GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ NHÂN VĂN VỀ NGHĨA VỤ QUỐC TẾ CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM Ở CAMPUCHIA
10 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia đã để lại trong ký ức của mỗi chúng ta niềm tự hào lớn lao về sự góp sức để hồi sinh một dân tộc sau thảm họa diệt chủng. Niềm tự hào ấy, vượt hẳn niềm vui chiến thắng trong một cuộc chiến tranh. Ở đây không chỉ làm tan rã một đội quân, một chế độ phản động chống lại loài người, mà là góp phần hồi sinh một dân tộc tưởng chừng mất đi khỏi cộng đồng thế giới. Đề cập đến ý nghĩa này khi chúng ta tận mắt chứng kiến một đất nước Campuchia đang phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần xứng đáng vào việc hợp tác, cùng phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong di huấn đề cập về nghĩa vụ quốc tế của nhân dân ta. Bác Hồ đã nói: Giúp bạn là tự giúp mình. Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, chúng ta đã có một đường biên giới, một nước bạn láng giềng cùng sống trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Đây là cơ sở tiền đề cho một nền hòa bình bền vững, để nhân dân ta có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện thành công đường lối đổi mới, đưa đất nước ta phát triển như ngày hôm nay, với vị trí, tầm ảnh hưởng của một đối tác tin cậy có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới đặc biệt là các nước láng giềng.
Ngày nay, thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, hai bên cùng có lợi. Nhưng từ kinh nghiệm lịch sử, chúng ta phải hết sức cảnh giác đề phòng những “rủi ro” có thể xảy ra. Để tiếp tục vun đắp, tô thắm tình hữu nghị đoàn kết 2 nước Việt Nam - Campuchia, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị của nhau, cùng có lợi. Quan tâm đến lợi ích chính đáng trên cơ sở truyền thống hữu nghị, hợp tác của 2 dân tộc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, phải chủ động phối hợp đấu tranh chống các thế lực thù địch gây chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 dân tộc, mà luận điệu lâu nay của họ là vấn đề lãnh thổ, một thủ đoạn chính trị nhằm mị dân lôi kéo các tầng lớp nhân dân đặc biệt là giới trẻ đứng về phía họ.
Đặc biệt, vào tháng 5-2022, Bộ quốc phòng Việt Nam và Bộ quốc phòng Campuchia lần đầu tiên tổ chức chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt Nam - Campuchia. Sự kiện này mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong trụ cột hợp tác an ninh - quốc phòng giữa 2 nước… Lịch sử đã chứng minh mối quan hệ Việt Nam - Campuchia đã trở thành vận mệnh sống còn đối với 2 dân tộc.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phan Văn Giang đã phát biểu với giới trẻ Campuchia: “… Thế hệ trẻ 2 nước được sinh ra khi 2 nước đã hoàn toàn giải phóng, được sống trong hoà bình, độc lập, được học tập, cống hiến và trưởng thành, mong rằng các cháu sẽ cố gắng học tập, đạt được nhiều thành tích, phấn đấu xây dựng đất nước Chùa tháp ngày càng phát triển tươi đẹp và cùng các bạn trẻ Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước…”. Đây cũng là điều chúng ta cần suy ngẫm thật sâu sắc cho hiện nay và mãi mãi sau này.
Rõ ràng, những vấn đề trên cần được chú trọng tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, các bạn trẻ, thế hệ tương lai, là những nguồn lực quý giá tiêu biểu cho tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia, góp phần xây dựng đất nước của 2 dân tộc chúng ta mãi mãi được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc./.
TÂY NAM BỘ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét