Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC NGHỊ ĐỊNH 147

Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 9-11-2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định 147) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024. Nghị định 147 ra đời nhằm kiến tạo không gian mạng minh bạch, tin cậy và an toàn, khắc chế các tình trạng mạo danh, lừa đảo trực tuyến, lan truyền thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước. Với những ưu việt đó, Nghị định 147 nhận được sự mong chờ và phản hồi tích cực của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cộng đồng.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại nhân cơ hội này tăng cường phát tán các thông tin bịa đặt, xuyên tạc nội dung nghị định này.

Một số trang mạng xã hội (MXH) chuyên đăng tải thông tin xấu, độc đã đăng tải nhiều dòng trạng thái thể hiện thái độ bất bình trước những quy định mới của Nghị định 147. Việc bất bình xuất phát từ nguyên nhân họ lo ngại những hành vi vi phạm trên không gian mạng sẽ bị xử lý và quản lý nghiêm, trong đó có việc lợi dụng live stream, phỏng vấn… để cài cắm tin giả, bình luận tiêu cực, phát tán những thông tin xấu, độc đến người dùng MXH. Trên trang MXH V., các thế lực thù địch, cơ hội chính trị bịa đặt thông tin cho rằng, với sự ra đời của Nghị định 147, chính quyền nước ta “bịt miệng, không cho dân bình luận”; còn trang t. thông tin xuyên tạc rằng Việt Nam “hạn chế quyền tự do thông tin và biểu đạt”… Thậm chí, một trang tin có trụ sở ở nước ngoài còn đăng bài viết với lập luận xuyên tạc rằng “Nghị định 147 sẽ như chiếc đinh đóng vào quan tài, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận  tại Việt Nam”, và “ngay cả túi tiền của người dân cũng nằm trong diện bị kiểm soát”... Các thế lực thù địch “mượn danh” quyền con người để đả phá chính sách mới của Nhà nước ta, nhưng thực chất chúng đang lo ngại các nội dung thông tin xấu độc, những thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… mà chúng thường xuyên đăng tải trên MXH sẽ bị “bóp” tương tác. Điều này cũng đồng nghĩa các thông tin xấu độc không “phủ sóng” được trên môi trường mạng, làm thất bại ý đồ, mục đích chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên và nội dung duy nhất mà các thế lực thù địch tạo cớ để chống phá. Nhân danh nhân quyền để nói về tự do ngôn luận nói riêng và các quyền khác nói chung, nhưng các thế lực thù địch chỉ nói những lời vô căn cứ, xuyên tạc hòng nhắm đến những người không vững về lập trường, tư tưởng dao động. Bởi bất kỳ ai khi nắm vững cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về tự do ngôn luận thì sẽ thấy được ý đồ nham hiểm của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét