Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã/phường/thị trấn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian qua, Công an các địa phương đã đưa nhiều cán bộ, chiến sĩ công an chính quy về nhận nhiệm vụ tại địa phương, phát huy hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Công tác này không chỉ mang lại luồng gió mới trong công tác cán bộ mà sự tận tâm, trách nhiệm của cán bộ tăng cường còn góp phần tạo nên những thay đổi đáng kể trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Nhiều bạn đọc muốn biết quy định mới nhất về nhiệm vụ của lực lượng khác trong công an nhân dân tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cụ thể ở đây là công an xã/phường/thị trấn.
Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Bá Dũng (công ty luật TNHH Trường Sơn) cho biết, theo Thông tư 73/2024/TT-BCA (ngày 15 tháng 11 năm 2024) quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông nêu rõ từ ngày 01/01/2025, công an xã được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý.
Công an xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang phối hợp với lực lượng bảo vệ Khu công nghiệp Thạnh Lộc tổ chức tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn (Ảnh minh họa. Nguồn: Tiến Dũng) |
Cụ thể, Khoản 2 Điều 30 Chương IV nêu nhiệm vụ của lực lượng khác trong công an nhân dân tham gia phối hợp với cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bố trí lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch;
Xử lý vi phạm theo thẩm quyền; thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo sự phân công trong kế hoạch;
Trường hợp không có lực lượng cảnh sát giao thông đi cùng thì công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông.
Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý. Khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định như: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; dừng, đỗ xe không đúng quy định; lạng lách, đánh võng, điều khiển xe bằng một bánh đối với xe hai bánh; không có gương chiếu hậu ở bên trái theo quy định; sử dụng ô (dù); kéo, đẩy xe khác, vật khác; chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định hoặc phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông, tiến hành kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 8; Khoản 2, Khoản 3 Điều 12; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 20; Điều 21; Điều 22; Điều 23 Thông tư này.
Theo luật gia Dũng, Điều 32 Chương IV Thông tư cũng quy định về trang bị và điều kiện bảo đảm của lực lượng khác trong công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cụ thể, lực lượng khác trong công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị gồm: còi, loa, gậy chỉ huy giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ khác theo quy định và các biểu mẫu xử lý vi phạm.
Việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu thực hiện theo quy định. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu chỉ được trang bị để làm nhiệm vụ; khi thực hiện xong nhiệm vụ, phải bàn giao lại cho người có trách nhiệm trực tiếp quản lý. Việc giao nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu phải ghi vào sổ theo dõi, ký giao nhận.
“Các lực lượng khác trong công an nhân dân trong thời gian tham gia phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được hưởng bồi dưỡng, phụ cấp theo quy định của pháp luật hiện hành. Điều này giúp đảm bảo sự an tâm cống hiến cũng như một phần tái tạo sức lao động”, luật gia Dũng nhấn mạnh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét