Lâu nay vẫn có thực trạng: Nghị quyết quá dài, ôm đồm nội dung, xác định
nhiều mục tiêu, chỉ tiêu nhưng vấn đề quan trọng là giải pháp, nguồn lực, kế
hoạch để thực hiện lại chưa thực sự được chú trọng. Những nghị quyết được xây
dựng mà không bám sát thực tiễn, không phản ánh hơi thở cuộc sống thường không đủ
cơ sở để thực hiện. Trong thực tiễn đã có những nghị quyết như vậy. Nghị
quyết Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) đề ra mục tiêu: “Từ nay đến năm
2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Tuy
nhiên, đến năm 2016, Đại hội XII của Đảng đánh giá đến năm 2020, nước ta chưa
thể trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nên đã điều chỉnh lại mục
tiêu thành “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo
hướng hiện đại”. Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình đề ra mục tiêu ở Đại hội VIII
là chưa đánh giá đúng tình hình, nhất là nền tảng, nguồn lực để thực hiện còn
yếu, điểm xuất phát thấp.
Đối với công tác chuẩn bị văn kiện trình Đại hội XIV lần này,
trong các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương đều toát
lên tinh thần: Văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ
thực hiện. Văn kiện phải trở thành "sách giáo khoa", thành "từ
điển" để khi cần thì tra vào đó và sẽ thấy ngay "ánh sáng soi
đường".
Theo Quy định số 66-QĐ/TW ngày 6-2-2017 của Ban Bí thư Trung
ương Đảng khóa XII “Về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của
Đảng” thì “Nghị quyết là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại
hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối,
chủ trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể”. Quá trình chuẩn bị
các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng được Trung ương xây dựng công phu, kỹ
càng, khoa học, bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo
cáo xây dựng Đảng và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới.
Chỉ đạo của Trung ương, văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống,
ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đây là vấn đề xuất phát từ chính thực tiễn quá
trình thực hiện để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Điều hiển nhiên, nếu nghị
quyết dài sẽ khiến đảng viên không nhớ hết các nội dung, gây khó cho học tập,
nghiên cứu, quán triệt, không xác định được các trọng tâm, trọng điểm để lãnh
đạo và thực hiện. Trong lịch sử, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ban hành
những Cương lĩnh chính trị, nghị quyết, quyết định rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ
nhớ nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Điển hình như Chánh cương vắn tắt,
Sách lược vắn tắt của Đảng (1930); Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943...
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, đòi hỏi đại hội đảng các cấp
từ chi bộ trở lên phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng,
thảo luận, đóng góp Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIV, đặc biệt là về tầm
nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước. Những vấn đề được góp ý, thảo
luận phải xuất phát từ thực tiễn, từ thực tiễn đặt ra cần thúc đẩy phát triển,
tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn. Đó là những vấn đề mang hơi thở cuộc sống,
được mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm, có ảnh hưởng thiết thực đến đời
sống xã hội, đến sự phát triển của đất nước.
Một tinh thần rất mới trong chỉ đạo của Trung ương: Văn kiện
phải trở thành "sách giáo khoa", thành "từ điển" để khi cần
thì tra vào đó và sẽ thấy ngay "ánh sáng soi đường". Hạn chế tối đa
việc phải tiếp tục ban hành các nghị quyết, chỉ thị tiếp theo để thực hiện Nghị
quyết Đại hội XIV. Điều này không chỉ bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, thống
nhất, toàn diện của Đảng về thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chung mà còn khẳng
định rõ một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng là lãnh đạo bằng
nghị quyết, là năng lực trong việc xây dựng, ban hành nghị quyết.
Quá trình xây dựng các văn kiện đại hội rất công phu, tốn nhiều
công sức, trí lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong khi đó, khi ban hành
được nghị quyết rồi mà không thực hiện được hoặc thực hiện không thành công là
rất lãng phí. Trong thực tiễn, tình trạng phải ban hành các nghị quyết, chỉ thị
để thực hiện một nghị quyết không phải là hiếm, trong khi nghị quyết cần thực
hiện không phải đặc biệt, cần thiết phải ban hành thêm một nghị quyết nữa.
Tránh tình trạng có quá nhiều nghị quyết được ban hành. Từ thực tế, đã có nhiều
ý kiến cho rằng, nghị quyết chỉ nên được ban hành khi thực tiễn đòi hỏi phải có
chủ trương lãnh đạo. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” cũng đã nhấn mạnh: “Chỉ ban
hành văn bản mới khi thật sự cần thiết”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét