Phải khẳng định, trong thời đại số, mỗi một phút, một
giờ lại có hàng vạn thông tin được chia sẻ thông qua mạng xã hội và các kênh
giao tiếp văn hóa phi chính thức khác nhau, cho thấy mức độ nhập khẩu văn hóa
không kiểm soát lớn như thế nào.
Không phải tự nhiên chỉ một thời gian ngắn mạng xã hội
phát triển ở nước ta, không ít người giờ đây chỉ yêu thích các sản phẩm văn hóa
từ nước ngoài, biến họ trở nên khác hẳn, sùng ngoại, “đặc sệt” phương Tây, với
đặc trưng là thích quan tâm tới bản thân hơn là chia sẻ với cộng đồng; thích kiểu
ăn mặc khác lạ, lối sống thực dụng chứ không thích lối sống gia đình theo nếp
nhà truyền thống với các giá trị gia đình; tinh thần chia sẻ với xóm làng, cộng
đồng. Nguy hại hơn, họ xa rời trách nhiệm với Tổ quốc, họ trốn tránh nghĩa vụ
công dân, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, đòi hỏi tự do dân chủ một cách vô độ, tuyệt
đối, muốn làm gì thì làm theo kiểu phương Tây.
Những biểu hiện nguy hiểm ấy đang bào mòn chất văn hóa
Việt, khiến họ dần quên đi những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, quên đi
mình là ai. Thật nguy hiểm khi hàng triệu người đang dùng mạng xã hội hay các sản
phẩm văn hóa độc hại đang không nhận ra mình dần bị đồng hóa văn hóa theo “kế
hoạch” đã được tính toán của các nước lớn; các nước phương Tây thông qua chiến
lược “diễn biến hòa bình” và làn sóng xâm lăng văn hóa êm dịu, tĩnh lặng, bất bạo
lực.
Không khó để nhận ra, “kế hoạch” của các thế lực này
đã thành công một phần nào đó. Nhìn các sản phẩm văn hóa trên các trang mạng xã
hội, hay một số trang điện tử, báo điện tử với nội dung đánh vào tâm lý người
Việt trẻ, như scandal của văn nghệ sĩ; những cuộc đấu khẩu, chửi rủa, bạo lực;
cuộc sống của các ca sĩ, ban nhạc nước ngoài, video clip bói toán, dạy nấu ăn,
dạy làm giàu, dạy ứng xử mà cốt truyện, những nhân vật đều thuộc về một quốc
gia khác... Tóm lại, từ việc nhỏ nhất cho đến việc lớn, đều bị văn hóa ngoại
chi phối.
Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo: Không ít giá trị văn
hóa Việt Nam đã và đang bị thay đổi trong đời sống hằng ngày ở từng con người,
mỗi gia đình. Trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều người đã đón nhận những yếu tố
văn hóa ngoại lai một cách không chọn lọc, không biết nhận diện, phân tích và bỏ
đi những cái xấu, cái không phù hợp. Nhiều người khác thì dễ dãi tiếp thu, vay
mượn vốn văn hóa của nước ngoài để giúp mình tưởng như đã đạt tới cột mốc là
công dân văn minh toàn cầu; chăm chăm mượn cái của nước khác, người khác mà tưởng
rằng đó là tiêu chuẩn của giá trị. Họ không hiểu thế nào là tiếp thu những mặt
tích cực; thế nào là bị đồng hóa, bị nô dịch văn hóa.
Như vậy, nhiều người đang tự mình tan ra, dần mất bản
sắc văn hóa dân tộc, bị đồng hóa văn hóa từ chính những biểu hiện trong lối sống,
lối ứng xử, trong cách tiếp nhận và thay đổi quan niệm về giá trị vật chất,
tinh thần họ đang học theo. Nếu “căn bệnh” sùng bái văn hóa ngoại lây lan từ cá
nhân sang gia đình, rồi ra cộng đồng và các tầng lớp xã hội thì lúc đó, xã hội
đã thực sự bị xâm lăng văn hóa. Nỗi lo xâm lăng văn hóa càng được nhân lên khi
internet, mạng xã hội dưới sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...
ngày càng trở nên phổ biến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét