Một chuyện đáng buồn xảy ra trong dịp nghỉ lễ vừa qua, ấy là một cậu học sinh 17 tuổi đăng tải lên trang facebook cá nhân những suy nghĩ của cậu về Đảng, đất nước, quê hương và định hướng cuộc đời đã khiến dân mạng dậy sóng phản đối. Cơ quan chức năng cũng nhanh chóng vào cuộc phối hợp cùng gia đình, nhà trường tìm hiểu và xử lý những thông tin trên theo quy định.
Những điều cậu học trò đăng tải trên facebook, cần khẳng định
ngay rằng là sai trái, lệch lạc, và không chỉ mình cậu phải chịu trách nhiệm mà
trong đó còn có trách nhiệm, bổn phận của thầy cô giáo, người thân, gia đình,
nhà trường và xã hội. Nhưng ở đây chúng ta muốn nhìn nhận ở một khía cạnh khác:
Giả định rằng không có ai đe dọa, ép buộc, mua chuộc cậu học trò kia và những
điều cậu viết là đúng suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của cậu, vậy thì những điều
xấu độc đó đã len vào tâm trí của cậu, là học sinh đạt thành tích rất cao trong
học hành, từ lúc nào, bằng cách nào? Và rồi từ nhà trường, gia đình, xã hội với
bao nhiêu điều nhân văn, tốt đẹp đã được trao truyền, dung dưỡng với cậu sao
không đủ sức đánh bại những xấu độc kia? Để rồi có lẽ trong một phút nông nổi,
trong những ẩn ức, vô hướng, phiền não có thể mà ta thường gặp ở tuổi mới lớn,
cậu học trò mở trang facebook cá nhân chia sẻ những dòng thông tin tiêu cực như
thế?
Giá như bên cậu có những người bạn hiểu biết, trưởng thành hơn,
có những người lớn đáng tin cậy để cậu tự tin, chủ động trò chuyện chia sẻ,
thắc mắc và được giải thích, giải đáp những vấn đề tương tự, hay chí ít cũng có
một lời khuyên với cậu khoan vội chia sẻ lên internet những điều mà
cậu cho là đúng với mình đó sẽ gây ảnh hưởng không tốt.
Cậu học sinh ở tỉnh Yên Bái không
phải là duy nhất.
Những người trẻ thời đại hiện nay phần lớn có điều kiện ăn học,
tiếp cận thông tin, kiến thức và giao lưu, kết nối với xã hội tốt hơn trước rất
nhiều. Nhưng những điều kiện vật chất và tinh thần đó vẫn chưa đủ mà
cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ, định hướng nhiều hơn, chất
lượng hơn đối với họ trong việc xác định niềm tin, lý tưởng cuộc sống; nhất là
cách phân biệt tốt-xấu, đúng-sai. Trong bối cảnh cuộc sống gấp gáp, sự lên ngôi
của chủ nghĩa tiêu dùng vật chất, sự thay đổi các thang, chuẩn giá trị một cách
khách quan và cả tác động tiêu cực của mặt trái xã hội, đã làm không ít người
trẻ đã “lạc lối”, hoang mang, bơ vơ, cô đơn và nhầm lẫn trước những biến cố
cuộc sống. Tuy sống trong gia đình, ngày ngày đến trường nhưng thật
ra họ vẫn cô độc, một mình mò mẫm tự tìm và trả lời các câu hỏi lớn, những
câu hỏi khó, thậm chí những câu hỏi chưa có câu trả lời về các vấn đề xã hội.
Có lẽ trước hết, không chỉ các bậc phụ huynh mà toàn xã hội cần
dành thời gian, không gian lắng nghe họ. Không chỉ là những câu chuyện hằng
ngày mà còn là những suy nghĩ, cảm xúc sâu kín mà các em có thể chưa từng bộc
lộ. Khi lắng nghe, chúng ta không chỉ giúp các em cảm thấy được thấu hiểu và
đồng cảm, mà còn tạo ra một không gian an toàn để các em chia sẻ mọi điều, kể
cả những vấn đề nhạy cảm hoặc phức tạp. Chỉ cần được tin cậy, được nghe họ nói
ra mọi điều, chúng ta sẽ biết mình cần phải làm gì, trong sự kiên nhẫn và thấu
hiểu, chứ không phải bằng sự áp đặt hay phán xét.
Trong mỗi hành động và lời nói, hãy luôn nhắc nhở họ đừng bao
giờ dại dột phải đối mặt với những thử thách, khó khăn một mình. Gia đình, nhà
trường và xã hội luôn ở bên cạnh để hỗ trợ, định hướng và cùng họ vượt qua mọi
thử thách trên con đường trưởng thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét