Từ “vô tư” ngoài ý nghĩa “không nghĩ đến lợi ích riêng tư” còn có thêm nghĩa là “không, hoặc ít lo nghĩ”. Bản chất của người vô tư không xấu, nhưng ông cha ta từng đúc kết: Người vô tư quá hóa vô tâm, thậm chí vô cảm. Tức là người vô tư đến mức thiếu tâm can sâu sắc, thiếu tình cảm mặn mà, không lưu tâm, để ý đến cảm xúc, tâm trạng của những người xung quanh, có lúc đơn giản nghĩ gì nói vậy, làm vậy nên lợi bất cập hại.
Trong thời điểm đồng bào trên khắp mọi miền đất nước hân hoan
sống trong ngày mùa thu Cách mạng Tháng Tám lịch sử và tự hào đón chào ngày lễ
trọng Quốc khánh 2-9 thì một số người nổi tiếng trong giới giải trí lại có
những hành vi vô tâm, vô cảm đến mức phạm húy những điều thiêng liêng của Tổ
quốc, khiến nhiều người dân bức xúc.
Một người mang danh
"Hoa hậu quý bà hòa bình thế giới" đã chế lời bài Quốc ca với giọng
điệu đùa cợt; một số ca sĩ, diễn viên biểu diễn trên những sân khấu, không gian
ở nước ngoài có xuất hiện lá cờ của một chế độ cũ đã sụp đổ, hay mang mặc trang
phục, phù hiệu lệch lạc... khiến những trái tim yêu nước chân chính có cảm giác
bị tổn thương. Nhiều cư dân mạng lên tiếng bày tỏ phải có biện pháp mạnh tay
đối với những hành vi này, bởi lẽ họ vô tình cổ xúy cho những điều trái với
niềm tin chân lý, chính nghĩa đã đánh đổi bằng biết bao hy sinh, xương máu của
các thế hệ cha anh.
Sau khi những hình ảnh
phản cảm, hành vi thiếu chuẩn mực nêu trên được tán phát trên mạng xã
hội và trước áp lực của dư luận xã hội, những người trong cuộc đều có chung một
“công thức” là: Bày tỏ sự hối hận về sự vô tâm, bất cẩn của bản thân + xin lỗi
người hâm mộ + mong khán giả tha thứ để được tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.
Ông cha ta có câu
“Đánh kẻ chạy đi chứ ai nỡ đánh người chạy lại”. Khi các "nàng hậu",
"chị đẹp", "anh tài" trong giới giải trí ăn năn hối cải về
hình ảnh, hành vi bất cẩn của mình cũng phần nào làm nguôi ngoai dư luận. Nhưng
theo thống kê, khoảng mươi năm trở lại đây, có cả chục ca sĩ, diễn viên, người
nổi tiếng trong giới giải trí vẫn giẫm phải “vết xe đổ” như nhau, phải chăng đó
là một chiêu trò nhằm hâm nóng tên tuổi, đánh bóng bản thân khi sự nghiệp của
họ đang có nguy cơ xuống dốc?
Ca sĩ, diễn viên biết
hối hận trước sự bất cẩn, tắc trách của mình để lấy lại niềm tin nơi công chúng
là thái độ cầu thị cần thiết. Tuy nhiên, một lời xin lỗi vội qua như mây trôi
gió thoảng. Điều quan trọng nhất là công chúng mong đợi những người hoạt động
nghệ thuật sẽ gánh vác sứ mệnh quảng bá, lan tỏa cái đẹp ra xã hội và trước
hết, bản thân họ phải chuẩn mực cả về lời ăn tiếng nói, hành vi, hình ảnh trước
công chúng. Bởi như một nghệ sĩ tên tuổi từng nói đại ý: Nghệ sĩ sống được,
hành nghề được là nhờ công chúng, nhờ xã hội, nhờ đất nước. Do vậy, đã là nghệ
sĩ thì không chỉ cần coi trọng sự chỉn chu, chau chuốt về hình thức khi biểu
diễn trước công chúng mà còn phải đề cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội
trong mỗi phát ngôn, hành vi, việc làm của mình ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong hoạt động sáng
tạo nghệ thuật, nghệ sĩ có thể mang tâm thế hồn nhiên, vô tư thăng hoa tài năng
trên các sàn diễn, phim trường để mang lại hiệu ứng, hiệu quả nghệ
thuật cao nhất, nhưng trong tư tưởng và hành động, thái độ và
hành vi thì đòi hỏi nghệ sĩ phải coi trọng phong cách văn hóa chuẩn mực và đề
cao ý thức trách nhiệm công dân. Khi con người và tác phẩm, nhân cách và sự
nghiệp của nghệ sĩ hướng đến/thể hiện vì cộng đồng, xã hội và đất nước thì lúc
đó, tên tuổi của họ luôn neo vào lòng công chúng và tỏa sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét