Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

HỒ SƠ CHÍNH XÁC VỀ ĐIỆP VIÊN BÍ ẨN - ANH HÙNG LLVT NHÂN DÂN , NHÀ TÌNH BÁO CHIẾN LƯỢC TÀI BA PHẠM NGỌC THẢO

 Cuộc đời hoạt động tình báo trong lòng địch như “giữa biển giáo, rừng gươm” của Phạm Ngọc Thảo đến nay vẫn còn nhiều bí mật, trong khi bộ phim “Ván bài lật ngửa” đã quá nổi tiếng nên phân biệt, làm rõ đâu là những câu chuyện đời thực của Phạm Ngọc Thảo, đâu là những “hư cấu” thêm của nhà văn là điều mà chúng tôi quan tâm...

🌹
Hồ sơ chính xác về điệp viên bí ẩn
Quá trình tìm tòi tài liệu có độ chính xác cao về Anh hùng Phạm Ngọc Thảo của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Hồ sơ, tài liệu về Phạm Ngọc Thảo vốn dĩ rất ít ỏi, mà đơn vị cũ của ông thì luôn kín như bưng. Phạm Ngọc Thảo có một thời kỳ là học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), với tư cách là một học viên từ năm 1946, nhưng tư liệu về ông ở ngôi trường bề dày truyền thống bậc nhất Quân đội nhân dân Việt Nam cũng rất mờ nhạt. Có lúc, chúng tôi đã nản thì may quá, nhờ người mách nước, chúng tôi đến Bảo tàng Tổng cục II và lần đầu tiên được đọc những dòng hồ sơ chính thống đã được công khai về Phạm Ngọc Thảo.
Trong cuốn sách “Những chiến công thầm lặng” trưng bày tại Bảo tàng Tổng cục II, hồ sơ về Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Phạm Ngọc Thảo được đánh số 15 với những thông tin ngắn gọn nhưng đủ sức góp phần trả lời cho những ai tò mò về cuộc đời và sự nghiệp của ông: “Đồng chí Phạm Ngọc Thảo (tức Phạm Thao), sinh năm 1922, tại tỉnh Long Xuyên, dân tộc Kinh. Tham gia cách mạng năm 1945, nhập ngũ năm 1946. Lúc hy sinh, đồng chí là Đại tá, cán bộ Cục Nghiên cứu, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 8 năm 1945, đồng chí tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn. Đầu năm 1946, đồng chí được tổ chức cử ra miền Bắc học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Ra trường, đồng chí trở lại miền Nam hoạt động ở địa bàn khu (Khu 8, Khu 9).
Cuối năm 1947, được trên giao làm Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ (cơ quan tình báo của ta). Với tinh thần trách nhiệm, trong một thời gian ngắn, đồng chí đã thống nhất được các lực lượng tình báo toàn Nam Bộ. Năm 1949, được trên điều sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 chủ lực Khu 9, tiểu đoàn đã chiến đấu nhiều trận thắng lợi lớn, góp phần mở rộng vùng giải phóng. Sau Hiệp định Geneva 1954, nhận chỉ thị của tổ chức, đồng chí ở lại miền Nam, dựa vào thế lực là một gia đình trí thức, theo Thiên Chúa giáo, thân cận với gia đình họ Ngô, đồng chí đã thâm nhập đi sâu, leo cao vào chế độ ngụy quyền miền Nam, phục vụ yêu cầu tình báo chiến lược.
Thời gian làm việc trong chế độ ngụy, Phạm Ngọc Thảo lần lượt là:
- Năm 1956, được phong đại úy, tỉnh trưởng bảo an Vĩnh Long.
- Năm 1957, được đề bạt thiếu tá, thuộc sở nghiên cứu chính trị-xã hội của phủ tổng thống (cơ quan mật vụ của ngụy do bác sĩ Trần Kim Tuyến phụ trách).
- Năm 1958, được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre).
- Cuối năm 1961, do bị nghi ngờ là nội tuyến của Việt Cộng nên địch điều đồng chí đi học nước ngoài, đến giữa năm 1962 về đảm nhiệm chức tham vụ chuyên môn phủ tổng thống.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định quan điểm đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, với ý thức kỷ luật cao, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ tình báo mưu trí, sáng tạo, giành thế chủ động tấn công địch.
Những năm làm tỉnh trưởng, với bình phong bất lợi nhưng đồng chí đã cung cấp được nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu nên đã ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do các cuộc hành quân quy mô lớn của địch gây ra. Lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng, đồng chí đã đẩy được một trung đoàn của sư đoàn bộ binh 3 của ngụy, 5 tiểu đoàn biệt động do địch đưa về đàn áp phong trào du kích Bến Tre ra khỏi tỉnh. Hoặc khi địch mở cuộc hành quân ở khu vực nào đó, đồng chí đã bí mật báo cho lực lượng ta biết để đối phó…
Năm 1965, không may sa vào tay địch, chúng tra tấn đồng chí rất dã man, song không hề lay chuyển được ý chí sắt đá của đồng chí. Cay cú trước khí phách hiên ngang của người cộng sản, địch đã giết hại đồng chí.
Đồng chí Phạm Ngọc Thảo là một cán bộ tình báo chiến lược, được Trung ương trực tiếp chỉ đạo đi sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu của địch. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí đã lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.
Đồng chí đã được truy phong quân hàm Đại tá và được công nhận là liệt sĩ. Đồng chí đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì; Huân chương Chiến thắng hạng hai; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba.
Xét thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 30-8-1995, đồng chí được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.
🌹
Giải mã một vài “khúc quanh”
Phần thông tin chính thức về thành tích hoạt động của Anh hùng Phạm Ngọc Thảo đã trả lời một câu hỏi về “nhiệm vụ đặc biệt” của ông.
Lịch sử tình báo thế giới đã lưu danh rất nhiều điệp viên huyền thoại nhưng nhiệm vụ mà nhà tình báo cách mạng Phạm Ngọc Thảo đã làm đến nay vẫn được coi là “có một không hai”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định: “Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta”. Trong cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”, nhà sử học người Mỹ Larry Berman đã dẫn lời điệp viên Phạm Xuân Ẩn: “Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi. Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định của chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính, còn tôi là một nhà tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều”.
Chính từ những nhận định của các nhân chứng nói trên, đã có những bài báo cho rằng, vì là “nhiệm vụ đặc biệt” nên Phạm Ngọc Thảo không phải khai thác tin tức và thông báo cho ta như những điệp viên khác. Nhưng qua thành tích của ông, như: “Đồng chí đã cung cấp được nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu nên đã ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do các cuộc hành quân quy mô lớn của địch gây ra”, có thể khẳng định, bên cạnh nhiệm vụ đơn tuyến quấy rối hàng ngũ địch, Phạm Ngọc Thảo vẫn làm nhiệm vụ của một nhà tình báo chiến lược là khai thác tin tức tình báo để cung cấp cho ta, giữ vững mối liên hệ với tổ chức dù hoạt động trong lòng địch.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Thảo là tấm gương thầm lặng hy sinh, trung thành với lý tưởng cách mạng đến phút giây cuối cùng. Đối với kẻ thù, khi tra tấn Phạm Ngọc Thảo đến chết, chúng vẫn không hay biết ông là điệp viên cộng sản. Sau ngày 30-4-1975, ông được đồng bào, chiến sĩ cả nước biết đến nhiều hơn sau khi nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) viết tác phẩm “Ván bài lật ngửa” mà Phạm Ngọc Thảo là nguyên mẫu nhân vật chính. Ở trang đầu của tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý viết: “Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng”. Bằng tài năng văn học, nhà văn đã xây dựng nên nhân vật Nguyễn Thành Luân đầy sắc màu huyền thoại, trở thành tác phẩm văn học, điện ảnh có sức sống bền bỉ trong lòng công chúng. Tuy nhiên, theo nhà giáo Chu Tuấn (Học viện Khoa học Quân sự) thì: “Khi xem “Ván bài lật ngửa”, ai cũng thán phục nhân vật Nguyễn Thành Luân; nhưng khi tôi tìm hiểu về cuộc đời Phạm Ngọc Thảo, tôi hiểu rằng, phim ảnh dù có hay đến mấy cũng chỉ mô tả được một phần sự hy sinh thầm lặng mà vô cùng oanh liệt của những chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch”.
Cũng theo nhà giáo Chu Tuấn, năm 1996, ông được giao nhiệm vụ phục hồi, phóng to tấm ảnh Phạm Ngọc Thảo từ một tờ báo của ngụy quyền Sài Gòn đã ố vàng. Tờ báo đó đăng bức ảnh nhỏ một người đàn ông đội mũ lưỡi trai dài (kiểu mũ của lính ngụy Sài Gòn), dưới bức ảnh có dòng chú thích: “Phạm Ngọc Thảo-Cố vấn tôn giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963”. Hồi đó, chưa có máy tính, chưa có phần mềm sửa ảnh photoshop nên việc phục hồi ảnh của Chu Tuấn phải làm bằng phương pháp thủ công. Nhưng bằng tấm lòng mến mộ người điệp viên tài ba Phạm Ngọc Thảo, Chu Tuấn đã hoàn thành việc phục chế bức ảnh. Và đó cũng chính là bức ảnh về Anh hùng Phạm Ngọc Thảo được treo trong Bảo tàng Tổng cục II hiện nay./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét