Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH, CỤ THỂ HÓA MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG TRÊN 8%

 Năm 2025, Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%. Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ tại Công điện số 137/CĐ-TTg với mục tiêu phải tăng tốc, bứt phá hướng tới mức tăng trưởng trên 8% và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới. Đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, bởi để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, chúng ta cần các giải pháp làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống bên cạnh các giải pháp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.

Dự báo từ các tổ chức quốc tế uy tín như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5-6,6% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ.

Theo các chuyên gia, dù còn nhiều khó khăn nhưng những động lực quan trọng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục được dự báo có thể duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn, đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế. Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025, không ít rủi ro cho tăng trưởng cũng đã xuất hiện, đó là xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, gia tăng chính sách bảo hộ thương mại, chiến tranh công nghệ làm phân mảng kinh tế thế giới... Song, Việt Nam cũng có thể tìm thấy những cơ hội trong thách thức, chủ động thích ứng với bối cảnh quốc tế biến động, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Nói về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, chúng ta có cơ sở để nói đến mục tiêu này, bởi lẽ sự tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024. Đồng thời có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế với việc Quốc hội thông qua nhiều luật. Sự thay đổi lớn trong các luật này là tư duy đột phá, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tư tưởng lớn của các luật là tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc. “Chúng ta không bàn đến vấn đề quá sức hay không quá sức mà đã đặt ra thì phải quyết tâm làm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ.

Cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 137/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức trên 8%. Trong đó,  đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các ngành, lĩnh vực, bộ, cơ quan, địa phương; phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, các địa phương cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.

Bức tranh kinh tế năm 2024: Nhiều điểm sáng tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội được duy trì, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét