Tại Đại hội VI - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta nhận định: Cách mạng khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển và có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của thế giới. Đồng thời, Đại hội đưa ra chủ trương hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật đối với các nước. Tới Đại hội VII, Đảng đưa ra định hướng đa dạng hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế. Đến Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong Văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Văn kiện Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tại Đại hội X, Đảng nhấn mạnh chủ trương “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Đại hội XI khẳng định chủ trương “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” (không chỉ hội nhập về kinh tế), nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và phát triển nhanh, bền vững”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi”(1).
Bên cạnh việc xác định những quan điểm chỉ đạo về hội nhập quốc tế thể hiện trong các văn kiện của các đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 05-02-2007, “Về một số chủ trương, chính sách để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”. Sau đó, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, “Về hội nhập quốc tế”. Sau Đại hội XII, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Như vậy, hội nhập quốc tế là một chủ trương nhất quán, là định hướng chiến lược lớn của Đảng ta nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI xác định: “Hội nhập quốc tế phải nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Quan điểm nhất quán của Đảng ta là: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia. Hội nhập quốc tế nhằm thiết thực thực hiện mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh; thúc đẩy mối quan hệ biện chứng giữa việc bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời khi đất nước phát triển nhanh, bền vững, quốc phòng, an ninh được bảo đảm sẽ thúc đẩy hội nhập quốc tế càng thêm sâu, rộng và hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét