Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Một số giải pháp thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay


Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả hoạt động đối ngoại quốc phòng theo đường lối đối ngoại được Đại hội XIII của Đảng xác định.

Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, của Quân ủy Trung ương, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”… là những văn bản chỉ đạo góp phần định hướng cho các bộ, ban, ngành trong công tác nghiên cứu, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, không để bị động, bất ngờ, tổ chức tổng kết công tác đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020 - 2021).

Về nhiệm vụ quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt” (11). Đảng ta xác định bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước. Kiên định nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt về sách lược trong xử trí các tình huống liên quan đến quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống. Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhằm thực hiện kế sách giữ nước từ sớm, từ xa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

Thứ hai, cần nhìn nhận xác đáng quan hệ quốc tế về chính trị - an ninh.

Chúng ta hiện đang chứng kiến sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trực tiếp tác động sâu, rộng và đưa tới những chuyển biến về nhiều mặt, từ đời sống xã hội đến bảo đảm quốc phòng, an ninh; toàn cầu hóa tiếp tục là xu thế khách quan; quan hệ quốc tế về chính trị - an ninh đang và sẽ đối mặt với cục diện cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn. Nội hàm của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng hiện nay đã được mở rộng hơn, được Đảng ta xác định rõ tại Đại hội XIII, đó là hội nhập trong tình hình mới, tư duy về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là cần làm chủ được vũ khí trang bị hiện có, tích cực mở rộng hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa nhưng độc lập, tự chủ, không can thiệp công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, “quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra” (12), và “chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh”(13).

Cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Đây cũng là điều kiện, thời cơ, nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam khi tham gia hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Vì vậy, cần tiếp tục giữ vững quan điểm, lập trường khi thiết lập, mở rộng quan hệ và đối ngoại quốc phòng với các nước trên thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay.

Thứ ba, chú trọng yêu cầu “tiên liệu, phòng ngừa và thích ứng”.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển đất nước và quốc phòng - an ninh; cần nắm bắt được những thuận lợi trong hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng, cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Trong quan hệ quốc tế, cần chú trọng yêu cầu “tiên liệu, phòng ngừa và thích ứng” trên cơ sở kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, nhất là về lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, tăng cường nội lực, chủ động, tích cực, cơ động, linh hoạt trong việc khai thác những cơ hội mới xuất hiện, hóa giải những thách thức mới nảy sinh, tránh rơi vào thế đối đầu căng thẳng hoặc bị lợi dụng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay về quốc phòng - an ninh.

Những thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự. Trong tương lai gần, một khi cuộc chiến tranh công nghệ cao xảy ra, những phương tiện hỗ trợ công nghệ cao, tiên tiến sẽ giúp người chỉ huy đưa ra phương án tiến công tối ưu cho các lực lượng, phương tiện, vũ khí thực hành tác chiến. Công nghệ nano có thể giúp các vũ khí tiến công có khả năng tàng hình trong mọi điều kiện. Trí tuệ nhân tạo tạo ra những robot thông minh chiến đấu liên tục, không biết mệt mỏi với sức mạnh và sự chịu đựng phi thường trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Tác chiến trên không gian mạng, không gian vũ trụ làm thay đổi về bản chất của các phương thức tác chiến truyền thống. Xuất phát từ thực tế đó, có thể nhận thấy rằng: “Chiến tranh trong tương lai là chiến tranh công nghệ cao, với nhiều loại vũ khí tối tân, độ chính xác cao, được điều khiển từ xa, có tính tự động hóa, những phương tiện trinh sát thông minh, không người lái, người máy sẽ thay thế người lính đảm nhiệm một số nhiệm vụ đặc biệt, cuộc chiến an ninh mạng diễn biến phức tạp, không gian và thời gian tác chiến cũng như ranh giới giữa ta và địch khó phân định” (14).

Thứ tư, nhất quán nguyên tắc độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

Thực hiện hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng luôn đặt trong việc giải quyết tốt mối quan hệ lớn giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, vừa tận dụng được những cơ hội, vừa tránh được các tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Việc khai thác được lợi ích từ hội nhập quốc tế phụ thuộc nhiều vào sự ổn định, phát triển trong nước, cũng như năng lực xử lý quan hệ với các nước lớn, các trung tâm quyền lực thế giới, bảo đảm cân bằng lợi ích của nước ta trong quan hệ quốc tế. Môi trường toàn cầu, hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho đất nước phát triển nhưng cũng là điều kiện để một số thế lực thù địch nhân danh “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do tôn giáo”… can thiệp vào công việc nội bộ của ta, thực hiện “diễn biến hòa bình”, kích động, xúi giục các hoạt động bạo loạn, lật đổ, đe dọa an ninh quốc gia. Vì vậy, cần tỉnh táo, kiên định với những vấn đề mang tính nguyên tắc, nhưng khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, xử lý các mối quan hệ, xác định rõ và luôn kiên định lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất trong quá trình hội nhập quốc tế, mọi vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế phải được soi chiếu từ lợi ích quốc gia - dân tộc. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc là giá trị cốt lõi trong quan hệ quốc tế. Thực hiện nhất quán phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, lấy nguyên tắc của luật pháp quốc tế để xử lý quan hệ đối ngoại.

Cần chủ động phát hiện từ sớm, từ xa những nguy cơ có thể xảy ra để có kế hoạch ngăn chặn, vô hiệu hóa, hóa giải một cách kịp thời, hiệu quả. Phòng, chống một cách chủ động, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng hội nhập quốc tế để chống phá ta; nâng cao năng lực dự báo tình hình quốc tế, khu vực, phục vụ đắc lực yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế. Nguyên cứu đánh giá và xác định đúng đắn quan hệ đối tác - đối tượng trong từng tình huống cụ thể để có những ứng phó phù hợp, góp phần triển khai hiệu quả nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét