Chiến sĩ Điểu Ngọc, dân tộc S'tiêng, thường trú tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) đang tại ngũ Trung đoàn 271, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) là trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng luôn yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mới đây, gia đình chiến sĩ Điểu Ngọc được Ban CHQS huyện Bù Đốp vận động, hỗ trợ 120 triệu đồng, xây tặng nhà “Tình nghĩa quân-dân”. 

Nhận ngôi nhà mới khang trang với diện tích xây dựng 50m2, ông Điểu Sa Ríc, bố của chiến sĩ Điểu Ngọc, xúc động bày tỏ: “Ngôi nhà mới giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống. Tôi luôn động viên, nhắc nhở cháu Điểu Ngọc phải nỗ lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của đơn vị. Tôi cũng tích cực tuyên truyền, động viên thanh niên đồng bào trên địa bàn tình nguyện đăng ký nhập ngũ năm 2025”.

Hiệu quả nhờ bám nắm địa bàn, hỗ trợ thiết thực
 
Hiệu quả nhờ bám nắm địa bàn, hỗ trợ thiết thực
Thanh niên tỉnh Bình Phước tự giác khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2025.

Thanh niên Điểu Kỳ Anh, sinh năm 2006, thường trú xã Thiện Hưng, bày tỏ: “Bố mẹ tôi đều làm ruộng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chứng kiến nhiều gia đình chiến sĩ được địa phương, đơn vị hỗ trợ xây tặng nhà, cử dân quân giúp thu hoạch mùa vụ, tôi đăng ký tình nguyện nhập ngũ năm 2025. Đây là cơ hội, điều kiện giúp tôi rèn luyện, cống hiến, trưởng thành, sau này trở về địa phương góp sức xây dựng thôn, ấp ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Tâm sự của Điểu Kỳ Anh cũng là suy nghĩ của nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh Bình Phước mà chúng tôi có dịp trò chuyện, trao đổi. Bình Phước có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn khó khăn, song nhiều năm qua, địa phương luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Công tác tuyển quân năm 2025 đến nay đã có hơn 46% thanh niên tình nguyện nhập ngũ; sức khỏe loại I, II chiếm trên 69%... Đặc biệt, 100% thanh niên trúng tuyển đều phấn khởi, xác định tốt nhiệm vụ, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong công tác tuyển quân. Địa phương không xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, đơn xin tạm hoãn nhập ngũ...

Đại tá Võ Thành Danh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Phước tâm đắc: “Rút kinh nghiệm từ nhiều năm, chúng tôi tiếp tục chú trọng phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh và Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với thực hiện tốt công tác hậu phương Quân đội”.

Triển khai thực hiện, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước đã phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, tặng nhà, sinh kế, hỗ trợ vốn sản xuất cho gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn... Các hoạt động này gắn chặt với triển khai, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và an sinh xã hội của địa phương; qua đó huy động cả hệ thống chính trị, xã hội tham gia, tạo nhiều nguồn lực chăm lo tốt hậu phương Quân đội. Năm 2024, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước đã phối hợp xây dựng 167 căn nhà “Tình nghĩa quân-dân”, “Đại đoàn kết”, “Đồng đội” tặng cán bộ, chiến sĩ, người dân có hoàn cảnh khó khăn; 100% chiến sĩ xuất ngũ đều được tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm ổn định; tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng.

Hiệu quả nhờ bám nắm địa bàn, hỗ trợ thiết thực
Thanh niên tỉnh Bình Phước đăng ký tình nguyện nghĩa vụ quân sự năm 2025. 

Bên cạnh chăm lo hậu phương Quân đội, cơ quan quân sự các cấp chủ trì phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn công tác tuyển quân và đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục truyền thống cũng như phổ biến những nội dung quan trọng của Luật NVQS và chỉ thị, nghị quyết về công tác tuyển quân năm 2025; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ các cấp, ban, ngành địa phương và nhân dân trong công tác tuyển quân. Đối tượng tuyên truyền tập trung vào thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, gia đình thanh niên, học sinh đang học tại các trường cao đẳng, trung cấp, THPT trên địa bàn, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như treo băng rôn, tuyên truyền lưu động, bảng tin địa phương, trang mạng xã hội và các hội thi, tham quan di tích lịch sử, hội trại truyền thống...

Đồng chí Nguyễn Sỹ Quốc, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng NVQS xã Thiện Hưng cho biết: Chúng tôi thành lập các tổ, đội tuyên truyền lưu động do các thành viên hội đồng NVQS xã hoặc cấp ủy chi bộ ấp làm tổ trưởng đến từng gia đình thanh niên tuyên truyền trực tiếp, phát tài liệu phổ biến về chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ khi thanh niên thực hiện NVQS, điều kiện, tiêu chuẩn trúng tuyển, quy định về miễn, tạm hoãn NVQS và quy định về xử lý vi phạm... Qua đó, cán bộ các cấp nắm chắc được hoàn cảnh, nguyện vọng của thanh niên, kịp thời giải quyết tốt những vướng mắc, chăm lo tốt hậu phương Quân đội và giáo dục, động viên thanh niên thấy rõ vinh dự, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của mình, xác định tốt nhiệm vụ, chấp hành nghiêm quy định, sẵn sàng lên đường nhập ngũ.