Trong thời đại ngày nay, sức mạnh văn hóa được ví như “quyền lực mềm” và đã được nhiều quốc gia sử dụng thành công để truyền bá hình ảnh của mình ra thế giới. Các yếu tố của “sức mạnh mềm” chính là thể chế và hệ giá trị quốc gia, bản sắc văn hóa, chính sách đối ngoại.
Trong chiến lược phát huy sức mạnh mềm hay quyền lực mềm, văn hóa là cốt lõi, bởi trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, văn hóa ngày càng biến đổi và trở thành bộ phận quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Văn hóa đã trở thành nhân tố then chốt trong số những nhân tố tạo nên sức mạnh mềm hay quyền lực mềm của một quốc gia, đặc biệt trong thời đại thông tin toàn cầu như ngày nay. Nhiều nước đã chú trọng xây dựng chiến lược phát triển văn hóa, hướng tới mục tiêu là tìm cách đưa hình ảnh của đất nước và văn hóa của đất nước đó ngày càng trở nên thu hút hơn đối với thế giới. Trong thực tế, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những quốc gia khá thành công trong việc sử dụng sức mạnh mềm văn hóa như một quyền lực thứ hai trong chiến lược gia tăng vị thế, quyền lực cũng như ảnh hưởng đối với thế giới thông qua phim, ảnh, âm nhạc, thời trang của ngành công nghiệp giải trí. Hay sức mạnh nội tâm của người Nhật, các giá trị dân chủ, tự do của Mỹ.
Về khái niệm sức mạnh mềm văn hóa, hệ thống lí luận sức mạnh mềm của Joseph Nye đã chỉ ra, sức mạnh mềm văn hóa là một loại sức mạnh mềm, có sức hấp dẫn, thu phục, khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác bằng các giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng được thực hiện thông qua các phương thức mang tính phi cưỡng chế … nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của quốc gia đó trong quan hệ quốc tế.
Như vậy, đặt trong hệ thống lí luận sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hóa được hiểu một loại quyền lực hoặc một thực lực quy định hành vi của chủ thể truyền bá tới đối tượng tiếp nhận thông qua phương thức truyền bá không mang tính cưỡng chế như sức mạnh cứng.
Đối với Việt Nam đã từng được chính Joseph Nye - cha đẻ của học thuyết này khẳng định là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội và lợi thế để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế. Trả lời báo giới khi tới thăm Việt Nam năm 2007 đã từng nhận định, Việt Nam có nhiều thứ có thể thu hút, lôi kéo các quốc gia khác như sự nổi danh từ lịch sử đấu tranh giành độc lập bảo vệ chủ quyền, sự chuyển đổi thành công sang một nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng... Ông cho rằng, những điều này đã giúp gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam. Cũng theo ông, điểm hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay nằm ở tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc và phát triển kinh tế.
Trong quá khứ lịch sử giữ nước, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam được biết đến bởi hình ảnh một dân tộc yêu nước, quật cường, với lòng vị tha và khoan dung đầy sức thuyết phục. Có thể coi “Bình Ngô Đại Cáo” Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là áng văn đỉnh cao thể hiện ý chí và văn hóa của người Việt Nam với tư tưởng: Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo. Cô đúc lịch sử giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Tinh thần và lối ứng xử đó đã toát lên sức mạnh thu phục, cảm hóa của dân tộc Việt Nam, đó thật sự là sức mạnh mềm của dân tộc ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được kết tinh từ văn hóa Việt Nam.
Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam còn là sự nhạy bén, dễ thích nghi và tiếp biến cái mới từ các nền văn hóa, văn minh khác nhau một cách sáng tạo, chủ động trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Điều đó, đã tạo cho Việt Nam một sức hấp dẫn, tạo nên một tinh thần nhân văn về sự thân thiện, cởi mở được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Hiện nay, những giá trị này nếu được quảng bá một cách có hệ thống vì lợi ích của dân tộc, vì mục tiêu phát triển chung của cộng đồng quốc tế, sẽ tạo nên sức ảnh hưởng tích cực, góp phần nâng cao sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam còn thấp, hay nói đúng hơn, chúng ta chưa tận dụng hết những thế mạnh vốn có của Việt Nam đặt trong bối cảnh mới, cùng với một nền công nghiệp văn hóa còn yếu và thậm chí đang bị lấn sân. Do đó, cần có cái nhìn toàn diện, tổng thể để từ đó có những chiến lược cụ thể và bước đi hợp lý, đồng thời có cách làm chuyên nghiệp hơn. Làm sao để khi nhắc tới Việt Nam người ta có thể nghĩ ngay đến một hình ảnh điển hình, cụ thể nào đó. Ví như khi nhắc đến Pháp, người ta nghĩ ngay đến tháp Eiffel, rượu vang Bordeaux, nói đến Úc, sẽ nghĩ đến Nhà hát vỏ sò Sydney, chuột túi Kangaroo, hay nói đến Hàn Quốc là nhớ đến món dưa Kim Chi... Có như thế, mới gia tăng được sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khi mà văn hóa được xem như phương diện thứ hai của quyền lực./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét