Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã dàn dựng hàng trăm chương trình, vở diễn; biểu diễn hàng vạn đêm, phục vụ hàng chục triệu lượt công chúng, khán giả trong và ngoài Quân đội; thực sự trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với các tư tưởng, văn hóa xấu độc, phản động, xây dựng Quân đội về chính trị.

Những vở diễn, chương trình do Nhà hát dàn dựng góp phần nâng cao tính giáo dục, tính thẩm mỹ cho công chúng, khán giả trong và ngoài Quân đội, trong các cuộc kháng chiến, thời bình và thời kỳ hội nhập phát triển đất nước, xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ-chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Sáng tạo, đổi mới, giữ vững thương hiệu kịch nói Quân đội
Cảnh trong vở kịch “Vì Tổ quốc” được Nhà hát dàn dựng và biểu diễn kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Ảnh: CHÂU XUYÊN

Hòa mình trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước của dân tộc, thông qua các vở diễn, các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát đã có mặt khắp các chiến trường hai miền Nam - Bắc; dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trên trận địa pháo, trong những căn hầm hay ở góc rừng, nơi nào có chiến sĩ, nơi ấy có các nghệ sĩ Nhà hát đem hết tài năng, tâm huyết biểu diễn phục vụ để cổ vũ, động viên bộ đội và đồng bào quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược. Những giá trị truyền thống tự hào của đơn vị luôn được các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát trao truyền và không ngừng phát huy với tác phong của người nghệ sĩ-chiến sĩ.

Nhà hát Kịch nói Quân đội đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; 17 vở diễn đoạt huy chương vàng, 18 vở diễn đoạt huy chương bạc; 1 nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 2 nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật... Mỗi năm, đơn vị đều đạt và vượt chỉ tiêu đêm diễn, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Trong các liên hoan, cuộc thi những năm gần đây, với sự tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn đổi mới, chương trình của Nhà hát đa dạng về đề tài, có những màu sắc tươi mới, ấn tượng và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Nhà hát luôn quan tâm và chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực có tâm và tài; bên cạnh đó, chú trọng công tác đối ngoại, giao lưu, tập huấn tại các nước có nền nghệ thuật sân khấu phát triển như Nga, Trung Quốc...

Trong giai đoạn hiện nay, Nhà hát đang tiếp tục cố gắng, chủ động, tích cực trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là ở những vùng núi cao, nơi có rất ít các đoàn nghệ thuật đến biểu diễn đều có dấu chân của các nghệ sĩ. Và thực tế, trong các đợt biểu diễn tại nơi địa đầu Tổ quốc phía Bắc vào đúng thời điểm thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ có lúc xuống còn 3-5oC, nhưng nghệ sĩ, diễn viên vẫn khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bộ đội và nhân dân.

Đặc biệt, với sự tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn đổi mới, mở rộng đề tài dàn dựng, các chương trình kịch mục của Nhà hát phong phú, đa dạng, có những màu sắc tươi mới, ấn tượng, với các đề tài xã hội, dân gian, lịch sử... Các vở diễn tiêu biểu như: “Bản hùng ca linh thiêng”, “Những linh hồn thức”, “Bài ca đường Trường Sơn”, “Dời đô”, “Vòng tay bất tử”, “Lũ quét”, “Chuyến tàu tốc hành trong đêm”, “Những người lính trận”, “Nhiệm vụ hoàn thành”, “Tóc mây Lèn Hà”, “Dưới cát là nước”, “Đứa con của đồng đội”, “Mưa đỏ”, “Hoa khôi dạy chồng”, “Khát vọng đoàn tụ”, “Vầng trăng trinh liệt”, “Điện Biên vẫy gọi”, “Vì Tổ quốc”...

Trong dòng chảy phát triển của sân khấu nước nhà, xu thế hội nhập quốc tế, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật trên cả nước đã và đang tích cực dàn dựng vở diễn về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Nhà hát rất tự hào, nhưng cũng vô cùng trăn trở làm thế nào để tiếp tục giữ vững truyền thống và có trách nhiệm hơn nữa, làm tốt hơn nữa, đặc sắc hơn nữa không chỉ về nội dung tư tưởng mà còn bảo đảm cả về chất lượng nghệ thuật của các chương trình, vở diễn thuộc đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ-mảng đề tài vốn là thế mạnh của Nhà hát, để xứng đáng với thương hiệu và truyền thống 70 năm xây dựng, trưởng thành của đơn vị.

Một điều đáng chú ý, hiện nay vẫn có rất nhiều tác giả yêu mến Quân đội, dành tình cảm và sự quan tâm viết về mảng đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ, tuy nhiên, đội ngũ tác giả trẻ có những tác phẩm nổi bật về đề tài này chưa nhiều. Có thể do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song Nhà hát hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều tác giả trẻ quan tâm, yêu mến viết về Quân đội, có sự bắt gặp để thêm nhiều tác phẩm hay, có những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới về đề tài này.

Bên cạnh đó, số vở diễn dàn dựng về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ của Nhà hát chưa đáp ứng được mong đợi của đông đảo khán giả, do mỗi năm Nhà hát chỉ được phép dàn dựng từ hai đến ba vở diễn theo quy định. Việc xây dựng nguồn nhân lực kế cận không chỉ ở đội ngũ diễn viên mà kể cả các thành phần sáng tạo như tác giả, đạo diễn... cũng là vấn đề quan trọng thời gian qua được thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, thủ trưởng Nhà hát quan tâm. Hy vọng thời gian tới sẽ có những chế độ, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực thực sự có tâm, có tài về phục vụ lâu dài trong Quân đội nói chung và Nhà hát nói riêng.