Hiện nay, bảo đảm an ninh lương thực đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu khi ngày càng có nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu đói do sự trì trệ của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, do bùng phát các điểm nóng xung đột, do biến đổi khí hậu… Vấn đề này đang ngày càng đòi hỏi các quốc gia cần tăng cường hợp tác nhằm nỗ lực ngăn chặn và giải quyết thách thức từ bối cảnh thế giới đối với việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
An ninh lương thực là việc con người có quyền tiếp cận về mặt
vật chất, xã hội và kinh tế với lương thực, thực phẩm đầy đủ, an toàn và bổ dưỡng,
đáp ứng nhu cầu và sở thích ăn uống của con người nhằm có được một cuộc sống
năng động và mạnh khoẻ(1). Như vậy, an ninh lương thực toàn cầu là việc bảo đảm
cho bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tiếp cận được lương thực thông qua dòng chảy
hiệu quả của các nguồn lương thực, đặc biệt là khi có thiên tai hoặc trường hợp
khẩn cấp có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực. Có nhiều nguyên nhân có thể
dẫn đến việc mất an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, trong những thập niên
gần đây, thiên tai, biến đổi khí hậu, dân số gia tăng, khủng hoảng kinh tế,
xung đột và đại dịch COVID-19 đã đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định lương thực.
Đơn cử như, thiên tai và biến đổi khí hậu không chỉ gây ra mất mùa, mà có thể
còn dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều giống cây trồng khiến nguồn cung lương thực
bị hạn chế trong khi dân số thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, sau đại dịch
COVID-19, kinh tế của nhiều nước rơi vào tình trạng khó khăn. Giá cả lương thực
tăng cao ở nhiều nơi do giá năng lượng, phân bón và nhiều dịch vụ nông nghiệp
khác tăng lên. Ước tính có tới 309 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói
kinh niên ở 71 quốc gia.
Đáng chú ý, các điểm nóng xung đột trên thế giới cũng đang
góp phần khiến tình trạng an ninh lương thực đứng trước nhiều thách thức. Chẳng
hạn như, theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc
(FAO), thời điểm xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine (tháng 2-2022), chỉ số giá
thực phẩm đã tăng cao hơn 21% so với năm 2021(2) bởi cả Nga và Ukraine vốn là
những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thực phẩm và nông sản
toàn cầu. Năm 2021, xuất khẩu lúa mì của Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% thị
trường thế giới. Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới. Tổng thị phần
xuất khẩu dầu hướng dương từ cả hai nước chiếm tới 55% nguồn cung toàn cầu. Nga
cũng là nước xuất khẩu phân bón chủ chốt (năm 2020, Nga là nhà xuất khẩu phân đạm
hàng đầu, nhà cung cấp kali đứng thứ hai và nhà xuất khẩu phân lân lớn thứ ba
trên thế giới(3). Trong các năm 2023 - 2024, Ukraine là nước xuất khẩu ngô đứng
thứ 6 và Nga đứng thứ 9 thế giới(4). Đối với xuất khẩu lúa mì, năm 2024, Nga đứng
đầu thế giới và Ukraine xếp thứ 5(5). Trong khi đó, theo thống kê của FAO, có tới
50 quốc gia phụ thuộc ít nhất 30% vào việc nhập khẩu lúa mì từ Nga, trong đó có
26 nước phụ thuộc tới 50% nhập khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine(6). Phần lớn quốc
gia ở khu vực châu Phi và Trung Đông có thu nhập thấp và các nhóm dân cư dễ bị
tổn thương cũng lâm vào cảnh này khi các nước Tây Phi nhập khẩu ngũ cốc từ Nga
và Ukraine lần lượt là 72% và 18%(7).
Trước thực trạng trên, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (Davos,
Thụy Sĩ) vào tháng 5-2022, thông điệp chung được các nhà lãnh đạo các nước và
các tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới đưa ra đó là cần hành động toàn cầu nhằm
giảm thiểu tác động của khủng hoảng an ninh lương thực. Nếu không có các biện
pháp phối hợp chính sách để giải quyết thách thức này, có thể dẫn đến báo động
tình trạng mất an ninh lương thực ở cấp độ toàn cầu.
Là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam được
đánh giá đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Cuối
tháng 5-2022, tại một cuộc hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và
dinh dưỡng, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam nhận
định, trong bối cảnh thế giới có nhiều tác động tiêu cực tới an ninh lượng thực,
Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp lương thực quan trọng. Đối với EU,
trên cơ sở Chính sách Nông nghiệp chung (CAP), EU có trách nhiệm bảo đảm an
ninh lương thực cho các nước thành viên . Ngoài ra, là chủ thể có trách nhiệm của
cộng đồng quốc tế, EU vẫn luôn là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất
trên thế giới cho các nước nghèo tại châu Phi và châu Á, trong đó hỗ trợ về
nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Như vậy, có thể thấy, sự hợp tác giữa Việt
Nam và EU trong lĩnh vực an ninh lương thực thực sự cần thiết nhằm góp phần
quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét