Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Những kết quả và kinh nghiệm quan trọng trong Hội nhập quốc tế

Về hội nhập và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng về hội nhập quốc tế phục vụ cho việc củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trong những năm qua Việt Nam đã thực hiện bước chuyển căn bản từ chú trọng mở rộng quan hệ với các nước sang đưa mối quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định. Tiếp tục đẩy mạnh làm sâu sắc mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng. Trong việc hợp tác với các nước có nhiều nội dung về quốc phòng - an ninh, như huấn luyện, đào tạo về chuyên môn và kỹ năng quân sự - an ninh; phối, kết hợp trong việc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; phòng, chống ma túy, bảo đảm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Cùng với việc tham gia hầu hết các diễn đàn an ninh khu vực, Việt Nam đang mở rộng các hoạt động hợp tác quân sự, như trao đổi các đoàn quân sự cấp cao, tiếp nhận tàu hải quân của các nước sang thăm thiện chí; tiến hành tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam với hải quân một số nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng, an ninh với 80 nước, bao gồm tất cả các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Quan hệ quốc phòng - an ninh thông qua hội nhập quốc tế không chỉ nâng tầm vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn làm gia tăng tiềm năng và sức mạnh quân sự, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước góp phần giữ vững môi trường hòa bình trong khu vực và quốc tế.

Hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, bền vững

Thực hiện những quan điểm của Đảng, căn cứ Chương trình hành động thế kỷ XXI của quốc tế, ngày 17-8-2004, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). Định hướng phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam nêu bật vấn đề đang đặt ra trong ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, những thách thức mà Việt Nam phải đối phó. Từ đó, định hướng chiến lược đưa ra những quan điểm, chủ trương, chính sách, các cơ sở pháp lý và những nhiệm vụ cần tập trung giải quyết. Định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam được xác định rõ là không thay thế các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hiện có của đất nước, mà nhằm mục đích làm căn cứ lý luận và thực tiễn để cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của Việt Nam. Định hướng trên cơ sở cụ thể hóa các tiêu chí phát triển về kinh tế, văn hóa, môi trường sẽ giúp cho việc quy hoạch phát triển ở các ngành, các địa phương nhằm mục tiêu bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bình ổn đất nước. 

Về những nhiệm vụ cụ thể để phát triển nhanh, bền vững, Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”(2).

Tham chiếu trên thực tế sự đóng góp của hội nhập quốc tế đối với phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam, có thể nhận rõ trên mấy khía cạnh: Thứ nhất, hội nhập quốc tế, tham gia sự phân công, hợp tác quốc tế giúp nền kinh tế đất nước tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, xác định được vị trí của mình, trên cơ sở đó, tìm kiếm các giải pháp để “đi tắt, đón đầu” quá trình công nghiệp hóa, có điều kiện đi thẳng vào hiện đại hóa, từ đó rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước khác. Thứ hai, hội nhập quốc tế thúc đẩy việc thu hút vốn, kỹ thuật từ bên ngoài nhằm làm tăng nguồn lực tổng thể, góp phần gia tăng đáng kể tăng trưởng GDP của đất nước. Tính chung tới nay, cả nước có 23.594 dự án FDI có hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 306,3 tỷ USD. Thứ ba, với việc hội nhập đầy đủ vào các thể chế kinh tế thế giới và khu vực sẽ tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, chiến lược đầu tư phát triển, giảm thiểu các rủi ro, góp phần tháo gỡ các khó khăn do các tác động tiêu cực từ bên ngoài, như khủng hoảng kinh tế, xu hướng bảo hộ. Thứ tư, hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để thử sức cạnh tranh, nâng cao trình độ quản lý, chuyển giao khoa học - công nghệ. Thứ năm, hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu lao động để người lao động có điều kiện tiếp thu những phong cách làm việc, tổ chức sản xuất. Điều này không chỉ góp phần giải quyết việc làm, giảm thiểu thất nghiệp mà còn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tăng thu nhập cho người lao động và tăng thu cho ngân sách. Thứ sáu, hội nhập quốc tế về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ giúp cho việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần làm chuyển biến tích cực đối với công tác giáo dục, y tế, quản lý xã hội; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Tất cả những điều này trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Những kinh nghiệm bước đầu

Từ những kết quả thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu.

Một là, khi tham gia hội nhập quốc tế, phải tính toán thận trọng những tác động và hậu quả lâu dài của quá trình toàn cầu hóa với việc phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Cần gắn kết chiến lược phát triển nhanh, bền vững cùng những bước đi cụ thể trong nước với những biến chuyển mau lẹ của nền kinh tế thế giới, sao cho các cam kết, thỏa thuận trong các khuôn khổ hợp tác song phương, tiểu khu vực, liên khu vực và toàn cầu được vận hành một cách hài hòa, không bị vênh hoặc mâu thuẫn nhau.

Hai là, để tránh gây ra những đảo lộn về xã hội, cần luôn luôn bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa các quan hệ: quan hệ giữa đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; quan hệ giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với việc giữ vững độc lập, tự chủ đất nước; quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của đất nước trong các thể chế hội nhập, giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với những yêu cầu, đòi hỏi của bên ngoài; giữa các vấn đề kinh tế, thương mại với các lĩnh vực khác. Cần kịp thời thích ứng, phản ứng linh hoạt, tạo lập và tăng cường khai thác lợi thế so sánh của đất nước để tham gia hội nhập. Xây dựng vững chắc nền kinh tế độc lập tự chủ, bảo vệ thị trường và môi trường trong nước.

Ba là, thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo cho cán bộ, nhân dân sức đề kháng cao để đối phó với những mặt trái trong quá trình hội nhập. Tính toán kỹ từng lĩnh vực cụ thể cũng như phạm vi, mức độ hội nhập tùy theo điều kiện trong nước. Hội nhập nhưng phải giữ vững định hướng phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc. Xác định rõ hội nhập là quá trình vừa có nhiều cơ hội, vừa gặp nhiều thách thức, vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Bốn là, hội nhập quốc tế trong quá trình toàn cầu hóa chính là cơ sở khách quan của chính sách đối ngoại đúng đắn, kịp thời sẽ thúc đẩy hội nhập phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, phải coi hội nhập không phải là mục tiêu mà là phương tiện hữu hiệu để kết hợp có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài, mở rộng không gian và môi trường phát triển, nâng cao thế và lực của đất nước trên trường quốc tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét