Đứng trước những khó khăn của địa phương, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã tích cực chỉ đạo các đơn vị vừa làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt là các tổ, đội công tác tăng cường xuống địa bàn thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), “4 bám” (bám chính sách, bám đơn vị, bám chính quyền, bám dân), trực tiếp tham gia vận động đồng bào hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ở các xã biên giới thuộc huyện miền núi A Lưới, bước chân của những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh luôn sát cánh cùng đồng bào dân tộc thiểu số bất kể thời gian, không gian để hiểu những khó khăn, thuận lợi của các hộ, mỗi bản, thôn, mỗi xã... Nhiều khi xuống địa bàn, các anh phải để xe máy lại, xắn quần lội qua suối, vác gạo trên vai vượt qua chặng đường lầy lội là chuyện thường ngày; thuộc như lòng bàn tay ngọn nguồn hộ già yếu, neo đơn này hay hộ ốm đau, bệnh tật kia, nhà hư hỏng như thế nào, cần làm cách nào để giúp.
Ngày thứ Bảy, Chủ nhật, người dân ở các xã Lâm Đớt, Đông Sơn, Hương Phong đã quen với hình ảnh người lính Biên phòng về với các thôn, bản làm công tác dân vận giúp bà con. Nhiều năm nay, Chương trình “Ngày về thôn bản” được Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt duy trì thực hiện để giúp đỡ ngày công cho các gia đình khó khăn, neo đơn và hướng dẫn người dân phát triển kinh tế.
Trong đó, thôn A Tin (xã Lâm Đớt) là một địa phương khó khăn của huyện A Lưới, trong những năm qua, bằng cách làm sáng tạo, với mô hình “Ngày về thôn, bản”, Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã tích cực hỗ trợ bà con nhân dân trong thôn thu hoạch mùa màng, tặng mô hình sinh kế, công trình dân sinh, tặng quà cho các em học sinh nghèo...
Để giúp người dân có mô hình sinh kế phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã hỗ trợ con giống cho 13 hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn của thôn A Tin. Không chỉ hỗ trợ con giống, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt còn phân công cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn kỹ thuật. Để các mô hình phát triển bền vững và có hiệu quả thì việc nâng cao nhận thức của người dân là vấn đề then chốt...
Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để lồng ghép, đa dạng các mô hình, giống cây trồng, vật nuôi thành chuỗi sản xuất và đảm bảo đầu ra cho người dân. Từ những hỗ trợ này, đã giúp các gia đình có thêm động lực, hướng đi mới để vươn lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét