sự vật, hiện tượng; nhận thức được những thuộc tính, những mối
liên hệ tất yếu, bản chất vốn có của sự vật, hiện tượng trong các hoàn cảnh,
điều kiện cụ thể. Chỉ ra được mối liên hệ, quy luật khách quan; vị trí, vai trò
của từng mối liên hệ quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.
Đồng thời, cần phải đấu tranh chống mọi biểu hiện xa rời thực tiễn với những
điều kiện, hoàn cảnh riêng.
Quan điểm phát triển đòi hỏi phải nắm được
khuynh hướng phát triển của sự vật, hiện tượng; phải khái quát và làm sáng rõ
được xu hướng vận động, phát triển chủ đạo trong cả tự nhiên, xã hội và mỗi con
người. Sự phát triển là quá trình biện chứng, có tính chất quanh co, phức tạp,
thậm chí có những bước tụt lùi tạm thời, nhưng tất yếu cái mới sẽ ra đời. Do
đó, cần phải có niềm tin vào sự tất thắng của cái mới, đấu tranh, loại bỏ mọi
lực cản ảnh hưởng sự phát triển của tự nhiên, xã hội và mỗi con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét