Năm 2024 là năm triển khai nhanh chóng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi lĩnh vực của đời sống con người, trong đó có quân sự.
Quá trình tích hợp AI lên vũ khí đang được tiến hành nhanh chóng và những thử nghiệm chúng trong chiến đấu đã được thể hiện rõ trong các cuộc xung đột gần đây. Tất cả đều chứng minh AI sẽ thay đổi hoàn toàn hoạt động chiến đấu trong những năm tới.
Trí tuệ nhân tạo đã có thể làm được những gì?
Theo đánh giá của Tạp chí khoa học Vzglyad (Góc nhìn) của Nga, muốn xem AI đã được ứng dụng trong quân sự như thế nào, hãy xem chúng đang được sử dụng trong biên chế Quân đội Mỹ.
Vào tháng 4-2023, các nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, AI chiến đấu của Mỹ sẽ được thử nghiệm trong cuộc xung đột ở Ukraine với tên gọi là Maven hay smart guy. Tuy nhiên, thực tế việc thử nghiệm AI theo chương trình Maven đã được Quân đội Mỹ tiến hành trước đó.
Năm 2017, Quân đoàn dù số 18 của Mỹ bắt đầu thử nghiệm hệ thống AI để hỗ trợ tình báo, sau này được gọi là Maven ở Afghanistan. Sau đó, các Sư đoàn không vận số 101 và Sư đoàn dù 82 và nhiều đơn vị khác tham chiến ở Afghanistan đã sử dụng các thiết bị có tích hợp AI để chống lại phiến quân.
Tới năm 2020, người Mỹ tiếp tục thử nghiệm AI chiến đấu trong Quân đoàn dù số 18. Hệ thống này đã được thử nghiệm và được tiến hành trong cuộc tập trận Rồng Đỏ. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng tham gia quá trình này.
Trong quá trình thử nghiệm và sử dụng thực chiến, AI đã thể hiện nhiều ưu thế đáng kể. Nếu như công tác trinh sát trên bộ trước các chiến dịch theo cách truyền thống cần nhiều tháng với nhiều sai sót và biến số, thì AI có thể thực hiện trong vòng 12 giờ và không bỏ qua bất kỳ thông tin đáng nghi vấn nào.
Kể cả ở cấp độ chiến thuật, khả năng đọc dữ liệu bản đồ của AI cũng rất đáng nể. Khối lượng công việc cần làm trong 12 giờ của đơn vị trinh sát, thì AI chỉ cần hơn 1 phút.
Ngoài ra, theo đánh giá của Lầu Năm Góc, AI đã giúp thay đổi đáng kể khả năng chiến đấu binh sĩ trên chiến trường. Nếu như trong quá khứ, khoảng 80% nỗ lực binh sĩ là tìm kiếm mục tiêu, thì với sự hỗ trợ của AI, con số này chỉ là 20%. Nguồn lực đáng kể được tập trung cho các nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp và tiêu diệt mục tiêu.
Đánh giá về chương trình Maven của Mỹ, Tạp chí quân sự Topwar cho rằng: “Ngày nay, tiềm năng của Maven lớn đến mức ngay cả một đơn vị nhỏ, chẳng hạn như một tiểu đoàn pháo binh, cũng có thể tiếp nhận 1.000 mục tiêu mỗi giờ. Nhiều hơn các số lượng mục tiêu hỏa lực của đơn vị có thể tấn công”.
Chính sự thành công của Maven đã khiến Quân đội Mỹ tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Palantir Technologies, đơn vị phát triển công nghệ AI này. Trong năm 2024, Palantir Technologies đã nhận được hợp đồng triển khai hệ thống AI dựa trên sự phát triển của dự án Maven với tổng trị giá hơn 500 triệu USD.
Ưu tiên của giai đoạn tích hợp AI tiếp theo là vào Hệ thống dữ liệu chiến thuật pháo binh dã chiến tiên tiến (AFATDS). Đây là hệ thống xử lý dữ liệu tự động và chỉ định mục tiêu cho pháo binh. Những khác biệt đáng kể với sự hỗ trợ của AI giúp Quân đội Mỹ tự tin về viễn cảnh các hệ thống pháo tự động hóa trong tất cả các khâu chiến đấu và sự can thiệp của con người đơn giản là chọn mục tiêu ưu tiên và ấn nút khai hỏa.
“Khắc tinh” của tác chiến điện tử
Với sự phát triển của AI, một vấn đề đặt ra là sẽ như thế nào khi chiến đấu với một đội quân sử dụng AI một cách ồ ạt chống lại một đội quân truyền thống?
Sức mạnh tính toán sẽ cho phép AI liên tục xem xét tất cả tài liệu thu được từ quá trình trinh sát và không bỏ sót bất kỳ điều gì. Bất kỳ thay đổi nào, chẳng hạn mục tiêu trên mặt đất sẽ được phân tích gần như ngay lập tức. Nếu có một tay bắn tỉa dưới gò đồi này, thì một loại vũ khí nào đó sẽ ngay lập tức nhắm vị trí đó.
Việc trinh sát vô tuyến ở dạng cổ điển cũng sẽ trở nên bất khả thi. Các cuộc trò chuyện GPT sẽ hỗ trợ trao đổi vô tuyến như con người. Việc hack các mạng vô tuyến và giành quyền truy cập vào các cuộc trò chuyện của họ sẽ chỉ khiến tình báo đối phương bối rối.
AI đang mang lại những khả năng không thể tưởng tượng được trước đây. Ví dụ: AI có thể nghe thấy nhiễu nền từ tai nghe vô tuyến được tích hợp trong mũ bảo hiểm của mỗi tay súng cơ giới để phát hiện được hỏa lực của súng pháo địch và nhờ số lượng cảm biến âm thanh trên người binh sĩ. Từ các thông tin thu thập được, AI có thể khoanh vùng và xác định tọa độ của mục tiêu cho các đòn phản công chính xác. Điều tương tự cũng xảy ra với bất kỳ nguồn âm thanh nào, chẳng hạn như âm thanh của xe tăng phát ra từ đâu đó trong bụi cây.
“Đối kháng điện tử sẽ mất đi ý nghĩa vì mỗi đơn vị chiến đấu đều có khả năng tự hoạt động và phản ứng tức thời”, chuyên gia quân sự Nga Alexander Timokhin chia sẻ với tờ Vzglyad.
Theo lời chuyên gia Alexander Timokhin, sẽ có vũ khí bầy đàn, không nhất thiết phải là máy bay không người lái. Chúng có thể là các loại đạn thông minh hoặc chính từ vũ khí thông thường được tích hợp hệ thống điều khiển thông minh. Ví dụ, một tên lửa chống tăng có thể tấn công mục tiêu theo quỹ đạo mà xạ thủ con người không thể làm được nhờ các thông tin về vị trí mục tiêu. Trong tác chiến, mọi thủ đoạn chiến thuật sẽ chỉ có tác dụng một lần và AI sẽ giúp lập kế hoạch để không bao giờ lập lại bất kỳ sai lầm nào tương tự./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét