Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 gắn liền với vai trò quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây là một tất yếu lịch sử mang tính xu thế thời đại và tiếp biến truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, tạo đột biến chính trị, chấm dứt sự khủng hoảng hệ tư tưởng lãnh đạo!
Đồng thời, mở ra kỷ nguyên tự chủ chính trị theo hệ tư tưởng tiên tiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XX, là cầu nối đưa dân tộc ta bước tới đài vinh quang hôm nay và mai sau.
Kỷ nguyên tìm đường cứu nước mới
Trong chế độ phong kiến ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, gần ta nhất là Trung Quốc, sự tranh giành quyền bính giữa các thế lực phong kiến luôn tạo ra xung lực lôi kéo các giai tầng xã hội bị cuốn vào vòng xoáy thoán đoạt ngôi báu. Việt Nam sau thời Tây Sơn có nhiều tiến bộ, nhưng sự thắng thế của triều Nguyễn lại mang đến nhiều điều bất ổn, gây tổn hại tới tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhìn lại các triều đại phong kiến Đại Việt thời Lý - Trần, tất cả các cuộc kháng chiến vệ quốc đều dựa vào sức mạnh kết nối lòng dân với triều đình. Khởi nghĩa Lam Sơn, nhờ lòng dân “bốn phương manh lệ” hướng về minh chủ Lê Lợi giương cờ nghĩa ở Lam Sơn, nên đã "bình Ngô" toàn thắng. Phong trào nông dân Tây Sơn vừa cùng lúc đánh đổ Vua Lê - chúa Trịnh cát cứ, vừa đánh tan quân Xiêm và quân Thanh xâm lược, dựng nên triều Tây Sơn với nhiều chính sách canh tân tiến bộ, thể hiện khát vọng tự chủ, tự lực, tự cường.
Song đáng tiếc là do Quang Trung - Nguyễn Huệ mất sớm, nên Nguyễn Ánh dựa vào sự trợ giúp của thực dân phương Tây, trực tiếp là Pháp, đã lật đổ triều Tây Sơn. Cuộc thanh trừng khốc liệt của triều Nguyễn đối với triều Tây Sơn mang lại sự khôi phục và củng cố quyền lực cho triều Nguyễn, đồng thời phá rào đưa thực dân phương Tây vào xâm lược, đặt ách đô hộ dân tộc ta. Điểm khác của triều Nguyễn so với các vương triều phong kiến tự chủ trước đây là bị phân chia nội lực ngay trong tầng lớp vương triều quý tộc, triều Nguyễn còn mang nặng tâm lý ám ảnh từ phong trào Tây Sơn, nên “sợ dân hơn sợ giặc” ...
Chưa kể, ngay trong triều đình còn phát sinh thành 2 phái chủ chiến và chủ hòa đối với thực dân Pháp. Thành ra, trong lòng xã hội Việt Nam thời Nguyễn, cùng lúc tồn tại nhiều mâu thuẫn, nổi lên là mâu thuẫn dân tộc, là mẫu số chung đòi hỏi mọi giai tầng phải cùng nhau hợp sức mới giải quyết được. Sự xói mòn kết cấu xã hội đã trực tiếp phá vỡ giềng mối kết nối sức mạnh dân tộc trước yêu cầu lịch sử phải giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Song điều đáng nói là sự hỗn dung bởi các luồng tư tưởng khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, như: Tư tưởng phong kiến vốn ăn sâu ngàn đời trong lòng xã hội Việt Nam; tư tưởng tư sản mới manh nha du nhập vào Việt Nam theo hình thức áp đặt bởi kẻ cướp nước; tư tưởng trung quân ái quốc không phùng thời giữa người nắm quyền bính với người phục vụ bộ máy nhà nước phong kiến thực dân; tư tưởng nông dân với những hạn hẹp tư duy chiến lược không thể trở thành lực lượng dẫn đường tranh đấu chống thực dân, càng không thể lật đổ phong kiến.
Những mối tương phản tư tưởng như vậy trong lòng xã hội Việt Nam được phản ánh qua hàng loạt sự kiện, phong trào chống Pháp, kháng triều đình, kéo dài suốt nửa thế kỷ XIX, tới đầu thế kỷ XX, trải rộng hầu khắp mọi miền đất nước. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất càng khoét sâu các mâu thuẫn trong lòng xã hội Việt Nam, chưa kể về mặt hành chính và quyền lực chính trị cũng bị thực dân Pháp chia làm 3 kỳ, triều đình Huế chỉ còn lại thân phận “vua là tượng gỗ”, trực tiếp cai trị xứ Trung Kỳ để duy trì quyền lực, bóc lột người nông dân.
Sự kiện ngày 5-6-1911 (từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên con tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước) đánh dấu khởi đầu một kỷ nguyên mới cho lịch sử nước ta, đó là kỷ nguyên tìm đường cứu nước mới.
Trước và cùng thời với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, có nhiều người yêu nước vật vã với nỗi đau mất nước, xả thân cứu nước, rơi vào ngõ cụt lịch sử, nên đành phải tha hương tìm con đường cứu nước mới, dù trong tâm trí họ chưa biết con đường cứu nước mới ở đâu, là gì, làm thế nào tìm kiếm được.
Nguyễn Tất Thành đã có xuất phát điểm khác với thế hệ cha anh, không bị đắm chìm trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang do văn thân sĩ phu yêu nước lãnh đạo, hoặc do nông dân nổi lên, cũng chẳng bị cuốn hút bởi khởi nghĩa do những người theo hệ tư tưởng tư sản lãnh đạo, hay phong trào đấu tranh dân chủ theo khuynh hướng tư sản. Hệ tư tưởng phong kiến đã hết thời, hệ tư tưởng tư sản lại đang phơi bày bản chất phục vụ cho chủ nghĩa thực dân áp bức, bóc lột, nô dịch dân tộc.
Với tầm nhìn thoát ra khỏi hệ tư tưởng phong kiến, vượt lên hệ tư tưởng tư sản, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tự mở ra cơ hội lịch sử cho mình được tiếp cận luồng tư tưởng tiên tiến, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là ngẫu nhiên, mà là lô gíc lịch sử. Giữa ngã ba đường lịch sử, có 2 đường dẫn đến ngõ cụt, còn một ngả đường phía trước mang ẩn số thời đại, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tự mình đoạn tuyệt 2 ngõ cụt, chỉ giữ lại truyền thống yêu nước, thương nòi, tự tin, tự chủ dấn thân vào cuộc hành trình 30 năm tìm chân lý thời đại.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra phương pháp tiếp cận mới về đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, gắn kết cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Nhờ có tầm tư duy xuất chúng và sự trải nghiệm trong phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã tự nâng tầm vóc của mình, qua đó nâng cao sứ mệnh lịch sử cho những người yêu nước tinh hoa đang hoạt động ở nước ngoài và ở trong nước.
Từ năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), thông qua các lớp huấn luyện cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gieo những hạt giống đỏ đầu tiên, từ đó tạo lan tỏa chính trị trong phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở Việt Nam. Dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, đòi hỏi phải có một tổ chức cộng sản chân chính, thống nhất vai trò lãnh đạo cách mạng nước nhà đi đúng hướng, tránh phân chia, cát cứ.
Tầm nhìn chiến lược và sách lược đi trước thời đại
Sự kiện ngày 3-2-1930 (với sự hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, sau đó 3 tuần lễ, Đông Dương Cộng sản liên đoàn cũng xin gia nhập), thực sự đã tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt lịch sử, tránh được nguy cơ tranh giành quyền lãnh đạo, đồng thời đặt tiền đề thống nhất lực lượng lãnh đạo tối cao, đường lối chính trị tối cao, mục tiêu chính trị tối thượng.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam hội tụ những hạt nhân cho đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó máu thịt giữa Đảng với quần chúng cách mạng và người dân còn có tinh thần dân tộc. Vũ khí tư tưởng là sức mạnh vô hình, vì nhờ có thứ vũ khí ấy mà người dân yêu nước Việt Nam tự tin, tự lực, tự cường, làm chủ vận mệnh tương lai chính mình và cho dân tộc mình.
Toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam từ ngày 3-2-1930 đến nay được tiến triển đúng quỹ đạo lịch sử do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt tiền đề, dựa vào những nhân tố cốt lõi như nền tảng tư tưởng cách mạng, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, nguyên tắc hoạt động của Đảng, đặc biệt là mục tiêu tối thượng của Đảng. Một điểm đáng lưu ý nữa là, trong khi các đảng phái chính trị trên thế giới có xu hướng chia rẽ thành các nhánh, thậm chí hình thành đảng phái đối lập nhau, thì ở Việt Nam lại theo xu hướng hội tụ lực lượng tinh hoa, thống nhất lực lượng, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đủ sức đạp bằng chông gai, vượt qua thách thức thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tưởng: “Lúc đó chỉ có một nhóm nhỏ con con đồng chí. Số người tuy ít nhưng lòng kiên quyết rất to, nhưng hy vọng chắc chắn rất to. Tuy số người con con nhưng đã tin tưởng Đảng sẽ giải phóng dân tộc và giúp vào cuộc giải phóng thế giới”.
Nhìn lại lịch sử chính trị của Việt Nam hơn 100 năm kể từ khi Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước đến nay, hoàn toàn có thể khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là con nòi dân tộc, được một vị Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa lớn của thời đại chuẩn bị điều kiện về hệ tư tưởng, về tổ chức, về hạt giống đỏ, về tầm nhìn chiến lược và sách lược đi trước thời đại.
Sau khi Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, gắn Đảng ta với phong trào cách mạng trong nước và thế giới, làm cho Đảng ta ngày càng thực sự là giá trị của đạo đức, văn minh. Sau khi mất, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn ngày càng soi rọi cho Đảng ta noi gương, làm theo. Những giá trị văn hóa chính trị cao đẹp của Đảng ta là sự thẩm thấu, phản chiếu giá trị văn hóa tương lai toát lên từ Nguyễn Ái Quốc, được Ôxíp Manđenxtam - nhà báo, nhà thơ Xô Viết dự đoán chính xác hơn 100 năm trước.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, chắc chắn những giá trị văn hóa chính trị cao đẹp, thấm đẫm tình người, tình đời của Hồ Chí Minh còn tiếp tục soi rọi lương tri, phẩm giá cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trên đường bắt kịp và sánh vai với các cường quốc năm châu./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét