Nhận diện đúng và chủ động đấu tranh phòng, chống bệnh chủ quan, duy ý chí có ý nghĩa rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phòng tránh và khắc phục “bệnh công thần”, “kiêu ngạo cộng sản”, chủ nghĩa cá nhân và mọi thói hư, tật xấu cản trở sự phát triển, tiến bộ, trưởng thành của cán bộ, đảng viên; đẩy lùi nguy cơ đe dọa uy tín, danh dự của Đảng.
Hình ảnh Bác về thăm nhân dân tây Tây Bắc
Biểu hiện rõ nhất của bệnh chủ quan, duy ý chí là đề cao cái
“tôi”, ngộ nhận mình ở thế trên, luôn dựa vào thế mạnh của tuổi tác, chức quyền,
tự cao, tự đại, tự mãn, tự cho mình “cái gì cũng biết, cũng hay”, mình là hiện
thân của “chân lý”, muốn người khác phải phục tùng ý kiến của mình; thậm chí áp
đặt ý chí, thiên kiến của mình lên người khác một cách cứng nhắc, bảo thủ;
không chịu lắng nghe ý kiến của người khác dù có lý, có tình. Hệ quả không thể
tránh khỏi là nó sản sinh thêm bệnh bè phái, cục bộ, sùng bái cá nhân.
Bác Hồ khẳng định bệnh chủ quan, duy ý chí là khuyết tật của
tư tưởng phong kiến còn rớt lại, là “căn bệnh trầm kha” của người lười rèn luyện,
tu dưỡng, xa rời quần chúng. Bệnh chủ quan, duy ý chí không chỉ gây hại cho bản
thân cán bộ, đảng viên mà còn làm tổn thương, gây hại cho phong trào cách mạng.
Vì vậy, cần “phải dùng trí khôn và tấm lòng cộng sản” để nhận diện đúng, có biện
pháp hữu hiệu để trị bệnh cứu người, “vạch mặt, chỉ tên” bản chất, nguồn gốc bệnh
chủ quan, duy ý chí; không để nó lây lan, truyền nhiễm, làm khổ người khác.
Dấu hiệu của bệnh chủ quan, duy ý chí là “phớt lờ thực tế
khách quan”, không có cái nhìn biện chứng, xem xét sự vật, hiện tượng phiến diện,
một chiều, “bất động”. Người mắc bệnh chủ quan, duy ý chí thường “nhìn đời bằng
mắt nhắm, mắt mở” với tâm thế xem xét, giải quyết mọi việc đều thiên lệch, sơ
sài, đại khái, qua loa; không thấy mối quan hệ đan cài, chằng chịt giữa các sự
vật, hiện tượng và sự tác động, chi phối lẫn nhau giữa chúng. Họ “nhìn thấy cây
mà không thấy rừng”, “chỉ biết một mà không biết hai”. Do đó, giống như “con ếch
ngồi đáy giếng”, phán xét mọi việc bằng đôi mắt nhìn trời qua vòm giếng, thiếu
tính bao quát, tính tổng thể, không có sự khái quát, bao trùm, không nhận rõ bản
chất và tính quy luật của hiện thực khách quan.
Hình ảnh Bác về thăm nhân dân Thành Nam
Thành thử, dưới tầm nhìn của “mắt ếch” thông qua vòm trời
trên miệng giếng, mọi thứ đều giản đơn, giải quyết mọi việc chỉ áng chừng, theo
kinh nghiệm của chủ thể. Họ không có vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn sinh động
nên khi vận dụng vào xem xét sự việc ở hoàn cảnh khác thì đều sai lệch; “cái
tôi” lạc điệu với “cái ta” là thế giới xung quanh.
Sinh thời, Bác Hồ đã phê phán gay gắt những cán bộ, đảng
viên lợi dụng phê bình và tự phê bình để “thanh toán, “triệt hạ lẫn nhau”, “làm
cho nhau không thể mở mày mở mặt”. Bác chỉ ra hạn chế cơ bản của biện pháp phê
bình này là “nhỏ nhen, hẹp hòi, ích kỷ”, “chỉ suy từ bụng ta ra bụng người”,
ghen tỵ, đố kỵ; lúc nào cũng “sợ người khác hơn mình. Tính nguy hại của sự góp
ý, phê bình kiểu này là “làm thui chột ý chí phấn đấu” của đồng chí, đồng đội
vì nó không động viên, cổ vũ người khác, làm cho họ ngại phấn chấn, thiếu hăng
hái, và ngược lại, nó tạo ra bầu không khí căng thẳng, “gây mất đoàn kết”, làm
cho đồng chí mình “tự ty”, mặc cảm, giảm nhuệ khí, mất động lực, không còn ý
chí khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên. Bác gọi cách làm này là hại cho
mình, hại cho tập thể. Cán bộ, đảng viên nào đã mắc phải bệnh này cần chữa trị
ngay, không để nó tái diễn, lay lan sang người khác.
Chủ quan, duy ý chí là bạn đồng hành của thái độ, cách làm
việc áng chừng, qua loa, đại khái; hay bao biện, rập khuôn máy móc và giáo điều
trong tự phê bình và phê bình. Đây là môi trường thuận lợi cho những thói hư, tật
xấu và chủ nghĩa cá nhân “ẩn nấp”, chờ cơ hội mọc mầm, nảy nở; làm tha hóa, biến
chất cán bộ, đảng viên. Trên mảnh “ít tính người, nhiều tính ma quỷ” này, chủ
nghĩa cá nhân trỗi dậy, trở thành “con ngựa bất kham”, không dây cương, chạy
lung tung, rất khó quản lý.
Thực tế chỉ ra rằng, ở đâu, nơi nào và ở người nào đó, chủ
nghĩa cá nhân trỗi dậy, phát triển thì ở nơi đó, người ấy tạo ra mâu thuẫn nội
bộ, bất đồng chính kiến diễn ra liên miên, tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi
ngược” rất khó khắc phục. Các căn bệnh tha hóa, biến chất, nghi kỵ, kèn cựa,
làm thui chột ý chí, động cơ phấn đấu, rèn luyện, cống hiến của những cán bộ, đảng
viên thực đức, thực tài; làm cho tổ chức Đảng suy yếu, thậm chí không hoàn
thành nhiệm vụ đã xuất hiện, rất cần phòng tránh, không để tái hiện.
Nguyên nhân của căn bệnh chủ quan, duy ý chí thì nhiều, cả
khách quan và chủ quan; song đáng kể là do “Kém lý luận, khinh lý luận hoặc lý
luận suông”; không nắm vững và vận dụng sáng tạo phép biện chứng duy vật nên
rơi vào bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa hoặc bệnh giáo điều. Mặt khác, do óc bè
phái, hẹp hòi, ích kỷ, cục bộ, quân phiệt, quan liêu, hám quyền lực, lạm quyền,
công thần, kiêu ngạo công sản đẻ ra chứng bệnh ấy.
Điều quan trọng là cán bộ, đảng viên này thiếu tu dưỡng, rèn
luyện đạo đức cách mạng, hay nể nang, lừa cấp dưới, dối cấp trên, khinh thường
tập thể. Thật buồn cho tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên đã mắc bệnh,
hoặc đang ủ căn bệnh tai quái này. Họ rất cần phải chữa trị.
Phương cách tốt nhất để trị bệnh, cứu người là:
Một là: Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc
“tự phê bình và phê bình” trong sinh hoạt Đảng, bảo đảm cho nguyên tắc này được
triển khai thông suốt từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên;
cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cá nhân phải phục tùng tập thể một cách dân
chủ, công khai, minh bạch, hợp lý.
Hai là: Thật thà tự phê bình và phê bình; bảo đảm tính khách
quan, chính trực, công bằng, không thiên vị, không bao biện trong kiểm điểm bản
thân và người khác để “tự soi, tự sửa”, chỉ ra thói hư, tật xấu, khuyết điểm của
chính bản thân mình và từng cán bộ, đảng viên. Qua đó, tìm ra biện pháp phù hợp
nhất để kiên quyết khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Ba là: Có thiện chí trong việc tranh thủ “tai mắt” và góp ý,
phê bình, xây dựng của tập thể, của nhân dân, của đồng chí, đồng đội; từ đó có
kế hoạch, biện pháp thực thi nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật Đảng; phát huy quyền
“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bốn là: Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các tiêu chí, chuẩn mực
đạo đức cách mạng phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên và đặc điểm cơ
quan, đơn vị công tác; thực hiện tốt Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25 tháng 10 năm
2021 về những điều đảng viên không được làm.
Năm là: Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tổ đảng;
làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật Đảng, kỷ luật
hành chính và xử lý bằng luật pháp đối với cán bộ có vi phạm, kể cả cán bộ, đảng
viên đang công tác hay đã nghỉ hưu.
Sáu là: Tự soi, tự sửa nghiêm túc; tự rèn luyện đạo đức cách
mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gắn bó với tập thể, đồng chí, đồng
đội; thành khẩn lắng nghe ý kiến của họ để đề ra kế hoạch, biện pháp cụ thể,
quyết tâm khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí.
Dẫu biết “nhân vô thập toàn”, trong cuộc sống và trong công
việc, ai cũng có những thành công và cũng có lúc không tránh khỏi thiếu sót,
khuyết điểm, thậm chí mắc sai lầm. Song, điều quan trọng là khi tổ chức Đảng và
đồng chí của mình đã chân thành góp ý, chỉ ra khuyết điểm, cá nhân cán bộ, đảng
viên nên thành khẩn tiếp nhận, cố gắng sửa chữa để tiến bộ, trưởng thành. Khắc
ghi và thực hiện tốt Lời Bác Hồ dạy: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa,
giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn
kết và thống nhất nội bộ” để “tự soi, tự sửa”, tự chữa bệnh, cứu mình, làm cho
mình và tập thể mạnh lên mãi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét