Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Ở VIỆT NAM, ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN!


 

Trong chiến lược toàn cầu, phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, vấn đề “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” luôn được rêu rao, cổ xuý nhằm kích động “phong trào” đấu tranh cho tự do. Vấn đề tưởng chừng như đã cũ, vô hại nhưng thực ra lại nguy hại khôn lường. Nếu không tỉnh táo vạch rõ nguồn gốc, bản chất, tác hại của đa nguyên chính trị, và đấu tranh không khoan nhượng với nó thì hệ quả là vô cùng tai hại.

Đa nguyên chính trị thực chất là một trào lưu tư tưởng tư sản cho rằng quyền lực chính trị - xã hội phải được phân chia cho các đảng phái chính trị đối lập nhau, các tổ chức xã hội chính trị khác nhau, được ghi vào hiến pháp tư sản và là hình thức dân chủ “thuần khiết”, cao nhất. Đa nguyên chính trị là quan điểm duy tâm chủ quan về cơ cấu xã hội của xã hội loài người. Nó tuyệt đối hoá cái đa dạng đó là sự chia giai cấp và lợi ích giai cấp; phủ nhận cái chung về lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Xét đến cùng, đa nguyên chính trị là công cụ tư tưởng - chính trị bảo vệ lợi ích của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản.

Về chính trị, chủ nghĩa đa nguyên chính trị chủ trương xây dựng hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng, trong đó quyền lực được phân chia cho các đảng phái đối lập, các tổ chức xã hội khác nhau. Về xã hội, chủ nghĩa đa nguyên chính trị bộc lộ rõ tính chất mị dân, cố gắng tô vẽ cho xã hội tư bản là tự do, dân chủ nhất. Tuy nhiên, cái nguy hại nhất của đa nguyên chính trị đối với các nước xã hội chủ nghĩa chính là đề cao, ca ngợi chế độ tư bản là tự do, bình đẳng, dân chủ, nhân quyền nhất; đồng thời công kích, bôi nhọ, khoét sâu mâu thuẫn trong các nước xã hội chủ nghĩa, nhằm tạo mặc cảm về chủ nghĩa xã hội trong nhân dân, gây ảo tưởng vào một cái gì đó của chủ nghĩa tư bản. Rõ ràng là, chủ nghĩa đa nguyên chính trị là một luận thuyết chống chủ nghĩa xã hội với những lời lẽ nguỵ biện, những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt và được sử dụng rất khác nhau trong điều kiện lịch sử cụ thể. Vì vậy, quan điểm nhất quán của Đảng ta là “Không chấp nhận đa nguyên chính trị ở Việt Nam”, bởi lẽ:

Thứ nhất, đa nguyên chính trị không bảo đảm được dân chủ đích thực. Bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn thực hiện được nó thì trước tiên người lao động phải xây dựng nên một chính đảng cùng một chính phủ duy nhất đại diện cho quyền lực của mình. Với một chế độ xã hội, thì hoặc quyền lực thuộc về giai cấp bóc lột hoặc thuộc về giai cấp bị bóc lột mà thôi. Không có thứ quyền lực hay dân chủ cho mọi giai cấp. Bản chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản bóc lột. Trả lời phỏng vấn và kết luận mới nhất của đoàn khảo sát Hoa Kỳ của các nhà khoa học Việt Nam cho thấy rõ điều này: Giáo sư Paul Mishler (Trường Đại học bang Indiana) khẳng định: “Nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ”… Với lý do đó, đa nguyên chính trị không bao giờ tiến tới một nền dân chủ đích thực.

Thứ hai, Việt Nam đã từng xuất hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhưng không phù hợp. Năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết nên trong những ngày đầu gìn giữ chính quyền và nền độc lập dân tộc, Đảng ta đã tự tuyên bố giải tán và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã mở rộng thành phần cho mọi tổ chức, chính đảng cùng tham gia lãnh đạo đất nước. Song, trong quá trình cách mạng, các tổ chức đảng phái hoặc phản động, hoặc có đường lối không đúng đắn, không vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc đã lần lượt bị chính nhân dân loại bỏ, chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo có đường lối cách mạng đúng đắn, vì quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động, vì nền độc lập và sự phát triển của đất nước đã được nhân dân lựa chọn là chính đảng duy nhất đại diện cho quyền lợi của mình.

Sau 1954, Đảng ta cũng chủ trương tổng tuyển cử tự do, thành lập chính phủ liên hiệp, thống nhất nước nhà, nhưng chính chính quyền Ngô Đình Diệm đã bác bỏ và phủ nhận thể chế đa nguyên đó. Mặt khác, được sự tiếp sức của đế quốc Mỹ, các thế lực phong kiến và phản động ở miền Nam cũng đã từng lập nên một chính thể đa nguyên với sự tham gia của nhiều đảng phái. Nhưng mục đích chính trị của các đảng phái đó lại chống lại nền độc lập dân tộc và quyền lợi của nhân dân lao động, nên nhân dân cả nước ta đã đứng lên lật đổ thể chế chính trị đó, thiết lập nên nền chính trị nhất nguyên và lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện duy nhất cho quyền lợi của nhân dân lao động và cả dân tộc. Tính tất yếu của quá trình lịch sử tự nhiên đó đã và đang được nhân dân ta khẳng định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Thứ ba, nền chính trị nhất nguyên ở Việt Nam phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế. Nền chính trị nhất nguyên ở nước ta là do nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Đó là độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng với mọi quốc gia khác trong việc lựa chọn con đường phát triển đi lên của mình; là quyền tự do lập hiến và lập pháp, lựa chọn và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân; là quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự phát triển trong đa dạng các sắc màu văn hóa dân tộc; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện con người… Những thành tựu không thể phủ nhận của nền chính trị nhất nguyên đó đã khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét