Xây dựng nghị quyết có chất lượng là vấn đề rất khó, đòi hỏi tâm
sức, trí lực, trí tuệ của toàn Đảng. Nghị quyết, nhất là nghị quyết đại hội
đảng là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo
tương lai, nó phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động
mới của thực tiễn. Bởi thế, những nội dung, nhất là mục tiêu, chỉ tiêu, biện
pháp, giải pháp thực hiện đều phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, từ quá
trình vận dụng lý luận vào thực tiễn và đúc rút từ thực tiễn khái
quát thành lý luận; tuyệt đối tránh tình trạng ngồi “salon”, “máy lạnh” để
xây dựng nghị quyết. Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới
Đại hội lần thứ XIV của Đảng do Bộ Chính trị ban hành ngày 14-6-2024 nhấn
mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng chuẩn bị văn kiện. Theo đó, Báo cáo chính trị
phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện
nghị quyết nhiệm kỳ trước; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là
nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác
lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định rõ phương hướng,
mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới sát với tình hình thực tế và có tính
khoa học, khả thi cao; chú ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài
hạn.
Xây dựng nghị quyết cần có tinh thần quyết liệt đổi mới để nội
dung ngắn gọn, thật sự cô đọng, súc tích, tránh tình trạng nặng về văn chương
cho êm tai hoặc hô hào lý thuyết suông. Quá trình xây dựng nghị quyết, trọng
trách đặt lên vai người đứng đầu và cấp ủy đảng cùng bộ phận tham mưu, chắp bút
xây dựng. Nghị quyết là công trình tập thể, trí tuệ tập thể, trong đó bộ phận tham
mưu, chắp bút là hạt nhân thực hiện nhiệm vụ đó. Nếu những người đảm nhiệm
trọng trách không toàn tâm toàn ý, không quy tụ được những bộ óc tinh hoa, có
kinh nghiệm thì khó có được nghị quyết tốt.
Lãnh đạo bằng nghị quyết là một trong những phương thức lãnh đạo
chủ chốt của Đảng để bảo đảm sự chặt chẽ, thống nhất, toàn diện, bởi thế, quá
trình xây dựng nghị quyết ở các cấp cần thực hiện đúng chủ trương: Văn kiện của
cấp dưới phải bám sát, cụ thể hóa được văn kiện của cấp trên. Từ nội dung dự
thảo văn kiện của cấp trên, cấp ủy cấp dưới lấy đó làm cơ sở xây dựng nội dung
báo cáo chính trị, phương hướng, nhiệm vụ công tác cho các văn kiện của cấp
mình; xác định cụ thể những mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương
mình.
Điều rất quan trọng mà Trung ương nhấn mạnh đó là nghị quyết
phải xác định rõ các biện pháp, giải pháp và nguồn lực để thực hiện. Trên thực
tế, có những nghị quyết mà vấn đề xác định nguồn lực thực hiện chưa được chú
trọng. Bởi, xác định được nguồn lực thực hiện luôn có ý nghĩa quyết định. Ví dụ
vấn đề tăng lương. Tăng lương là vấn đề rất quan trọng, thiết thực và sự cần
thiết của tăng lương là không phải bàn cãi. Tuy vậy, muốn tăng được lương, phải
xác định rõ được nguồn lực để thực hiện. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày
17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu: Khắc phục tình trạng ban
hành văn bản không sát với thực tiễn, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Nghị quyết
thì thật là hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề” chỉ ra thực trạng còn nhiều
vấn đề cần phải khắc phục trong xây dựng, ban hành và thực thi nghị quyết. Đảng
ta đang quyết tâm từng bước khắc phục những hạn chế đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét