Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh cho hoà bình, độc lập và tự do, chưa từng khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào dù chúng mạnh hơn ta rất nhiều, trong đó những thế lực xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Khí phách và sức mạnh Việt Nam đã trở thành huyền thoại sử sách mãi còn ghi…
Tự hào về Tổ quốc Việt Nam, một dân tộc quật cường đã trải qua nhiều chặng đường gian khó, từ đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội… Trải qua hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc…, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, đã minh chứng cho tầm nhìn, tư duy lãnh đạo của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.
Nhờ đó, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được ban hành kịp thời đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển của đất nước. Những thành tựu to lớn này càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, tư duy đổi mới, sáng tạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ. Theo đó mà nhiều cơ chế, thể chế, chính sách được “xé rào”, “phá bỏ”, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được hình thành, tạo tiền đề quan trọng dẫn đến Nghị quyết số 10-NQ/TW (khoán 10) được Bộ Chính trị ban hành năm 1988 sau Đại hội Đảng VI - Đại hội đổi mới của đất nước.
Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực (trong đó có 16 hiệp định thương mại tự do - FTA); có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường…
Trong 35 năm qua, kể từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, những đổi mới kinh tế và chính trị đã thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế (Ngân hàng thế giới-WB, Quỹ tiền tệ quốc tế-IMF…), tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của nước ta ước đạt khoảng 3.521 USD, đứng thứ 120 trên thế giới; quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng thứ 37 thế giới, đứng thứ 4 ASEAN. Việt nam lần đầu tiên lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên vừa qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét