Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

CÔNG BỐ BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA NĂM 2023

 

Ngày 8-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ vừa công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 với chủ đề “Môi trường nông thôn - Thực trạng và giải pháp”.

Báo cáo gồm 6 Chương (Chương I: Tổng quan về kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; Chương II: Các nguồn gây ô nhiễm môi trường nông thôn; Chương III: Hiện trạng môi trường nông thôn; Chương IV: Tác động của ô nhiễm môi trường nông thôn; Chương V: Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn; Chương VI: Những tồn tại, hạn chế và giải pháp tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nông thôn) và 109 biểu đồ, 19 bảng kèm theo.

Theo báo cáo, năm 2023, có khoảng 62,1 triệu người dân sinh sống ở vùng nông thôn, chiếm 61,9% dân số toàn quốc. Ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như hoạt động dân sinh, sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, hoạt động làng nghề…

Mức phát sinh chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn cả nước năm 2023 là khoảng 29.734 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt trung bình khoảng 77,69%; khoảng hơn 22% lượng chất thải rắn sinh hoạt còn lại bị xả thải trực tiếp ra môi trường. Một số khu vực có tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý còn thấp và cách xa mục tiêu đặt ra tại tiêu chí số 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như Trung du và miền núi phía Bắc (dưới 50%), Tây Nguyên (dưới 30%).

Năm 2023, tổng lượng phụ phẩm phát sinh từ hoạt động trồng trọt là 94,42 triệu tấn; cả nước phát sinh khoảng 68,92 triệu tấn chất thải rắn và khoảng trên 260,48 triệu lít chất thải lỏng; 72 nghìn tấn chất thải nhựa từ vỏ bao bì thức ăn chăn nuôi và có xu hướng tăng trong những năm tới. Năm 2023 mới chỉ có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; 20,9% làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp. Phần lớn nước thải, chất thải rắn từ làng nghề bị thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, gây tác động xấu tới cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường. 

Báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất, giải pháp như đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn gắn với việc triển khai tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn; huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn; tiếp tục xây dựng, thí điểm và nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường… Trong đó triển khai các giải pháp ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tăng cường quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn; quản lý chất thải nông nghiệp và bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các làng nghề…

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các cơ quan quản lý ở Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tham khảo trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn.

Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường

Ngày 4-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký Quyết định số 15/QĐ-BTNMT thành lập Ban Chỉ đạo rà soát và đề xuất xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường (Ban Chỉ đạo).

Ban Chỉ đạo gồm các thành viên: Bộ trưởng Đỗ Đức Duy - Trưởng ban; Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa - Phó trưởng ban Thường trực; các Thứ trưởng: Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân - Phó trưởng ban; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc - thành viên.

Chức năng của Ban Chỉ đạo là giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp rà soát và đề xuất xử lý vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Ban Chỉ đạo tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát và đề xuất xử lý vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát thường xuyên hoặc rà soát theo chuyên đề để phát hiện vướng mắc, bất cập và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; Đề xuất Bộ trưởng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật để xử lý ngay các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.

Cũng theo Quyết định trên, Ban Chỉ đạo họp định kỳ 1 quý 1 lần hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ; Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban Chỉ đạo giao; tuân thủ quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế công tác pháp chế của Bộ trong thực hiện nhiệm vụ rà soát, đề xuất xử lý vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Vụ Pháp chế là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét