Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Nghệ thuật chọn thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng trong cao trào giải phóng dân tộc

 

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao cuộc kháng chiến chống xâm lược với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần và giành được những thắng lợi vẻ vang. Những thắng lợi đó là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có thành công của nghệ thuật chọn “thời cơ” khởi nghĩa.

Thời cơ là tình thế xuất hiện trong thời điểm nhất định, có lợi nhất cho việc chủ động phát huy mọi sức mạnh để giành thắng lợi; là sự kết hợp hàng loạt nhân tố chủ quan và khách quan khi điều kiện đã chín muồi.

Thời cơ có thể do thực lực cách mạng trong nước tạo ra, cũng có thể do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến. Nếu không có thực lực cách mạng đến mức đủ mạnh, thì không thể tạo ra được thời cơ và khi thời cơ đến, sẽ không kịp thời tận dụng hiệu quả.

Theo lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thời cơ nổi dậy của quần chúng giành chính quyền về tay mình là lúc xảy ra khủng hoảng của giai cấp thống trị về kinh tế, chính trị, xã hội; quần chúng nhân dân và đội tiền phong sẵn sàng hành động; các lực lượng trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng.

Cách mạng vô sản Pháp và Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đã nổ ra và thắng lợi trong thời cơ đó. Khẳng định tầm quan trọng đặc biệt và chỉ đạo việc chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 24-10 (6-11-1917), V. I. Lênin viết: “Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ; vì để đến ngày mai, không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả” [1].

Vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam, bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo mọi mặt cả về vật chất lẫn tinh thần cho phong trào cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất coi trọng vấn đề thời cơ. Vai trò to lớn của vấn đề thời cơ được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bài thơ “Học đánh cờ”: “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công” [2].

Vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin về khởi nghĩa vũ trang và tình thế cách mạng, trong tác phẩm "Con đường giải phóng", Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 3 điều kiện của thời cơ khởi nghĩa: Một là, chính quyền thực dân, đế quốc đã lung lay, bối rối đến cao độ, chúng đã cảm thấy không thể nào ngồi yên giữ địa vị của chúng như trước. Hai là, quần chúng nhân dân đói khổ đã căm thù thực dân, đế quốc đến cực điểm, đã thấy cần phải đồng tâm hiệp lực, nổi dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc thực dân, vì mọi người hiểu rằng nếu ngồi yên cũng chết. Ba là, đã có một chính đảng cách mạng đủ sức tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa theo một đường lối đúng đắn, một kế hoạch phù hợp, bảo đảm giành thắng lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Thực tiễn quá trình lãnh đạo cao trào giải phóng dân tộc, giành chính quyền (giai đoạn 1939-1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự kiến thời cơ, tạo thời cơ, chọn thời cơ và hạ quyết tâm khởi nghĩa hoàn toàn chính xác.

Quá trình lựa chọn đó trở thành nghệ thuật tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ những quyết định tài tình đó đã dẫn tới thắng lợi nhanh chóng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi ấy cũng minh chứng cho bản lĩnh và trí tuệ của Ðảng, đã lựa chọn đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn với tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén, nắm bắt và chớp đúng thời cơ để khởi nghĩa thành công.

Nhận thức sâu sắc về vấn đề thời cơ cách mạng, nó không tự đến, nó phụ thuộc vào nhân tố chủ quan và khách quan. Chính vì vậy, ngay từ khi lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta đã chú trọng lãnh đạo xây dựng lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa, thúc đẩy thời cơ chín muồi. Luận cương Chính trị tháng 10-1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã chỉ rõ điều kiện để khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi, trong đó nêu rõ tình thế và thời cơ cách mạng.

Khi chưa có tình thế cách mạng, thì đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, nêu khẩu hiệu đấu tranh phần ít” (tăng lương, giảm giờ làm, chống các loại thuế vô lý), qua đó mà tập hợp, tổ chức, giáo dục quần chúng và rèn luyện Đảng. Khi có tình thế cách mạng, thì tiến hành khởi nghĩa vũ trang, lật đổ chính quyền phản động, lập chính quyền cách mạng. Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền phải theo “khuôn phép nhà binh”. Khởi nghĩa vũ trang quần chúng trong khuôn khổ tình thế cách mạng và theo quy luật đấu tranh cách mạng, đó là phải chuẩn bị qua một quá trình lâu dài; phải dựa trên một cao trào cách mạng của quần chúng, phải nổ ra đúng thời cơ.

Trước tình hình cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai ngày càng lan rộng và trở nên khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941). Trung ương Đảng nhận định và dự đoán: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công” [3].

Đây là một bước cụ thể hóa thêm những dự đoán của Đảng ta về thời cơ của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) đã chủ trương tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm tập hợp tất cả mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mọi đảng phái, mọi thành phần dân tộc, mọi cá nhân, tất cả những ai có tinh thần cách mạng, yêu nước, đấu tranh chống đế quốc Pháp, phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai. Hội nghị còn cho rằng, khi thời cơ đến thì “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi, mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn” [4].

Để chuẩn bị cho khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi, ngày 19-5-1941, Đảng ta chỉ thị thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm quy tụ mọi giai cấp, tầng lớp cùng đoàn kết lại thông qua các hội: Nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc... tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc rộng rãi, vững chắc.

Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị Sửa soạn khởi nghĩa. Chỉ thị nhận định, thời cơ hết sức thuận lợi cho nhân dân ta giành chính quyền sắp tới. “Song thời cơ không phải tự nó đến, một phần lớn do ta sửa soạn nó, thúc đẩy nó”. Vì vậy, phải tìm mọi cách đẩy mạnh cao trào cứu nước, đưa quần chúng từ cuộc đấu tranh giành quyền sống hàng ngày (chống thu thóc, chống phá màu, trồng đay, cướp đất, tăng thuế...) tiến lên đấu tranh giành chính quyền.

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn vấn đề thời cơ, tháng 10-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định hoãn phát động chiến tranh du kích trên toàn địa bàn Cao - Bắc - Lạng của Liên tỉnh ủy, vì điều kiện cho cuộc phát động với quy mô như thế chưa chín muồi. Đây là một quyết định sáng suốt và hoàn toàn chính xác, nên đã tránh cho Cao - Bắc - Lạng những tổn thất lớn. Cũng thời điểm này, trong Thư kêu gọi đồng bào toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh” [5].

Giữa lúc quân Nhật nổ súng đánh quân Pháp ở Đông Dương, đêm 9-3-1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã dự đoán sự thất bại của quân đội Pháp, sự thắng lợi tạm thời của quân đội Nhật. Hội nghị nhận định, do cuộc đảo chính diễn ra quá nhanh, các tầng lớp trung gian chưa ngả hẳn về cách mạng, đội tiên phong còn đang lúng túng về chuẩn bị khởi nghĩa, cho nên điều kiện khởi nghĩa lúc đó chưa chín muồi.

Nhưng cuộc đảo chính đã tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho các điều kiện của cuộc khởi nghĩa đang đi tới chín muồi nhanh chóng. Nhận thấy thời cơ khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện, Đảng chủ trương “Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”.

Ngay sau khi đánh bại phát xít Đức, ngày 9-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và đã tiêu diệt 1 triệu quân Quan Đông thiện chiến nhất của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc và miền Bắc Triều Tiên, buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện, khiến quân Nhật ở Đông Dương mất tinh thần, hoang mang, rệu rã. Ở trong nước, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tê liệt hoàn toàn từ trên xuống dưới. Tin Nhật đầu hàng đã truyền đi khắp nước, thổi bùng ngọn lửa cách mạng lên cao chưa từng thấy trong các tầng lớp nhân dân, ở tất cả các địa phương.

Mặt trận Việt Minh thu hút hàng triệu hội viên và hàng triệu người ủng hộ Việt Minh. Các tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Khắp các tỉnh trong toàn quốc, những cuộc mít tinh, biểu tình thị uy vũ trang do Việt Minh tổ chức có hàng nghìn, hàng vạn người tham gia, diễn ra trước mắt quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn. Binh lính Việt, lính bảo an và cảnh sát tỏ thái độ ủng hộ cách mạng. Quân đội Nhật tê liệt trước sức mạnh của làn sóng cách mạng.

Tình hình trên chứng tỏ tình thế cách mạng trực tiếp đã chín muồi, những điều kiện khách quan và chủ quan đã đủ. Thời cơ cách mạng ngàn năm có một đã đến. Trách nhiệm lịch sử của Đảng ta lúc này là lãnh đạo nhân dân nắm chắc thời cơ chiến lược, nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đã nhận định: “Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ... toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa, giành quyền độc lập. Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi. Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” [6].

Đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp phụ trách. Ngay trong đêm hôm đó (lúc 23 giờ), Ủy ban khởi nghĩa, theo chủ trương của Đảng, đã ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay sau đó, trong Đại hội quốc dân, Đảng đã đưa ra chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy, tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng ở địa vị làm chủ nước mình mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương.

Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi đồng bào, các đoàn thể cứu quốc, cán bộ và chiến sĩ cả nước nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà đã khơi nguồn tự giải phóng cho ta” [7].

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, chỉ trong nửa cuối tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã kịp thời nắm lấy thời cơ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước. Nắm chắc cơ hội, kiên quyết hành động, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành lại được độc lập cho dân tộc.

Bản lĩnh và tài nghệ lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo trong thắng lợi lịch sử của cao trào giải phóng dân tộc, được chứng minh bằng nghệ thuật chớp thời cơ. Nghệ thuật đó được biểu hiện tập trung trong việc dự đoán xu thế phát triển của tình hình và xác định đúng thời điểm phát xít Nhật đầu hàng để phát động Tổng khởi nghĩa.

Việc chọn đúng thời điểm để kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa xuất phát từ thực lực của lực lượng cách mạng Việt Nam đã được dày công chuẩn bị, từ tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” và sự nhạy bén, sáng tạo, kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi.

Trong tất cả các cuộc cách mạng, đặc biệt là cách mạng giải phóng dân tộc, vấn đề xác định thời cơ để phát động khởi nghĩa là yếu tố hết sức quan trọng, thậm chí có thể coi là yếu tố quyết định sự thành bại. Dưới sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính và một lãnh tụ thiên tài, nhân dân Việt Nam đã đón đúng và tận dụng triệt để thời cơ lịch sử.

Với lực lượng nhân dân đông đảo được tập hợp, tổ chức chặt chẽ, được từng bước rèn luyện qua những phong trào đấu tranh cách mạng, thực hiện tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn của một lãnh tụ dẫn đường xuất sắc, nhân dân Việt Nam đã đứng lên tự giải phóng, không chờ đợi một “khoảng trống quyền lực” hay một khoảng “chân không chính trị”.

Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay. Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.  [8]

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét