Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách
thức cả về nội tại và bên ngoài. Nền kinh tế thế giới trải qua một năm nhiều
biến động khó lường. Trong nước, khó khăn, thách thức đầu tiên có thể kể đến là
xử lý những vướng mắc, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ
nhiều năm qua; đồng thời phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh, đặc
biệt là hậu quả của bão số 3 (Yagi).
Song, Việt Nam đã bền bỉ, nỗ lực vượt qua từng khó khăn để phấn
đấu đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Dấu ấn khởi sắc của nền kinh tế
thể hiện rõ nét khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV-2024 ước tăng 7,55%
so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai
đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%,
quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).
Tính chung, GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước,
chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019, 2022 trong giai đoạn
2011-2024. Dịch vụ vẫn là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của
nền kinh tế, trên 49,46%. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm khu vực này
đạt 7,38% so với năm trước. Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%,
đóng góp 45,17% vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế; nông, lâm nghiệp và thủy
sản góp 5,37% vào tăng trưởng.
Đáng chú ý, quy mô GDP
theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3
tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu
đồng/người/năm, tương đương 4.700USD, tăng 377USD so với năm 2023. Theo giá so
sánh, năng suất lao động tăng 5,88%, do trình độ của người lao động được cải
thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%,
cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023). Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng
bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra;
xuất khẩu hàng hóa là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng. Năm
2024, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 14,3%, được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu
dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN phục
hồi. Năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ
USD; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD...
Kết quả quan trọng
trong năm 2024 là Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn. Đã có
gần 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam; trong đó có
những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như NVIDIA đã "cập bến", tạo
dấu mốc lịch sử, hay như Google cũng lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam... Đặc
biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện năm 2024 đạt 25,35 tỷ
USD, tăng 9,4% so với năm trước cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài
vào môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, cũng như minh chứng cho việc khu
vực FDI ngày càng có những đóng góp trực tiếp rất quan trọng cho tăng trưởng
kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hương,
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá mức tăng trưởng năm 2024 là rất tích
cực trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, trong nước chịu ảnh hưởng bởi
thiên tai. Đây là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng
tốc, về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét