Hiện là thời điểm các cấp ủy, tổ chức đảng từ cơ sở đến Ban Chấp hành Trung ương đang có những bước chuẩn bị quan trọng cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Trung ương đó là văn kiện
trình đại hội đảng các cấp (nghị quyết) phải bám sát hơi thở cuộc sống, ngắn gọn,
dễ nhớ, dễ thực hiện. Trung ương nhấn mạnh, hạn chế tối đa việc phải tiếp tục
ban hành các nghị quyết, chỉ thị tiếp theo để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV.
Nghị quyết phải là sách giáo khoa, là từ điển
Lâu nay vẫn có thực trạng: Nghị quyết quá dài, ôm đồm nội
dung, xác định nhiều mục tiêu, chỉ tiêu nhưng vấn đề quan trọng là giải pháp,
nguồn lực, kế hoạch để thực hiện lại chưa thực sự được chú trọng. Những nghị
quyết được xây dựng mà không bám sát thực tiễn, không phản ánh hơi thở cuộc sống
thường không đủ cơ sở để thực hiện. Trong thực tiễn đã có những nghị quyết như
vậy. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) đề ra mục tiêu: “Từ nay đến
năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”.
Tuy nhiên, đến năm 2016, Đại hội XII của Đảng đánh giá đến năm 2020, nước ta
chưa thể trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nên đã điều chỉnh lại mục
tiêu thành “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại”. Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình đề ra mục tiêu ở Đại hội VIII là
chưa đánh giá đúng tình hình, nhất là nền tảng, nguồn lực để thực hiện còn yếu,
điểm xuất phát thấp.
Đối với công tác chuẩn bị văn kiện trình Đại hội XIV lần
này, trong các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương đều
toát lên tinh thần: Văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống, ngắn gọn, dễ nhớ,
dễ thực hiện. Văn kiện phải trở thành "sách giáo khoa", thành "từ
điển" để khi cần thì tra vào đó và sẽ thấy ngay "ánh sáng soi đường".
Theo Quy định số 66-QĐ/TW ngày 6-2-2017 của Ban Bí thư Trung
ương Đảng khóa XII “Về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng”
thì “Nghị quyết là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại hội, hội
nghị cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ
trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể”. Quá trình chuẩn bị các
văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng được Trung ương xây dựng công phu, kỹ càng,
khoa học, bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo
xây dựng Đảng và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới.
Chỉ đạo của Trung ương, văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống,
ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đây là vấn đề xuất phát từ chính thực tiễn quá
trình thực hiện để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Điều hiển nhiên, nếu nghị quyết
dài sẽ khiến đảng viên không nhớ hết các nội dung, gây khó cho học tập, nghiên
cứu, quán triệt, không xác định được các trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo và
thực hiện. Trong lịch sử, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ban hành những
Cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quyết định rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ
nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Điển hình như Chánh cương vắn tắt, Sách
lược vắn tắt của Đảng (1930); Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943...
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, đòi hỏi đại hội đảng các cấp
từ chi bộ trở lên phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, thảo
luận, đóng góp Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIV, đặc biệt là về tầm nhìn
và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước. Những vấn đề được góp ý, thảo luận
phải xuất phát từ thực tiễn, từ thực tiễn đặt ra cần thúc đẩy phát triển, tháo
gỡ vướng mắc trong thực tiễn. Đó là những vấn đề mang hơi thở cuộc sống, được mọi
cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm, có ảnh hưởng thiết thực đến đời sống xã hội,
đến sự phát triển của đất nước.
Một tinh thần rất mới trong chỉ đạo của Trung ương: Văn kiện
phải trở thành "sách giáo khoa", thành "từ điển" để khi cần
thì tra vào đó và sẽ thấy ngay "ánh sáng soi đường". Hạn chế tối đa
việc phải tiếp tục ban hành các nghị quyết, chỉ thị tiếp theo để thực hiện Nghị
quyết Đại hội XIV. Điều này không chỉ bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất,
toàn diện của Đảng về thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chung mà còn khẳng định
rõ một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng là lãnh đạo bằng nghị
quyết, là năng lực trong việc xây dựng, ban hành nghị quyết.
Quá trình xây dựng các văn kiện đại hội rất công phu, tốn
nhiều công sức, trí lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong khi đó, khi
ban hành được nghị quyết rồi mà không thực hiện được hoặc thực hiện không thành
công là rất lãng phí. Trong thực tiễn, tình trạng phải ban hành các nghị quyết,
chỉ thị để thực hiện một nghị quyết không phải là hiếm, trong khi nghị quyết cần
thực hiện không phải đặc biệt, cần thiết phải ban hành thêm một nghị quyết nữa.
Tránh tình trạng có quá nhiều nghị quyết được ban hành. Từ thực tế, đã có nhiều
ý kiến cho rằng, nghị quyết chỉ nên được ban hành khi thực tiễn đòi hỏi phải có
chủ trương lãnh đạo. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối
với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” cũng đã nhấn mạnh: “Chỉ ban hành
văn bản mới khi thật sự cần thiết”.
Để có nghị quyết thực hiện... không "gay trăm bề"
Xây dựng nghị quyết có chất lượng là vấn đề rất khó, đòi hỏi
tâm sức, trí lực, trí tuệ của toàn Đảng. Nghị quyết, nhất là nghị quyết đại hội
đảng là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo
tương lai, nó phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động
mới của thực tiễn. Bởi thế, những nội dung, nhất là mục tiêu, chỉ tiêu, biện
pháp, giải pháp thực hiện đều phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, từ quá
trình vận dụng lý luận vào thực tiễn và đúc rút từ thực tiễn khái quát thành lý
luận; tuyệt đối tránh tình trạng ngồi “salon”, “máy lạnh” để xây dựng nghị quyết.
Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của
Đảng do Bộ Chính trị ban hành ngày 14-6-2024 nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng
chuẩn bị văn kiện. Theo đó, Báo cáo chính trị phải đánh giá trung thực, khách
quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ trước; chỉ
rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những
bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Đồng thời, xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới
sát với tình hình thực tế và có tính khoa học, khả thi cao; chú ý các nhiệm vụ,
giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn.
Xây dựng nghị quyết cần có tinh thần quyết liệt đổi mới để nội
dung ngắn gọn, thật sự cô đọng, súc tích, tránh tình trạng nặng về văn chương
cho êm tai hoặc hô hào lý thuyết suông. Quá trình xây dựng nghị quyết, trọng
trách đặt lên vai người đứng đầu và cấp ủy đảng cùng bộ phận tham mưu, chắp bút
xây dựng. Nghị quyết là công trình tập thể, trí tuệ tập thể, trong đó bộ phận
tham mưu, chắp bút là hạt nhân thực hiện nhiệm vụ đó. Nếu những người đảm nhiệm
trọng trách không toàn tâm toàn ý, không quy tụ được những bộ óc tinh hoa, có
kinh nghiệm thì khó có được nghị quyết tốt.
Lãnh đạo bằng nghị quyết là một trong những phương thức lãnh
đạo chủ chốt của Đảng để bảo đảm sự chặt chẽ, thống nhất, toàn diện, bởi thế,
quá trình xây dựng nghị quyết ở các cấp cần thực hiện đúng chủ trương: Văn kiện
của cấp dưới phải bám sát, cụ thể hóa được văn kiện của cấp trên. Từ nội dung dự
thảo văn kiện của cấp trên, cấp ủy cấp dưới lấy đó làm cơ sở xây dựng nội dung
báo cáo chính trị, phương hướng, nhiệm vụ công tác cho các văn kiện của cấp
mình; xác định cụ thể những mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương
mình.
Điều rất quan trọng mà Trung ương nhấn mạnh đó là nghị quyết
phải xác định rõ các biện pháp, giải pháp và nguồn lực để thực hiện. Trên thực
tế, có những nghị quyết mà vấn đề xác định nguồn lực thực hiện chưa được chú trọng.
Bởi, xác định được nguồn lực thực hiện luôn có ý nghĩa quyết định. Ví dụ vấn đề
tăng lương. Tăng lương là vấn đề rất quan trọng, thiết thực và sự cần thiết của
tăng lương là không phải bàn cãi. Tuy vậy, muốn tăng được lương, phải xác định
rõ được nguồn lực để thực hiện. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu: Khắc phục tình trạng ban hành văn bản không
sát với thực tiễn, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Nghị quyết
thì thật là hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề” chỉ ra thực trạng còn nhiều
vấn đề cần phải khắc phục trong xây dựng, ban hành và thực thi nghị quyết. Đảng
ta đang quyết tâm từng bước khắc phục những hạn chế đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét