Kỷ nguyên số và Nghị quyết 57:
Bản đồ chiến lược cho Việt Nam vươn tầm thế giới
I. MỞ ĐẦU
Trong vòng một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến quá trình chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mạnh mẽ, kéo theo sự phát triển đột phá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) và những thành tựu của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Những thành tựu trong công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) không chỉ định hình lại cấu trúc kinh tế - xã hội, mà còn tác động sâu sắc tới các mô hình quản trị công và hoạt động doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải xác lập các chiến lược hiệu quả để nắm bắt vận hội phát triển.
Với vai trò là những người đang trực tiếp hoạt động và quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực công nghệ, quản trị và chính sách công, chúng tôi nhận thấy Nghị quyết số 57-NQ/TW (22/12/2024) (sau đây gọi là Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị là một bước ngoặt quan trọng. Nghị quyết hướng tới đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Theo tinh thần Nghị quyết, khoa học – công nghệ – ĐMST và CĐS được xem là “xương sống” của công cuộc hiện đại hóa, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết 57 nhấn mạnh:
- Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “đột phá quan trọng hàng đầu”, thúc đẩy năng suất lao động, đóng góp tối thiểu 55% GDP qua năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
- Đến năm 2045, Việt Nam hướng tới việc “trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực”, với năng lực cạnh tranh số thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Chuyển đổi số đã được nhận thức đúng bản chất, vị trí và vai trò như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong bài phát biểu của mình ngày 2/9/2024 là “một phương thức phát triển mới – phương thức phát triển số”. Chuyển đổi số, như vậy không phải là một dự án công nghệ ICT, cũng không phải là chỉ là áp dụng công nghệ số. Trong vai trò là một phương thức phát triển mới, tiến trình chuyển đổi số đòi hỏi một nền tảng tư duy phức hợp (complex) đi cùng với một hệ thống lý luận mang tính nền tảng để kiến tạo nên kiến trúc thượng tầng, phù hợp với quan hệ sản xuất mới và lực lượng sản xuất mới.
Từ thực tiễn đã chỉ ra rằng để Nghị quyết 57 được triển khai hiệu quả, cần một kiến trúc tổng thể để hoạch định tổng thể tiến trình tổ chức triển khai, đi cùng với đó là một cơ chế phối hợp đồng bộ để triển khai và một ngôn ngữ chung để cộng hưởng hiệu quả. Phương thức CSCI (CSCI Way- Complex of Strategy, Communications and Investment Way) là một nền tảng tư duy phức hợp (complex thinking) có thể tạo nên sự chuẩn hóa, giúp hình thành nên một kiến trúc tổng thể cho Nghị quyết 57 trong việc tổ chức triển khai một cách có hệ thống, cho phép hình thành nên một cơ chế nền tảng (platform mechanism) tạo ra sự đồng bộ, đồng thời, cho các bên liên quan đồng hành động, đồng tư duy, và cũng cho phép hình thành nên một ngôn ngữ chung dựa trên Kiến trúc dữ liệu nền tảng (data platform archieture) thông qua dữ liệu hình thành một cơ chế ra quyết định (decision-making mechanism) thống nhất dựa trên một “ngôn ngữ chung”, tạo nên sự cộng hưởng hiệu quả của các dự án, hoạt động.
Để góp phần đưa Nghị quyết 57 đi vào thực tiễn một cách hiệu lực, hiệu quả và nhanh chóng, chúng tôi thông qua Phương thức CSCI (CSCI Way) gợi mở những cách tiếp cận, những hướng triển khai trong thực tiễn tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam. Dựa trên những đề xuất, phân tích và những đánh giá, đi cùng với những dẫn chứng và ví dụ thực tế được lồng ghép, quý độc giả sẽ có cái nhìn rõ hơn về tiến trình chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo, cũng như cách thức để từng bước hiện thực hóa tầm nhìn “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045. Trước hết, chúng ta hãy cùng nhìn lại những điểm cốt lõi của Nghị quyết 57 – đưa khoa học-công nghệ thực sự là động lực mang tính nền tảng cho sự phát triển và tạo ra những đột phá công nghệ thông qua tiến trình chuyển đổi số trong những thập niên tới.
II. KHÁI QUÁT VỀ NGHỊ QUYẾT 57-NQ/TW
Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành vào ngày 22/12/2024 trong bối cảnh thế giới tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ sang kỷ nguyên số, trong đó khoa học-công nghệ đóng vai trò nền tảng và động lực, đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột dẫn động và tiến trình chuyển đổi số đang tạo nên những bước chuyển mang tính đột phá và định hình sự phát triển của một xã hội tương lai. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 cũng đã khẳng định rõ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam.
Nhận thức được giai đoạn hiện nay cho đến 2030 là giai đoạn có những bước chuyển lớn của trật tự chính trị-kinh tế toàn cầu, định hình nên trật tự toàn cầu mới, trong đó trật tự tài chính toàn cầu mới là trung tâm của công cuộc chuyển đổi mang tính thế kỷ của toàn cầu trong những thập niên đầu thế kỷ XXI này, đồng thời Việt Nam cũng đang có những cơ hội “vô tiền khoáng hậu” để nắm bắt thời cơ “vươn mình” trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, Việt Nam cần phải làm chủ tiến trình chuyển đổi số dựa trên sự phát triển của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để có thể làm chủ tiến trình chuyển đổi số, cần phải có một quyết tâm chính trị để Việt Nam đưa tiến trình chuyển đổi số thực sự trở thành một phương thức phát triển mới cho mình, tạo ra sự đột phá về cách thức phát triển, chuyển mô hình tăng trưởng/phát triển từ dựa trên chiều rộng sang chiều sâu. Phương thức phát triển mới này sẽ tạo ra những sự đột phá về giá trị để tạo nên sự đột phá năng suất, cách thức duy nhất để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và cho phép Việt Nam có được cơ hội tăng trưởng trên 10% trong những năm tới.
Thông qua những kỳ vọng mà Nghị quyết 57 đặt ra, chúng ta sẽ có cơ sở để hình thành nên một nền kinh tế số dựa trên việc chuyển đổi các quan hệ sản xuất truyền thống với những hình thái tổ chức truyền thống, sang một quan hệ sản xuất mới kết hợp/phức hợp giữa truyền thống và số (digital), mà trong đó số (digital) là một tồn tại thực tại mới, cho phép mở rộng không-thời gian, đồng thời kiến tạo nên những lực lượng sản xuất mới dựa trên sự chia sẻ (sharing) và hội tụ (convergence) cho phép tạo nên sự khớp nối (matching) hiệu quả các nguồn lực tự nhiên-xã hội, hình thành nên những tài nguyên mới.
Về bản chất, chúng ta có thể thấy rõ, cải cách hành chính, cải cách thể chế chính là những nền tảng quan trọng mà hệ thống công vụ, hệ thống chính trị cần phải thực hiện để chuyển hóa thành những điều kiện cần, cho phép nền kinh tế chuyển đổi như những điều kiện đủ, góp phần tạo nên những đột phá tăng trưởng. Tiến trình chuyển đổi số, trong vai trò một phương thức phát triển cũng là một hình thái kinh tế-chính trị. Theo đó chính trị đặt tiền đề cho sự phát triển của kinh tế, trong một mối quan hệ biện chứng chặt chẽ của hai mặt của “đồng xu phát triển”.
Cải cách hành chính, cải cách thể chế chính là những nền tảng quan trọng để chuyển hóa thành những điều kiện cần, cho phép nền kinh tế chuyển đổi như những điều kiện đủ.
Điều đó cũng có thể thấy rõ, sau khi được gọi là một phương thức phát triển mới, tiến trình chuyển đổi số đã được thúc đẩy cùng với việc định hình “kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam trong hai thập niên tới, cùng với đó là một công cuộc cách mạng tinh gọn “nhanh-gọn-hiệu quả” bộ máy chính trị, công vụ, cùng các tổ chức đoàn thể, từ trung ương đến địa phương. Đó chính là những nền tảng chính trị quan trọng cho những tiền đề phát triển kinh tế mới, mà phương thức sản xuất mới cần có.
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo, đồng thời kinh tế số chiếm tỉ trọng tối thiểu 30% GDP. Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cần đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế, trong khi hệ thống khoa học và công nghệ phải đạt mức tiên tiến trong nhiều lĩnh vực quan trọng (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2023). Tầm nhìn 2045 của Nghị quyết thậm chí còn tham vọng hơn, nhắm tới việc đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao, sở hữu những doanh nghiệp công nghệ số tầm cỡ toàn cầu và đóng vai trò là trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, Nghị quyết 57 nêu rõ nhiều trọng tâm hành động, trong đó nổi bật là yêu cầu hoàn thiện thể chế nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thông thoáng, phù hợp với bản chất “thay đổi liên tục” của công nghệ (Thủ tướng Chính phủ, 2021). Về hạ tầng, việc đẩy mạnh đầu tư cho mạng viễn thông thế hệ mới (5G/6G), trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây được coi là điều kiện tiên quyết. Cùng với đó, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI, Big Data, công nghệ bán dẫn, năng lượng sạch... là nhiệm vụ lâu dài. Quan điểm “mở cửa” và tăng cường hợp tác quốc tế cũng được nhấn mạnh, thông qua kêu gọi doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn công nghệ nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động R&D tại Việt Nam, kết hợp cơ chế đặt hàng hoặc hợp tác công – tư (PPP) để tối ưu nguồn lực (Ban Cơ yếu Chính phủ, 2022).
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, nhận thức của xã hội về tiến trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế và chưa đồng đều, thiếu tư duy dài hạn. Mặt khác, thể chế hiện hành chưa theo kịp sự bùng nổ của các mô hình công nghệ mới, khiến không ít doanh nghiệp “chùn bước” khi thử nghiệm hoặc đưa sản phẩm ra thị trường. Ở chiều ngược lại, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực sẵn sàng đảm nhận vai trò “tổng công trình sư” dẫn dắt dự án chiến lược, cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế số (World Bank, 2023). Việc phát triển hạ tầng số vẫn chưa đồng bộ tại nhiều địa phương, dẫn đến khoảng cách chênh lệch giữa các vùng.
Những yêu cầu cấp thiết này đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính liên ngành, đa chiều, nơi các chủ thể từ trung ương tới địa phương, từ khu vực công tới khu vực tư nhân có thể “nói chung một ngôn ngữ”, cùng chia sẻ lợi ích và cộng hưởng hiệu trong hệ sinh thái số. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần chuyển dịch hình thái tổ chức của các chính các tổ chức, của các cộng đồng, của xã hội từ các mô hình thứ bậc (hierarchy) truyền thống sang mô hình ngang hàng (heterarchy) với nền tảng (platform) là kiến trúc chủ đạo trong một xã hội mạng lưới (network society). Mỗi tổ chức, mỗi địa phương, mỗi khu vực... trở thành những hệ thống (system) trong một hệ thống (systems in system) và gắn kết với nhau như những hệ thống của các hệ thống (system of systems), đan kết thành những mạng lưới đồng tư duy, đồng hành động, đồng hệ quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét